*Bài 2: “Binh đoàn ngựa sắt” qua kí ức của một dân công hỏa tuyến
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên, khái niệm “xe đạp thồ” ra đời và đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, sự bền bỉ của cả dân tộc. Thậm chí, một nhà báo Pháp đã viết: "Trong cuộc tranh cãi vì sao Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, không ít tướng tá Pháp đã đổ tội cho việc chưa hề có binh thư nào của phương Tây đề cập đến các kỹ thuật kém hiện đại như chiếc xe đạp thồ". Ấy vậy nhưng suốt chiến dịch, với hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ được sử dụng đã góp phần làm nên thắng lợi lừng lẫy khắp địa cầu. Trong số hàng vạn công dân hỏa tuyến từ Thanh - Nghệ - Tĩnh góp sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cựu binh Trần Nhật Hợi hiện trú xã Diễn Hạnh (Diễn Châu) là một nhân chứng sống hiếm hoi, đến nay vẫn còn vẹn nguyên ký ức của những ngày đầu ra trận.
Một thời chiến sĩ “tay ngai, xe thồ”
Ông Trần Nhật Hợi năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng ký ức về những ngày xông pha trận mạc của chiến dịch 60 năm về trước vẫn còn đậm sâu. Ngày ấy, bom Mỹ tàn phá làng quê Diễn Hạnh rất ác liệt, đến độ đang học lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ), nhưng lòng căm thù đã sục sôi, cậu học trò 17 tuổi gác bút nghiên viết đơn xung phong ra chiến trận. Tháng 2/1954, cùng với 22 thanh niên khác biết đi xe đạp trong toàn xã, Trần Nhật Hợi được tuyển quân, tham gia đội quân xe thồ gùi hàng ra chiến trường Điện Biên Phủ.
Đồng hành cùng ông ra chiến trận là chiếc xe đạp không phanh, không chuông, không đèn và không gác đờ bu. Thức trắng đêm để làm tay ngai, cọc chống khung, cọc thồ, và sau khi “gia công” xong chiếc xe, 5 giờ chiều ngày 12/4/1954, ông Hợi cùng đoàn dân công xe thồ của huyện Diễn Châu bắt đầu hành trình ra Thanh Hóa. “Đêm đi, ngày nghỉ ở nhà dân. Chúng tôi cứ đi theo những đường mòn ở phía Tây, qua Tĩnh Gia, Nông Cống rồi ngược lên Lang Chánh. Phải 4 - 5 ngày mới tới kho lương thực để nhận hàng. Sau khi được nghỉ ngơi một ngày, chúng tôi được phát thịt, muối và bao bì đựng gạo. Mỗi người phải chở ít nhất là 100 kg hàng hóa, riêng tôi vì ít tuổi và nhỏ con nhất nên chỉ phải chở 80 kg, số còn lại anh tiểu đội phó chở giúp. Nhưng đến chuyến thứ 2, thứ 3 thì đã đủ số hàng tiêu chuẩn. Sau khi quen với việc thồ hàng ra trận, những chuyến sau cứ thế tăng dần lên 150 kg, 180 kg, rồi 200 kg”, ông Hợi nhớ lại.
Công dân hỏa tuyến Trần Nhật Hợi đang kể về những ngày hoa lửa |
Theo ông Hợi, để biến một chiếc xe đạp dân dụng thành xe thồ, dân công, bộ đội buộc thêm vào ghi đông một đoạn tre nhỏ để điều khiển và buộc vào trục yên xe một đoạn tre để làm tay cầm, còn gọi là “tay ngai”. Độ cứng của khung xe được tăng lên bằng cách hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ, dùng quần áo cũ để gia cố, tăng độ bền của săm, lốp. Những chiếc xe này nhờ vậy, đã lăn bánh vượt suối sâu, đèo cao để “cõng” trên mình từ 100 đến 200 kg hàng ra trận tuyến. Để chở hàng an toàn, những người dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 đến 40 người. Đường sá đi lại khó khăn nên để không lạc mất nhau, họ đã đánh dấu bằng cách buộc khăn trắng sau lưng người đi trước, để người sau nhận ra được, dù là trong đêm tối.
