Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/tam-long-thom-cua-cac-co-giao-cam-ban-470237/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/tam-long-thom-cua-cac-co-giao-cam-ban-470237/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tấm lòng thơm của các cô giáo cắm bản - Báo Công An Nghệ An điện tử
.
Thứ Bảy, 05/04/2014, 10:32 [GMT+7]

Tấm lòng thơm của các cô giáo cắm bản

(Congannghean.vn)-Lâu lắm rồi, chúng tôi mới có dịp trở lại thăm điểm trường bản Mọi (thuộc Trường Tiểu học 2 Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An). Bản Mọi bây giờ thật sự có nhiều thay đổi, đường vào bản Mọi đã dễ dàng hơn, điện lưới đã về bản. Điều thay đổi đáng ghi nhận nhất là những lớp học tranh tre, nứa lá năm xưa giờ đã được thay bằng những dãy phòng học khang trang, kiên cố. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tấm lòng của những người “gieo chữ” đối với con em đồng bào Đan Lai và Thái cư trú nơi đầu nguồn khe Mọi heo hút này.
 
Qua tìm hiểu được biết, ở đây có nhiều cô giáo đã có “thâm niên cắm bản” ở bản Mọi, như cô Lương Thị Ba (15 năm), cô Vi Thị Hương và Lê Thị Hương Trà (hơn 10 năm)... Những nữ giáo viên này đã chứng kiến quá trình đổi thay từng bước của bản. Chỉ mới cách đây 2 năm, khi con đường chưa được nâng cấp, việc đi lại hết sức gian nan, vất vả. Bản Mọi nằm cách trung tâm xã Lục Dạ 10 km đường rừng, xe máy chỉ đi được nửa chặng đường, sau đó phải gửi lại ở các chòi canh rẫy của bà con để cuốc bộ mới vào được bản. Vào mùa mưa, dòng khe Mọi trở nên hung dữ, nước chảy cuồn cuộn và cuốn theo bao cây cối, làm sạt lở, đứt đoạn cả tuyến đường, ngăn mạch giao thông. Các cô giáo nhà cách bản từ 10 - 30 km, nên thời điểm đó, các thầy, cô phải nghỉ lại trường, chờ cuối tuần mới về thăm nhà và mua sắm lương thực, thực phẩm cho tuần mới.
 
Vào những lúc mưa lũ kéo dài, nước khe Mọi dâng cao và chảy xiết nên nhiều thầy, cô có khi “mắc kẹt” cả tháng. Những lúc như thế, gạo hết, thức ăn cũng hết, việc xoay xở vô cùng khó khăn, vì dân bản cũng nghèo, không mấy nhà có dư lương thực, thực phẩm để bán. Vườn rau trồng được cũng bị mưa nguồn phá nát, bản Mọi bị cô lập nên việc tiếp tế lúc ấy là không tưởng. Vậy là số gạo còn lại phải dè xẻn, mấy ngày sau phải chuyển sang nấu cháo để tiết kiệm gạo và tiếp tục chờ nước rút. Bây giờ, đường sá đã thuận lợi hơn, những ngày trời nắng đẹp các cô đều sáng đi, chiều về để có điều kiện chăm sóc gia đình.
 
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông tặng quần áo ấm cho học sinh Đan Lai ở Khe Khặng, Môn Sơn
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông tặng quần áo ấm cho học sinh Đan Lai ở Khe Khặng, Môn Sơn
 
Nhờ thụ hưởng các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước như cung ứng giống mới, phân bón, tập huấn kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi nên so với trước đây, đời sống người dân bản Mọi đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Nhưng so với các bản làng khác trong xã, trong huyện, bản Mọi vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, vì nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đa số bà con thuộc tộc người Đan Lai, trình độ dân trí còn thấp, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Khi cái ăn còn chưa đủ, ý thức chăm lo sự học cho con em người dân bản Mọi vẫn chưa cao, khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh nơi đây vẫn chưa theo kịp các bản khác. Đó cũng chính là nỗi băn khoăn, trăn trở của các thầy, cô giáo tại điểm trường bản Mọi. Cô Lê Thị Hương Trà chia sẻ, mỗi khi bắt đầu năm học mới, việc động viên học sinh đến lớp là cả một vấn đề nan giải.
 
