Trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh vô cùng tự hào vì đã có những đóng góp rất quan trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Pháo binh ta tuy nhỏ nhưng đã có một tác dụng lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Yếu tố cơ bản làm nên kỳ tích đó là chúng ta đã vận dụng sáng tạo, tài tình nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch.
Nét nổi bật trong sử dụng pháo binh ở Chiến dịch Điện Biên Phủ trước hết thể hiện ở sự tập trung tối đa lực lượng cho chiến dịch. So sánh tương quan lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ta gấp 2,1 lần quân Pháp. Tổng số pháo, cối của ta tham gia chiến dịch gồm: 1 trung đoàn lựu pháo 105mm có 2 tiểu đoàn với 24 khẩu; 1 trung đoàn sơn pháo, cối gồm 5 tiểu đoàn và 10 đại đội với 94 khẩu; súng cối của các đại đoàn bộ binh là 140 khẩu. Tổng cộng ta có 261 khẩu pháo, cối các loại. Trong khi đó lực lượng pháo binh của địch chỉ có 126 khẩu. Sự tập trung này đã tạo ra thế áp đảo của pháo binh ta với pháo binh của địch. Lực lượng pháo binh ta đã chi viện đắc lực cho bộ binh đánh chắc thắng, “đánh chắc, tiến chắc”, tiêu diệt từng cứ điểm địch từ ngoài vào trong, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch.
Bộ đội pháo binh hạng nhẹ trước khi bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu |
Trong chiến dịch, lực lượng pháo binh được Bộ chỉ huy chiến dịch giao các nhiệm vụ: Chi viện trực tiếp cho bộ binh chiến đấu, tiến công các trung tâm đề kháng, cụm cứ điểm, cứ điểm, đánh địch phản kích, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, củng cố nơi đã chiếm được; chế áp và tiêu diệt pháo binh địch, tham gia khống chế sân bay, bắn quấy rối, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng... Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đó, căn cứ vào quyết tâm của người chỉ huy ta đã bố trí đội hình pháo binh hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc, hình thành thế vây hãm quân địch trong suốt chiến dịch.
Thành công nổi bật về nghệ thuật tổ chức đội hình chiến đấu pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là các trận địa tuy phân tán, khoảng cách giữa các đại đội khoảng từ 3 đến 5km, nhưng vẫn tập trung được hỏa lực cho hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu ở mức cao. Đặc biệt, Trung đoàn pháo lựu 105mm bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây Bắc Bản Kéo, đã tạo thành một vòng cung hơn 30km; quá trình tổ chức, bố trí trận địa ta đã kiên quyết khắc phục khó khăn, vượt mọi trở ngại, kéo những khẩu trọng pháo nặng hàng tấn lên bố trí trên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm; tập trung được hoả lực vào phần lớn các mục tiêu trong những trận đánh then chốt quyết định ở khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm, bảo đảm bắn được hầu hết các mục tiêu ở cự ly bắn có lợi nhất.
Các đơn vị súng cối bố trí tập trung ở hướng Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, cự ly bắn của súng cối từ 600 đến 800m. Trận địa sơn pháo thọc sâu bố trí trên Đồi E, cự ly bắn từ 300 đến 500m tạo nên thế rất hiểm đối với địch, mặc dù chúng tập trung mọi cố gắng nhưng không thể diệt được trận địa pháo lợi hại này của quân ta. Sự xuất hiện của hỏa lực pháo binh ta từ các dãy núi cao xung quanh tập đoàn cứ điểm là đòn bất ngờ nhất đối với địch. Đó cũng thể hiện nét sáng tạo, độc đáo trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc bố trí trận địa pháo binh phân tán, hiểm hóc, vững chắc đã tạo ra một thế trận pháo binh vững mạnh và ổn định, sử dụng pháo binh theo yêu cầu chiến dịch để pháo binh chi viện hiệu quả cho các đại đoàn bộ binh, là bí quyết và nghệ thuật sử dụng pháo binh của Quân đội ta.
