(Congannghean.vn)- Có một thực tế đang diễn ra hiện nay đó là, sinh viên, học sinh ở các trường đại học, cao đẳng ra trường rất khó tìm được việc làm. Điều này càng khó khăn hơn đối với các sinh viên được đào tạo ở các trường nghề, do tâm lý chung của xã hội là chuộng bằng cấp, trong khi tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn là điệp khúc quen thuộc đối với các doanh nghiệp tuyển dụng. Nguyên nhân chính là do việc đào tạo trong nhà trường chưa gắn với nhu cầu của xã hội. Vấn đề đặt ra là, làm sao để sau khi được đào tạo, người lao động sẽ tìm việc làm phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Những bất cập trong công tác dạy nghề
Hiện nay, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường nghề rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu ngành, nghề đào tạo tại các trường, cơ sở dạy nghề vẫn chưa thật sự phù hợp với cơ cấu ngành, nghề của thị trường lao động. Hầu như là đào tạo theo khung chương trình cũ chứ hàng năm chưa có sự bổ sung, đổi mới thường xuyên các ngành, nghề đào tạo mới theo yêu cầu của thị trường lao động.
Điều này cũng giải thích vì sao một số lượng lớn sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng cũng chỉ đáp ứng được phần công việc đơn giản, chứ chưa thể đáp ứng được những đòi hỏi của một lao động có trình độ kỹ thuật cao. Theo tiền lệ từ trước tới nay thì, các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo theo khung chương trình sẵn từ năm này qua năm khác mà ít có sự thay đổi. Trong khi không quan tâm, hoặc chưa chú trọng đến những điều mà thị trường lao động cần; chưa phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Chính điều này đã vô hình chung tạo ra tâm lý tự hài lòng mà không chủ động đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp đào tạo tại các trường nghề.
Bên cạnh đó, các cơ sở nghề chưa được chú trọng đầu tư nâng cấp. Mặc dù trong những năm gần đây có nhận được sự quan tâm, tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ so với yêu cầu thực tế đang đặt ra. Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học tập và giảng dạy nhìn chung còn nhiều hạn chế, đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với trình độ năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo chung.
Đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng là điều mà các trường, cơ sở dạy nghề luôn muốn hướng tới - Ảnh minh họa |
Theo xu thế phát triển của thời đại, khi nền kỹ thuật công nghiệp tiên tiến ngày càng thâm nhập và chi phối một cách mạnh mẽ thì nhu cầu đòi hỏi cao cả về số lượng lẫn chất lượng đối với nguồn nhân lực của xã hội trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp còn ít, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của bản thân doanh nghiệp đó và có thể cung ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị khác. Trong khi đó, kỹ năng của người lao động để thích ứng được với công nghệ tiên tiến tại các doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế.
Cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ
Để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập trên, điều quan trọng trước hết cần phải có sự định hướng đúng đắn cho học sinh, sinh viên khi các em vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Thực tế cho thấy, ở Nghệ An nói riêng và trên cả nước nói chung, tình trạng sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường làm trái ngành xảy ra phổ biến, do các em chưa có sự định hướng nghề nghiệp, thiếu sự tư vấn trong hướng nghiệp để chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.
Đó là chưa nói đến việc, đa số các em thiếu hẳn những kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ yếu kém - những yêu cầu mà đa số các doanh nghiệp đòi hỏi cao trong thời buổi hiện nay. Do đó, định hướng nghề nghiệp được xác định là khâu đặc biệt quan trọng đối với người lao động, bởi nếu được hướng nghiệp đúng đắn thì chắc chắn nó sẽ phát huy được hiệu quả tối ưu. Từ đó, người lao động sẽ có thêm nhiều cơ hội để tìm việc làm. Chất lượng lao động tại các doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện, nâng lên.
Cùng với công tác hướng nghiệp đúng đắn thì việc quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cũng là một yêu cầu hết sức quan trọng trong thời buổi hiện nay. Điều này đặt ra trách nhiệm cho các trường, cơ sở đào tạo nghề phải xây dựng được nhiều chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu mà thực tiễn đặt ra. Về cơ bản thì hơn ai hết, đội ngũ giáo viên phải nhận thức được đúng về chất lượng đào tạo chứ không chỉ chăm chăm vào số lượng đào tạo. Nếu làm được như vậy thì mới có thể cung cấp cho xã hội một đội ngũ nhân lực đông đảo, có trình độ, đáp ứng được sự thay đổi của môi trường doanh nghiệp.
Việc đào tạo tại các trường, cơ sở nghề chỉ với một mục đích duy nhất, đó là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiêp. Do đó, việc liên kết, cùng hợp tác trong quá trình đào tạo giữa doanh nghiệp và các trường, cơ sở dạy nghề là một vấn đề không thể thiếu hiện nay. Điều này cần phải được cụ thể hóa qua việc phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế khung chương trình, quá trình giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của đối tượng học nghề. Các doanh nghiệp chủ động xây dựng các xưởng thực hành, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường.
Điều này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội thực tập tốt mà chính doanh nghiệp cũng có rất nhiều thuận lợi trong quá trình hoạt động sau này. Bên cạnh đó, hai bên phải thường xuyên bổ trợ thông tin cho nhau để nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực khi tuyển dụng. Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác đào tạo nghề, điều này đồng nghĩa với việc mọi lực lượng đều tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, để hệ thống đào tạo nghề được xã hội hóa một cách phổ biến và rộng rãi.