1. Phân tán lực lượng cơ động chiến lược, cô lập Điện Biên Phủ
Đến mùa khô 1953, cuộc chiến tranh Đông Dương đã bước sang năm thứ tám. Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến phí và đã phải cầu sự trợ giúp của Mỹ.
Kết quả là tới năm 1954, đã có 78% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Mỹ chi trả. Tới năm 1953, viện trợ Mỹ, cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ USD, trong đó, viện trợ quân sự là 1,7 tỷ USD. Năm 1954, Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ USD nữa. Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp cho Pháp hơn 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.
Để giải quyết những khó khăn do cuộc chiến tranh, tướng Henri Navarre được cử sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp và mang theo một bản kế hoạch quân sự mới. Nội dung của bản kế hoạch đó là: Dựa vào viện trợ quân sự Mỹ, khẩn trương xây dựng khối cơ động chiến lược, phản công từng phần, tiến tới giành thắng lợi quân sự có ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện cho nước Pháp rút ra khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự.
Về phía ta, trong hội nghị cuối tháng 9 - đầu tháng 10-1953, khi thông qua phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954, do Tổng Quân ủy đề đạt, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã phân tích tình hình để chọn hướng chiến lược và nhận thấy địch tập trung lực lượng ở Đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng ở chiến trường này, có nhiều thuận lợi đối với địch, ít thuận lợi đối với ta; sử dụng chủ lực mở chiến dịch ở đồng bằng chỉ có thể thu được những thắng lợi có hạn mà cũng có thể bị tiêu hao lực lượng.
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch - Ảnh tư liệu |
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị chủ trương điều động chủ lực đi đánh ở những hướng khác, nơi địch tương đối sơ hở, nhằm tiêu diệt sinh lực của chúng trong những điều kiện thuận lợi, đồng thời buộc chúng phải phân tán tới 80% khối cơ động chiến lược ra đối phó trên nhiều hướng. Cụ thể là sử dụng một bộ phận chủ lực, mở chiến dịch tiến công trên chiến trường rừng núi, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trên những hướng chúng có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường sau lưng địch.
Nếu điểm quan trọng nhất trong kế hoạch quân sự H.Nava là xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh, kiên quyết tập trung binh lực để đối phó với các cuộc tiến công của ta và mở các cuộc tiến công lớn, tiêu diệt chủ lực ta… thì điều rất quan trọng trong kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của ta là khắc phục mọi hậu quả khó khăn, sử dụng mọi biện pháp giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán, phá vỡ khối cơ động tập trung của địch, điều động từng bộ phận chủ lực của chúng ra những hướng khác nhau, rồi chọn những hướng thuận lợi để tiêu diệt.
Đó là nội dung kế hoạch chiến lược của địch và chủ trương chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953-1954 và cũng là chủ trương chiến lược đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vấn đề này nổi bật lên hai điểm:
Một là, ta buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược. Kế hoạch của địch nguyên là tập trung binh lực, tăng cường lực lượng cơ động chiến lược, nhằm giành lại quyền chủ động, thực hiện một loạt kế hoạch tiến công, chuẩn bị một trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng lựa chọn, nhưng đã bị cô lập và thiếu lực lượng ứng cứu.
Biết rõ âm mưu đó, ta đã sử dụng một bộ phận quân chủ lực, mở cuộc tiến công vào những hướng hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, làm thất bại ý đồ chiến lược chủ yếu, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng, tiến tới làm phá sản kế hoạch H.Nava.
Hai là, ta đã tạo nên tình thế, buộc địch phải ném chủ lực xuống thung lũng Điện Biên Phủ. Đưa quân chủ lực lên chiến trường rừng núi Tây Bắc vốn không nằm trong ý định của địch, cũng như Điện Biên Phủ trước đó, không nằm trong kế hoạch của H.Nava. Nhưng khi địch đã bị động đổ quân xuống vùng đất này thì ta lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt chúng và biến cứ điểm này thành một trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa cuộc Kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Như vậy là vào mùa Xuân năm 1954, quân ta bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ sau khi đã tạo được một cục diện chiến lược thuận lợi, làm tiền đề thắng lợi cho một chiến dịch chiến lược lớn nhất và quan trọng nhất trong cuộc Kháng chiến chống Pháp.
Do có sự chuẩn bị nhất định cho sự phát triển của kháng chiến, từ trước đó 5 năm (1949-1954), ta đã xây dựng được 5 đại đoàn chủ lực (308, 304, 312, 316, 351) để đưa vào chiến dịch.
Về bộ binh: địch 1 / ta 3,6; địch 5 / ta 18 tiểu đoàn.
Về binh khí - kỹ thuật: địch 1 / ta 8,4 nhưng hỏa lực của ta lại phải rải ra trên nhiều mục tiêu ngay từ đầu (ngày 30-3-1954) trong điều kiện cả pháo và súng cối của ta đang đứng trước nguy cơ “đói đạn nghiêm trọng”.
Trong chiến dịch, ta chỉ có ưu thế tương đối hơn địch về một số mặt nhưng địch lại chiếm ưu thế hơn ta trên nhiều lĩnh vực. Muốn thấy rõ điều này, hãy so sánh tương quan lực lượng hai bên với toàn cuộc chiến tranh. Riêng trong Đông Xuân 1953-1954:
Về quân số: Địch 48 vạn. Ta 24 vạn (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương).
Về trang bị - kỹ thuật, địch hơn hẳn ta với: 580 máy bay các loại, 391 tàu chiến, 25 tiểu đoàn pháo 155 và 105mm, 10 trung đoàn, 6 tiểu đoàn và 10 đại đội tăng - thiết giáp.
Ta: 1 trung đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), 1 trung đoàn sơn pháo 75mm, 1 trung đoàn pháo hỗn hợp (súng cối 82mm, DKZ 75mm và hỏa tiễn H6), 1 trung đoàn pháo cao xạ (72 khẩu pháo 37mm và 72 khẩu súng máy 12,7mm).
Nhưng như trên đã nói, nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam là tuy đối phương luôn luôn hơn ta về tổng thể, nhưng ta lại rất biết cách tập trung binh lực, hỏa lực tối đa để giành những chiến thắng có tính chiến lược, trước khi giải quyết chiến dịch bằng trận đánh cuối cùng.
Sau 60 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ: Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là một trong những sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử quân sự Việt Nam mà còn là một trong những sự kiện rất quan trọng trong lịch sử quân sự thế kỷ XX của cả loài người.
Bằng thắng lợi quyết định này, Quân đội nhân dân Việt Nam - do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy - đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau suốt 55 ngày đêm “chịu trận”. Giữa chiến địa này, quân Pháp đã gia tăng quân số lên đến 16.200 người nhưng vẫn không thể chống nổi các đợt tiến công của một đối phương vô cùng thông minh và dũng cảm. Thực dân Pháp đã không bình định được Việt Nam, bất chấp nhiều năm chiến đấu chật vật cùng sự hỗ trợ ngày càng gia tăng của đế quốc Mỹ và rồi họ đã không còn đủ khả năng để tiếp tục ứng chiến sau thảm bại này.
Xét riêng về mặt chiến trận, Điện Biên Phủ là một chiến dịch tiến công lớn nhất và điển hình nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến lúc bấy giờ, một chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân ta trong gần 100 năm đấu tranh chống thực dân Pháp. Nó cũng được coi là một trong những chiến dịch tiến công lớn nhất trong lịch sử đấu tranh vũ trang của các dân tộc nhỏ chống quân đội xâm lược của chủ nghĩa đế quốc thực dân.
(Còn nữa)
.