Vì các em nhỏ thường theo cha mẹ vào rẫy, nên các thầy, cô phải cất công tìm đến tận nơi để vận động. Huy động đủ số lượng học sinh chưa phải đã xong việc, vì có những gia đình hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền để lo các khoản đóng góp, mua sách vở, quần áo cho con cái. Thậm chí, có người đưa con đến lớp và nói: “Theo lời cô giáo, ta cho nó đi học, bây giờ ta giao nó cho cô”. Vậy là các cô phải mua sắm sách vở, bút giấy cho các em theo kịp chương trình. Còn các khoản đóng góp, nếu phụ huynh nào chưa có tiền nộp thì giáo viên bỏ tiền túi nộp giúp, khi nào có sẽ hoàn trả. Nhưng mỗi khi hỏi, lại nhận được câu trả lời: “Ta chưa có đâu cô giáo à!”. Cho đến khi hết năm học, qua kỳ nghỉ hè, rồi lại bắt đầu năm học mới, số tiền ấy các cô đành phải “chịu” luôn.
 
Cô Vi Thị Thìn kể rằng, đầu năm học mới, lớp cô chủ nhiệm có mấy em không có sách vở, áo quần đều bị rách, chân không có dép. Cô phải lo liệu sách vở, mua cho mỗi em một bộ đồ và đôi dép mới. Bình thường, mỗi giáo viên đều có một hộp bút dự trữ, khi học sinh nào thiếu bút sẽ đưa cho để việc học của các em không bị ngắt quãng. Mùa đông đến, nhiều em không đủ áo ấm, đến lớp ngồi co ro, run rẩy ở góc phòng. Không đành lòng nhìn cảnh học trò chịu rét, cô Thìn và các đồng nghiệp mang áo ấm cũ của con em mình đến cho các em mặc. Sau đó, tiếp tục huy động anh em họ hàng, bà con làng xóm và bạn bè gần xa quyên góp áo ấm để mang đến lớp tặng cho các em, để tất cả các em đều có áo ấm chống chọi với cái rét như cắt da, cắt thịt nơi biên giới vùng sâu heo hút này.
 
Trở về điểm trường chính của Trường Tiểu học 2 Lục Dạ, qua trao đổi về việc giúp đỡ học sinh khó khăn tại điểm trường bản Mọi, cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Đó là việc làm thường xuyên của các giáo viên ở bản Mọi và của toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường. Đầu năm học 2013 -2014, Ban Giám hiệu nhà trường phát động phong trào “Mỗi giáo viên đăng ký làm một việc tốt và nhận giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Cô giáo Kim Anh đưa chúng tôi xem bản danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký làm một việc tốt. Bản danh sách có 41 người, hầu hết đều đăng ký giúp đỡ quần áo đồng phục, áo ấm, sách vở, bút mực cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô Kim Anh giải thích thêm: “Đây chỉ là bản đăng ký làm một việc tốt, thực tế chúng tôi xác định giúp đỡ học sinh nghèo là việc làm thường xuyên và có những việc không thể kể ra hết”.
 
Trên đường trở ra phố huyện có phải vì con đường phẳng hơn, xe lăn bánh nhanh hơn, hay vì tấm lòng của cô giáo Bản Mọi nói riêng và Trường Tiểu học 2 Lục Dạ nói chung đã biết nhường cơm sẻ áo sưởi ấm lòng con trẻ nơi vùng sâu heo hút để các em yên tâm đến lớp, đến trường…
.

Văn Mùi