Văn hóa - Giáo dục
Tổng kết năm học tại các trường tiểu học
'Đỏ mắt' tìm học sinh trung bình, yếu kém
09:46, 03/06/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nếu như những năm trước, mỗi lần tổng kết năm học, các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi nhận kết quả học sinh giỏi hay thành tích học tập xuất sắc của con thì bây giờ điều đó đã quá bình thường khi học sinh giỏi đã trở nên đại trà, quá phổ biến. Và có một điều nghịch lý là, trong khi ai cũng kêu than chương trình học ở các bậc hiện nay quá tải, khó theo kịp nhưng kết quả cuối cùng lại thấy toàn học sinh giỏi.
Những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin về việc một trường THCS ở TP Hồ Chí Minh khoe thành tích học tập của một lớp học với 98% học sinh giỏi, còn lại 2% học sinh đạt loại khá. Kết quả này khiến nhiều người phải giật mình, nghi ngờ và lo lắng về thành tích thật sự sau mỗi lớp học. Bởi trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con em mình bằng cách dành hẳn thời gian để kèm cặp con mỗi ngày nên họ hiểu được năng lực thực sự của con. Vì vậy, khi nhận được kết quả học tập của con một cách quá xuất sắc, họ thật sự ngỡ ngàng.
Như cách đánh giá của một số trường học, với kết quả như đã nói ở trên, trong thời buổi hiện nay, học sinh trung bình và yếu kém đã thành “của hiếm”, tìm mỏi mắt cũng không ra. Và, theo như cách đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành thì điều này vô hình chung đã cho thấy rõ sự hạn chế của giáo dục hiện nay. Đó là việc thay vì giúp học sinh khám phá năng lực của bản thân thì giáo dục lại đang thổi phồng thành thích của học sinh bằng những điểm số không hề thực chất. Chính điều này đang gây áp lực vô cùng lớn cho học sinh khi mà các em dường như đang bị người khác “điều khiển” chứ không phải học tập bằng chính năng lực thực sự của bản thân mình.
Kết quả học tập của một lớp học khiến dư luận phải ngỡ ngàng |
Những kết quả đáng buồn trên đây chính là hệ lụy của căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong thời gian qua. Chính vì đòi hỏi thành tích nên mới tạo ra áp lực cho các em học sinh. Trong đó, đầu tiên phải nói đến là chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào một số trường được xem là “hot”, là đình đám ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay. Học sinh muốn được vào học ở các trường đó thì phải có bề dày thành tích thật sự nổi trội như việc 4 - 5 năm liền phải đạt danh hiệu học sinh giỏi thì mới có hy vọng. Và trong khi mong muốn của các bậc phụ huynh là con em mình phải vào được những ngôi trường danh tiếng như thế thì việc tạo ra một cuộc chạy đua về thành tích không phải là một điều khó hiểu. Các bậc làm cha mẹ bắt đầu sốt sắng lo cho kết quả học tập của con bằng cách bắt ép chúng phải học ngày, học đêm. Học đến nỗi mà nhiều người nói đùa rằng, bọn trẻ bây giờ học đến nỗi không có thời gian mà thở.
Trong thời buổi hiện nay, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh tiểu học dáng người nhỏ nhắn nhưng mang trên mình chiếc ba lô to đùng, có mặt ở mọi lớp học thêm, được cha mẹ kèm cặp, đưa đón trên những chiếc xe đắt tiền, bóng lộn. Những đứa trẻ ấy không có điều kiện để tận hưởng những ngày hè bổ ích một cách đúng nghĩa. Chỉ có một điều duy nhất chúng phải làm, đó là học. Học thật giỏi để sau này thành tài và có khi học thật giỏi để thỏa mãn tâm lý ganh đua giữa các ông bố, bà mẹ với nhau. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao, ở các buổi họp tổng kết năm học, một số ông bố, bà mẹ tỏ ra thất vọng khi kết quả học tập của con mình chỉ dừng lại ở mức độ khá. Sự thất vọng ấy rất có thể sẽ biến thành nỗi tức giận để về trút lên các em một cách vô cớ. Rồi tiếp tục sau đó sẽ là một cuộc chạy đua mới để giành lấy vị trí cao hơn, tốt hơn. Và trong khi các ông bố, bà mẹ vô tình tạo ra áp lực cho các con thì những đứa trẻ vô tội phải khoác lên mình chiếc áo quá nặng nề do người lớn tạo ra.
Cũng chính vì căn bệnh thành tích đó mà không chỉ học sinh, phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng trở thành “nạn nhân”. Thực tế cho thấy, ở nhiều trường, ngay từ đầu năm học mới, trường đã giao chỉ tiêu đối với giáo viên, cụ thể bằng việc trong năm học đó lớp phải đạt bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh tiên tiến. Và cuối năm học, nếu trường hợp lớp nào có ít học sinh giỏi hay vẫn tồn tại học sinh yếu kém thì chính giáo viên đó sẽ không được bình xét thi đua. Bởi thế, nhiều giáo viên không thể nào làm khác được. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao, trong thời buổi hiện nay, khi mà ngành giáo dục đang kêu gọi sự đổi mới để có chất lượng thực chất đúng nghĩa thì đâu đó trên đất nước ta, ở nhiều địa phương vẫn còn thực trạng đáng buồn là học sinh “ngồi nhầm lớp”. Học sinh chính là những đứa trẻ vô tội trong khi chính gia đình và nhà trường đang bắt các em phải đạt được cái thứ danh hiệu mà nó chỉ tồn tại ở vỏ bề ngoài chứ không hề phản ánh đúng bản chất.
Và lời kết cho bài viết này, người viết xin được một lần nữa chia sẻ câu chuyện về trường hợp của một người mẹ đã xin cho con mình từ thành tích xuất sắc xuống loại khá. Bà mẹ có con đang học lớp 4 này cho biết, con thường mắc những lỗi ngớ ngẩn khi làm bài tập, vì thế khi đi thi bài của con bị trừ điểm. Nếu theo kết quả này, con sẽ không được học sinh xuất sắc. Thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm đã mang bài thi của học sinh lên kiện ban giám hiệu để "giành giật" lại 0,75 điểm cho học sinh của mình. Kết quả là con chị vẫn nhận 2 điểm 10 môn Toán, Tiếng Việt và nhận Giấy khen học sinh xuất sắc. Không đồng tình với sự chiếu cố của cô, người mẹ này đã đề nghị cô trừ điểm bài của con theo đúng quy định để cháu rút kinh nghiệm cho những lần sau. Bởi theo chị, chính sự nâng đỡ này sẽ làm hại cháu sau này. Đây chính là trường hợp hiếm có từ trước đến nay. Nhưng vượt lên trên tất cả đó là một bài học để các bậc phụ huynh suy nghĩ lại về những tấm bằng khen học sinh giỏi, xuất sắc mà con em mình nhận được…
Ngọc Anh