Bên cạnh đó, việc vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phát huy tối đa uy lực của từng loại pháo, khả năng sở trường của từng đơn vị cũng làm một thành công của ta. Có ưu thế lực lượng mạnh, tạo được thế bố trí hiểm hóc và vững chắc là cơ sở thuận lợi để vận dụng cách đánh có hiệu quả. Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên ta vận dụng cách đánh bao vây tiến công trận địa. Quán triệt phương châm: “Đánh chắc, tiến chắc”, lực lượng pháo binh đã vận dụng linh hoạt các cách đánh: Đánh gần kết hợp với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, dồn dập, kéo dài, gây cho địch nhiều tổn thất về vật chất và căng thẳng về tinh thần.
Trong đợt tổ chức pháo bắn chuẩn bị để mở đầu chiến dịch, pháo binh ta đã thực hành pháo bắn chuẩn bị kéo dài 1 giờ với trên 240 khẩu. Ngay 15 phút đầu, hoả lực pháo binh ta đã gây cho địch tổn thất nặng nề. Đến khi pháo binh chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự kiên cố, vững chắc, pháo binh ta đều có hỏa lực chuẩn bị và hỏa lực chi viện phát triển tiến công. Để chi viện cho bộ binh vây lấn, chúng ta đã bố trí hỏa lực pháo binh trên nhiều hướng, sơn pháo và cối 82mm đi cùng trực tiếp chi viện khi vây lấn và khi thời cơ đến dùng thêm lựu pháo trực tiếp bắn phá hoại. Với lối đánh này, lựu pháo thường bắn sát đội hình chiến đấu bộ binh, do đó đòi hỏi việc chuẩn bị phần tử bắn phải thật chính xác và phải bắn trong tầm bắn hiệu quả nhất, ít tản mát về đạn nhất để vừa chế áp, tiêu diệt được địch, vừa bảo đảm an toàn cho quân ta.
Trong các trận đánh phản kích lớn của địch, hỏa lực pháo binh ta đã chi viện kịp thời cho bộ binh đánh bại các trận phản kích. Quá trình đánh phản kích, ta đã biết kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực của pháo binh và hỏa lực của súng bộ binh. Ta đã sử dụng pháo binh tập trung với hỏa lực mạnh, mật độ đạn lớn, thời gian ngắn, vì vậy mà đã nhanh chóng sát thương lớn quân địch bộc lộ ngoài công sự. Điển hình là trận phản kích của 2 tiểu đoàn địch sáng 15-3-1954, sau khi cứ điểm Độc Lập bị thất thủ, ta đã tập trung toàn trung đoàn lựu pháo bắn tập trung 200 quả đạn tiêu diệt số lượng lớn địch, số còn lại vội vàng tháo chạy về Mường Thanh. Trận phản kích tuyệt vọng của tiểu đoàn dù và tiểu đoàn lê dương địch từ trung tâm Mường Thanh ra Đồi A1 và C1 cũng bị 3 đại đội pháo ta cùng sơn pháo bắn tan đội hình.
Trong đánh khống chế sân bay, pháo binh ta đã phối hợp chặt chẽ với pháo cao xạ triệt nguồn tiếp tế đường không - đây là đòn đánh hiểm, đẩy địch vào thế ngày càng nguy khốn. Với cách đánh linh hoạt, sáng tạo, chúng ta đã khai thác và phát huy được mọi tính năng, tác dụng của các loại pháo, cối và sớm hình thành hai lối đánh hiệp đồng, độc lập góp phần đánh tiêu diệt lớn quân địch trong chiến dịch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, lực lượng pháo binh ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến mà Bộ chỉ huy chiến dịch giao, đánh dấu một bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch và mở ra những vấn đề lớn đầu tiên trong xây dựng, biên soạn hệ thống lý luận về nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh Việt Nam, nhất là trong tác chiến hiệp đồng đánh bại phương thức phòng ngự cao nhất của đối phương ở địa hình rừng núi là tập đoàn cứ điểm. Đó cũng là cơ sở để Binh chủng Pháo binh lấy làm phương hướng nghiên cứu chỉ đạo xây dựng và chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong chiến tranh bảo vệ biên giới và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
.