Tưng bừng ngày chiến thắng
Trong ký ức của ông Trần Nhật Hợi, mỗi chuyến hàng như vậy, để ra đến chiến trường phải mất 6 - 7 ngày đêm. Đói thì dừng lại thổi cơm ăn, củi thì không thiếu nhưng tuyệt đối không để khói bốc cao hoặc ánh lửa nhằm tránh máy bay địch. Gian khó không nề, sợ nhất là sốt rét rừng. Có khi đang đi phải tạt vào lề đường trùm chăn kín mít, run cầm cập vì rét. Y tá các đơn vị phát hiện, đến tiêm cho một phát, tỉnh dậy lại đẩy hàng. Trên những chặng hành trình ấy, cũng có những niềm vui nho nhỏ, ấy là gặp những chuyến xe ngược đoàn, kẻ thồ, người gánh, những chuyến xe ra mặt trận nối đuôi nhau không dứt. Không quen biết nhau, nhưng hễ gặp là vui hết cỡ, lại chào nhau “anh cò”, “chị hĩm” hoặc “bố cu”, “mẹ đĩ” theo phương ngữ xứ Thanh, xứ Nghệ như những người thân thiết.
Chiếc xe thồ được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 |
“Càng gần chiến trường trong những ngày cuối chiến dịch, chúng tôi được đi ban ngày vì địch không dám oanh tạc sợ nhầm phải lính của chúng. Chuyến hàng cuối cùng đã là đầu tháng 5, khi ấy cảm nhận thắng lợi đã ở rất gần nên chúng tôi đồng thanh xin được thồ hàng ra sát trận địa và được chấp nhận. Tuy vậy, khi còn cách Điện Biên Phủ khoảng 7 km thì tin thắng trận bay về. Tất cả dân công xe thồ, dân công bộ và cả xe pháo được lệnh phải quay lại. Bản thân tôi và mọi người cố len lên nhưng đã bị tắc nghẽn vì các đoàn tù binh kìn kịt được giải về xuôi. Lúc được trèo lên đài quan sát để xem trận địa, tôi đã bị choáng ngợp bởi một Điện Biên Phủ ngoạn mục và hùng vĩ. Chiến trường như một lòng chảo được bao bọc bởi núi non xung quanh. Những lô cốt giặc với lỗ châu mai đen ngòm chết lặng. Lần ấy, tôi cùng 3 dân công khác đã lấy được một tấm dù màu trắng của thực dân Pháp đem về làm kỷ niệm. Tiếc rằng, kỷ vật ấy nay đã không còn nữa” (trích hồi ký của ông Trần Nhật Hợi).
Sau chiến dịch kết thúc, ông Trần Nhật Hợi về lại quê nhà dạy lớp vỡ lòng kiêm Trưởng ban Văn hóa thông tin xã Diễn Hạnh. 4 năm sau, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tiếp tục vác ba lô ra chiến trường chiến đấu cho đến khi hòa bình lập lại. Tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, cựu chiến binh Trần Nhật Hợi tham gia các hoạt động từ thiện xã hội ở xã nhà. Cho đến bây giờ, đã bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn được tín nhiệm tham gia Hội cựu giáo chức, làm Trưởng ban liên lạc hưu trí và Hội khuyến học xã Diễn Hạnh. Ông Trần Nhật Hợi cùng với vợ là bà Tăng Thị Lự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và bản thân ông được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.
Theo thống kê, trong suốt chiến dịch, lực lượng xe đạp thồ đã có 20.911 chiếc, liên tục vận tải hàng trong suốt thời gian chuẩn bị và diễn ra chiến dịch. Chỉ tính riêng Liên khu 4 đã huy động 250.000 lượt đi dân công, với hơn 11.000 xe đạp thồ, vận chuyển trên 15.000 tấn gạo, hơn 400 tấn thực phẩm chi viện cho chiến trường. Để đảm bảo an toàn, mỗi chuyến xe thồ chỉ được phép chở tối đa 60 kg hàng hóa, song hưởng ứng phong trào thi đua “thồ nhiều, đi nhanh”, anh chị em đã chở vượt mức chỉ tiêu từ 100 kg đến 200 kg trên mỗi chuyến. Thậm chí những chiếc xe đạp thô sơ này đã liên tiếp lập nhiều kỷ lục, có chiếc chở đến 250 kg hàng. Đặc biệt, anh Ma Văn Thắng, dân công tỉnh Phú Thọ, thồ 270 kg/chuyến, nhưng vẫn chưa vượt qua được “kiện tướng” Cao Văn Tỵ (Thanh Hóa) khi anh thồ đến 320 kg/chuyến. Hiện, tại Bảo tàng Quân khu 4 vẫn còn trưng bày chiếc “xe thồ” huyền thoại này. |
.