Văn hóa - Giáo dục

Dự án quyền tự chủ tuyển sinh ĐH: Còn nhiều lo ngại về chất lượng và hiệu quả

15:02, 14/07/2014 (GMT+7)
Nhiều hiệu trưởng khi được hỏi quan điểm về tuyển sinh riêng đều thốt lên: “Ba chung đang yên ả, sao phải thay đổi? Nếu Bộ cứ ép phải có đề án tuyển sinh riêng thì chúng tôi buộc phải xây dựng thôi”. Lí do đầu tiên những trường này đưa ra là khâu đề thi.
 
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết: “Nếu cho các trường tuyển sinh riêng để tăng quyền tự chủ tuyển sinh thì tôi dám chắc là không dưới 2/3 số trường vẫn phải đi mua đề thi của Bộ. Không hiệu trưởng nào dại gì mà tự ra đề”. PGS.TS Nguyễn Đức Hinh phân tích, thi ba chung như hiện nay các trường có cùng một đề thi, như vậy thí sinh được 22 điểm chắc chắn không thể giỏi bằng thí sinh 27 điểm. Nhưng nếu tuyển sinh riêng thì 27 điểm chưa chắc đã chất lượng hơn 22 điểm. Vậy chuẩn chất lượng thí sinh sẽ theo thang đo nào? Đó là chưa kể, năng lực ra đề của nhiều trường rất kém.
 
Ngay như ĐH Y Hà Nội, theo Hiệu trưởng Hinh thừa nhận, thì nhà trường toàn các thầy “nội, ngoại, sản, nhi” không thể ra đề được môn Toán. Cách đây 20 năm, khi tuyển sinh riêng, mỗi mùa thi, trường khổ sở vì phải thuê thầy ra đề môn Toán. Đó là chưa kể đến việc bảo mật đề, chống lộ lọt đề khiến nhiều trường lao đao, tốn kém vô cùng. “Nếu thi riêng mà chúng tôi vẫn phải đi mua đề của Bộ thì khác gì thi chung như hiện nay. Vậy thì sao phải thay đổi. Căn cớ là do các trường khó tuyển, Bộ cho các trường tuyển sinh riêng để có thí sinh, nhưng họ không có thí sinh là vì không có sức hấp dẫn chứ không phải do có tổ chức thi riêng hay thi chung đâu?” - Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh bày tỏ.
 
Thí sinh dự thi vào Đại học Nội vụ 2014
Thí sinh dự thi vào Đại học Nội vụ 2014
 
Ngay như ĐH Ngoại thương, một trường tốp đầu danh tiếng cũng không mặn mà với tuyển sinh riêng. PGS.TS Nguyễn Văn Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Bao giờ hết “ba chung” thì chúng tôi mới nghĩ đến tuyển sinh riêng, giờ chung được cái gì chúng tôi tận dụng hết. Tuyển sinh chung sẽ giúp xác định được mặt bằng cao thấp, đỡ tốn kém. Thêm nữa, nếu tuyển sinh riêng chắc chắn sẽ lại đẻ ra tình trạng luyện thi, học tủ”.
 
Ths. Lê Quốc Hạnh - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội cho biết: “Một chủ trương cho tự chủ tuyển sinh từ 2013 - 2017 là quãng thời gian quá ngắn. Có những thành tựu của ba chung nếu đã quá tốt rồi thì nên duy trì. Xét về tổng thể, nếu tuyển sinh riêng thì chắc chắn có nhiều bất cập: điểm trúng tuyển giữa các trường khác nhau, mỗi trường là một cái cân không có mặt bằng chung để xã hội so sánh, đánh giá. Khi chúng ta tự chủ tuyển sinh, khâu ra đề thực sự là lo lắng của các trường”. Các trường ĐH Luật, Học viện Ngoại giao cũng chung quan điểm: Nếu Bộ bắt buộc phải có tuyển sinh riêng thì sẽ có, còn hiện tại vẫn “ba chung” vì đằng nào cũng phải thuê địa điểm, thuê người chấm thi.
 
Tại buổi họp báo ngay sau khi kỳ tuyển sinh đại học kết thúc, rất nhiều vấn đề liên quan đến đề án tuyển sinh riêng đã được các nhà báo đặt ra với Bộ GD&ĐT. Có phải tuyển sinh riêng là “cứu tinh, lối thoát” cho các trường khó tuyển mà đa số là trường ngoài công lập hay không? Vì sao nhiều trường tốp đầu lại muốn tiếp tục “ba chung”, Bộ có quan điểm ra sao? Hiện Bộ GD&ĐT đang xúc tiến xây dựng đề án một kỳ thi quốc gia, như vậy có mâu thuẫn, chồng chéo gì với đề án tuyển sinh riêng mà Bộ đang yêu cầu các trường phải hoàn thành?
 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, hoàn toàn không có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa đề án một kỳ thi quốc gia duy nhất với các đề án tuyển sinh riêng, vì các trường vẫn cần có đề án tuyển sinh riêng. Kỳ thi quốc gia duy nhất nếu diễn ra sẽ đạt hai mục tiêu, vừa dùng kết quả để xét tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ để dùng ngay kết quả đó xét tuyển vào đại học. Các trường sẽ dựa trên đề án tuyển sinh riêng của mình có thể bổ sung thêm những tiêu chí xét tuyển phụ, như: phỏng vấn, làm bài test, có bài kiểm tra năng lực để tuyển được thí sinh tốt nhất. Còn về số phận các trường khó tuyển, theo Thứ trưởng Ga, việc không có thí sinh là do danh tiếng, uy tín, vị trí địa lý của các trường, không phụ thuộc vào việc có tổ chức hay không tổ chức kỳ thi. Do đó, các trường phải tự biết khẳng định uy tín, vị thế chất lượng của mình. Tuyển sinh “ba chung” có nhiều lợi ích nhưng không phát huy được quyền tự chủ của các trường theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học và theo xu hướng giáo dục đại học tiên tiến.
 
Vậy làm sao để kiểm soát chất lượng nguồn tuyển của các trường tuyển sinh riêng? Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ cho phép các trường tuyển sinh riêng hằng năm có thể sẽ có 2 lần tuyển sinh, đối với những trường đào tạo theo tín chỉ có thể tuyển vào mùa thu và mùa xuân. Điều này gây sự tốn kém cho toàn xã hội khi mà số lượng lớn thí sinh phải “hành quân” về hàng trăm địa điểm thi do trường lựa chọn? Trong khi đó, chưa có căn cứ khoa học để đảm bảo rằng, cứ thi riêng là kiểm soát được chất lượng, kiểm soát được những hiện tượng tiêu cực có thể tràn lan? Đó không chỉ là băn khoăn, mà là yêu cầu phải giải đáp?
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác