(Congannghean.vn)-Theo kế hoạch chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ 17/3 đến 17/4, các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh. Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã thực sự được “hâm nóng” không chỉ bởi những văn bản, chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc tiếp tục đẩy mạnh việc chấn chỉnh kỷ cương thi cử mà còn bởi tâm trạng phấp phỏng, lo lắng, băn khoăn của thí sinh trong việc không biết nên chọn trường nào, ngành gì để đăng kí dự thi. Sự lúng túng, thiếu tự tin của một bộ phận không nhỏ học sinh trong việc chọn trường thi, ngành thi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó là công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa được tiến hành quyết liệt, đồng bộ, sâu rộng.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh góp phần tác động và làm chuyển biến nhận thức của học sinh trong việc xác định đúng đắn ngành thi, trường thi phù hợp với sở trường, khả năng của mình. Việc chọn đúng trường thi, ngành thi phù hợp với khả năng, sở thích không chỉ tạo tâm thế vững vàng cho thí sinh khi đăng kí dự thi, giúp thí sinh có thể gặt hái được kết quả cao nhất trong kỳ thi mà còn có những tác động tích cực đến tương lai của học sinh như: Khả năng tìm kiếm việc làm, niềm đam mê, sự khẳng định mình trong nghề nghiệp. Sự ngộ nhận về khả năng của bản thân, nhất là tâm lí nông nổi, hời hợt, bồng bột trong việc chọn trường thi, ngành thi có thể sẽ khiến cho thí sinh phải trả giá đắt, đồng thời gây tốn kém, lãng phí cho gia đình và xã hội.
Công tác tư vấn hướng nghiệp trước mùa tuyển sinh giúp học sinh tìm được hướng đi thích hợp cho mình trong tương lai - Ảnh minh họa |
Công tác hướng nghiệp đối với thí sinh trong thời gian qua đã được quan tâm chú trọng hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả của hoạt động chưa được như mong muốn. Trong gia đình, do bận rộn, lo toan cho công việc mưu sinh hàng ngày, nhiều bậc phụ huynh ít có thời gian quan tâm đến việc học của con, không hiểu hết tâm tư, nguyện vọng và mơ ước của con, nhất là không thấy hết được khả năng, lực học của con.
Dẫn đến việc phó mặc cho con tự quyết định ngành thi, trường thi, với suy nghĩ giản đơn rằng: Con mình đã lớn, để nó tự chịu trách nhiệm với tương lai của mình. Cách “tin tưởng” con cái như vậy của các bậc phụ huynh sẽ có tác động tiêu cực đến những học sinh có sức học yếu nhưng lại ngộ nhận về khả năng của bản thân, từ đó có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Hiện tượng trên không chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà còn có thể bắt gặp ở các vùng đồng bằng, thành phố - những nơi vẫn được xem là có mặt bằng dân trí cao hơn.
Trong nhà trường, gánh nặng về công tác chuyên môn khiến cho hầu hết giáo viên mới chỉ chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức và làm sao trang bị được nhiều nhất kiến thức cho học sinh, công tác tư vấn hướng nghiệp có phần bị sao nhãng. Thường thì công tác này được tiến hành theo “mùa vụ”, cách thức tổ chức sơ sài, chiếu lệ, thường được tiến hành lồng ghép trong các buổi hướng dẫn học sinh viết hồ sơ đăng ký dự thi. Không có một đội ngũ tư vấn hướng nghiệp có kinh nghiệm, phương pháp, thông tin, do đó công tác tư vấn hướng nghiệp thường được tiến hành một cách bị động, hình thức, không tạo được sức cuốn hút đối với học sinh. Do đó, hiệu quả chất lượng tư vấn chưa cao.
Để tư vấn hướng nghiệp thực sự là công tác thiết thực, có ý nghĩa đối với học sinh, trước hết cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc tầm quan trọng của công tác này, từ đó có những biện pháp điều chỉnh phù hợp trong nhận thức và hành động. Theo đó, công tác hướng nghiệp cho học sinh phải là hoạt động thường xuyên, liên tục, được tiến hành sớm. Đối tượng hướng tới là học sinh các lớp cuối bậc THCS để dần hình thành ý thức về việc lập nghiệp trong tương lai chứ không nhất thiết phải chờ đến các lớp cuối bậc THPT, càng không nên chỉ thực hiện chiếu lệ trước khi học sinh đăng kí dự thi. Các phương tiện thông tin đại chúng cần thực sự vào cuộc, trở thành kênh thông tin quan trọng để học sinh có thể tham khảo trong việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai của mình.
Trong gia đình, các bậc phụ huynh cần quan tâm, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, từ đó có những định hướng thích hợp. Đặc biệt, cần có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời đối với những quyết định bồng bột, nông nổi hay ngộ nhận về khả năng của bản thân. Các nhà trường cần có một bộ phận giáo viên chuyên trách có năng lực, nhiệt huyết làm công tác hướng nghiệp cho học sinh. Tổ chức Đoàn thanh niên phải đóng vai trò nòng cốt trong việc làm đa dạng và sinh động các hình thức tư vấn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Từ năm học 2006 - 2007, trong chương trình giáo dục ở trường THPT có thêm các tiết “Hoạt động ngoài giờ lên lớp”, trong đó có nội dung về công tác hướng nghiệp. Đây là điều kiện tốt để giáo viên và học sinh có thể trao đổi, thảo luận sôi nổi, cởi mở về các vấn đề liên quan đến hướng nghiệp, lập nghiệp.
Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay đang cần một đội ngũ lớn nhân công có tay nghề, trình độ. Mỗi học sinh cần xác định cho mình con đường lập nghiệp trong tương lai dựa trên khả năng, năng lực, sở trường, sở thích của bản thân và điều kiện, hoàn cảnh thực tế của gia đình. Trong rất nhiều cơ hội đang mở ra trước mắt, cổng trường đại học không phải là sự lựa chọn duy nhất. Tóm lại, định hướng nghề nghiệp đúng có thể mở ra khả năng tìm được việc làm ổn định cho bản thân trong tương lai, nhờ đó có thể làm giàu cho chính mình, cho gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ngược lại, nếu định hướng sai, không thiết thực sẽ dẫn đến tốn kém, lãng phí, gây nên tâm lí giao động, hoang mang, mất phương hướng, đặc biệc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người.