Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm, việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, tiến hành lui quân và kéo pháo ra được đánh giá là có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, để đưa ra quyết định lui quân và kéo pháo ra giữa lúc bộ đội ta vừa trải qua những ngày gian khổ để kéo pháo vào trận địa và đang sẵn sàng chờ lệnh tiến công là rất khó khăn. Câu chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi đã lý giải rất nhiều điều về sức mạnh của quân đội ta, cả về trí, lực và quyết tâm "Tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến thắng".
Như chúng ta đã biết, thực hiện chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây, coi Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược với địch và quyết định tập trung đại bộ phận bộ đội chủ lực và toàn bộ lực lượng pháo binh dự bị của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ. Và bắt đầu từ đây, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”; các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
Ngày 13/1/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã họp bàn kế hoạch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm "Đánh nhanh thắng nhanh". Để giữ bí mật việc sử dụng pháo lớn trong chiến dịch, Bộ Chỉ huy quyết định dùng sức người kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa bắn. Ngay sau đó, Kế hoạch tổ chức làm đường và kéo pháo đã được triển khai với các nội dung: Thành lập Ban Chỉ huy kéo pháo gồm các đồng chí: Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 12; Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn công pháo 351; Phạm Kiệt, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ. Lực lượng mở đường là Đại đoàn 308 và Trung đoàn Công binh 151. Lực lượng kéo pháo là cán bộ chiến sĩ Đại đoàn 312 và trung đoàn sơn pháo. Bắt đầu kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa từ đêm 16/1/1954 với thời gian 7 ngày để chuẩn bị cho ngày nổ súng - dự định vào 25/1/1954.(1).
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu |
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội pháo binh có Trung đoàn 45 (gồm 2 tiểu đoàn với 24 khẩu pháo 105mm), Trung đoàn sơn pháo 75 và tiểu đoàn súng cối 120mm. Cuối chiến dịch có thêm 2 tiểu đoàn DKZ75mm và Tiểu đoàn hỏa tiễn H6 (gồm 12 dàn, mỗi dàn 6 nòng). Các đại đoàn bộ binh còn có 4 tiểu đoàn pháo, cối, DKZ...Tổng cộng có khoảng 240 khẩu pháo, cối, DKZ các loại.(2)
Để có thể đưa pháo vào trận địa Điện Biên Phủ, việc đầu tiên là phải tiến hành mở đường. Trong một thời gian ngắn, bộ đội công binh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, bạt núi xẻ đồi, bắc được hàng chục cây cầu băng qua suối, qua các địa hình hiểm trở để mở các con đường qua các sườn núi và các ngọn đèo xung quanh Điện Biên Phủ, phục vụ cho việc kéo pháo vào trận địa. Thực hiện phương châm "Đánh nhanh thắng nhanh", bắt đầu từ đêm 16/1/1954, các đơn vị pháo binh đã hành quân lên Điện Biên Phủ với tinh thần "Tới đích đúng thời gian, bảo đảm an toàn người, xe, pháo và khí tài, bí mật tuyệt đối". Đường hành quân ra mặt trận gặp không ít khó khăn, phần lớn là đường mới mở, phải vượt qua nhiều trọng điểm thường xuyên bị máy bay và pháo binh Pháp bắn phá; rồi trời mưa, đường trơn, đồi dốc, việc dùng sức người kéo những khẩu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm vượt đèo cao, suối sâu trong gần 10 ngày đêm trên đoạn đường rừng núi hiểm trở là một thử thách rất lớn đối với bộ đội ta trong lần đầu tiên đưa pháo lớn ra trận. Nhưng với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ của cán bộ, chiến sĩ và sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng phối hợp, cho đến ngày 25/1/1954, các đơn vị pháo binh đã hoàn thành nhiệm vụ, lập kỳ tích đưa pháo vào kịp chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tấn công.
Thế nhưng, khi pháo vừa vào đến trận địa thì lại được lệnh phải lui quân và kéo pháo ra. Ngày 26/1/1954, sau nhiều ngày theo dõi những diễn biến mới nhất trên chiến trường và tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã triệu tập Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch và đi đến kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc "Đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Quyết định hoãn cuộc tấn công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày, tất cả lực lượng pháo binh kéo trở lại vị trí tập kết ban đầu ngay trong đêm 26/1. Ngay sau Hội nghị, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã báo cáo và quyết định đó đã được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí thông qua.
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến dẫn đến việc kéo pháo ra là một thử thách không nhỏ với các cán bộ, chiến sĩ pháo binh. Quyết định đó đã gây xáo trộn lớn về tư tưởng bởi bao nhiêu mồ hôi và xương máu của hàng ngàn con người đã đổ xuống trên đường kéo pháo, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua... giờ lại phải kéo pháo ra. Trước tình hình đó, cấp ủy các đơn vị đã triệu tập hội nghị cán bộ, tập trung làm công tác tư tưởng, phổ biến tỷ mỷ phương châm và kế hoạch tác chiến mới, giải thích cặn kẽ lý do để bộ đội hiểu, động viên mọi người vượt qua khó khăn thủ thách, hoàn thành nhiệm vụ mới.
Thực hiện quyết định của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngay từ chập tối ngày 26/1/1954, lực lượng pháo binh của ta đã đồng loạt tiến hành rút khỏi trận địa. Cuộc chiến đấu với đèo cao, dốc thẳm lại được bắt đầu trở lại. Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ nhưng kéo pháo ra lại càng gian khổ hơn. Rồi trong quá trình kéo pháo ra, quân Pháp đã phát hiện thấy các hoạt động của bộ đội ta nên đã liên tục cho máy bay ném bom, pháo kích gây cho chúng ta nhiều tổn thất. Và cũng chính tại thời điểm đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh thân mình để cứu pháo với những tên tuổi đã đi vào lịch sử như Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Chức... và bài hát "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được ra đời trong cuộc chiến đầy sự tích anh hùng này.
Với những nỗ lực và quyết tâm của bộ đội pháo binh, mờ sáng ngày 5/2/1954 (tức mùng 3 Tết âm lịch), khẩu pháo cuối cùng đã được kéo về vị trí tập kết, nhiệm vụ kéo pháo ra đã hoàn thành thắng lợi. Bộ đội pháo binh đã sẵn sàng chuẩn bị tác chiến theo phương châm "Đánh chắc tiến chắc" để cho đến chiều ngày 13/3/1954, pháo binh ta nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Có thể nói, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc", thực hiện lui quân, kéo pháo ra là một quyết định hết sức đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rằng, trước khi lên đường ra mặt trận, Bác Hồ căn dặn Đại tướng: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Cho đến giữa tháng 1/1954, trước những diễn biến mới trên chiến trường, nhất là việc quân Pháp tập trung co cụm tăng cường phòng thủ cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khi các đơn vị pháo binh của ta đã được kéo vào trận địa, nếu lúc đó thực hiện phương châm "Đánh nhanh thắng nhanh" sẽ không thành công và sẽ tổn thất nặng nề. Trong những ngày lịch sử đó, Đại tướng đã trải qua hàng chục đêm thức trắng, trăn trở để đi đến quyết định chọn phương án tác chiến "Đánh chắc tiến chắc". Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là "một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình" (3). Quyết định đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và của Đại tướng Tổng Tư lệnh trước Đảng, trước nhân dân ở bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Pháp để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy non sông, chấn động địa cầu".
Chú thích:
(1): Đại tướng Hoàng Văn Thái: Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. NXB Quân đội Nhân dân, H, 1984, trang 41.
(2): Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Pháo binh: Pháo binh quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. NXB Quân đội Nhân dân, H, 2004, trang 51 - 52.
(3): Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ. NXB Chính trị Quốc gia, H, 1998, trang 43 - 45.
.