(Congannghean.vn)- Trong thời buổi hiện nay, khi mà nhịp sống đang ngày một trở nên vội vàng và gấp gáp theo sự phát triển đi lên của xã hội thì để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tồn tại được lâu dài, bền bỉ và đúng như bản chất vốn có của nó là một điều hết sức khó khăn. Trước thách thức đó, trong những năm qua, ngành văn hóa và các ban ngành chức năng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản dân ca ví, giặm. Nhưng trên thực tế, chừng ấy vẫn là chưa đủ, bởi để loại hình nghệ thuật này có sức sống mãnh liệt và trường tồn thì đòi hỏi cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ về lâu dài.
Xem thêm: Bài 1: Khi di sản đặc sắc đang bị mai một
Bài 2: Cần lắm sự quan tâm đặc biệt
Năm 1972, với sự ra đời của Đoàn Nghệ thuật Dân ca Nghệ Tĩnh (sau đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghê) được xem như là một bước phát triển mới cho dân ca ví, giặm. Có thể nói, các thế hệ nghệ nhân, nhạc sĩ, diễn viên ở đây đã có một quá trình lao động không mệt mỏi để sưu tầm và sáng tạo nên những làn điệu mang giá trị và ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc. Nhiều vở diễn phản ánh chân thực đời sống xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn như: “Cô gái sông Lam”, “Đốm lửa núi Hồng”, “Lời Người lời của nước non” đã được đông đảo nhân dân đón nhận nhiệt tình, với tất cả tình cảm trân trọng và yêu quý nhất.
Cũng chính từ sân khấu kịch hát nhiều màu sắc và giá trị đó đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ có tài, có tâm thực sự như: Xuân Năm, Hồng Lựu, Tiến Dũng, Thái Bảo… Với họ thì dân ca ví, giặm như là một phần không thể thiếu của cuộc sống, nó ăn sâu vào tận tâm can không thể chia lìa và được làm một người nghệ sĩ trong lòng nhân dân chính là ước mơ lớn nhất của những con người như thế.
Và cũng chính bởi có những người nghệ sĩ chân chính mà dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh như có thêm động lực để sống bền bỉ trong lòng quần chúng nhân dân. Cùng với đó, có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận đó là việc trong một thời gian dài, các anh chị em nghệ sĩ đã bỏ thời gian và công sức cùng tâm huyết của mình rong ruổi trên những chặng đường xa xôi để tìm ra những người có tài, tiếp nối mạch nguồn văn hóa Nghệ Tĩnh.
Chia sẻ với chúng tôi về những chặng đường gian khó để gìn giữ dân ca ví, giặm, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu không giấu được sự xúc động. Chị bảo, trên cuộc hành trình không có điểm dừng, những người nghệ sĩ như chị chỉ mong sao tìm được nhiều sự đồng cảm của những người thật sự có tài năng và tâm huyết. Nếu được như thế thì chắc chắn anh chị em sẽ dốc toàn bộ thời gian và công sức để đào tạo những giọng hát nghiệp dư trở thành chuyên nghiệp hơn.
Việc tổ chức các cuộc thi sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy dân ca ví, giặm |
Tuy nhiên, trên thực tế điều đó là rất hiếm hoi, bởi trong cơ chế thị trường như hiện nay, khi mà nỗi lo cơm áo gạo tiền còn là gánh nặng thì dường như đối với nhiều người, niềm đam mê đến tận cùng đối với dân ca ví, giặm dường như vẫn còn để lại phía sau. Đó là chưa nói đến việc các loại hình nghệ thuật khác xâm nhập theo trào lưu, giai đoạn nên thế hệ trẻ sẵn sàng đi theo nó.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, trong những năm qua, cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều hành động thiết thực và hiệu quả. Việc đưa dân ca vào trường học được xem như là một hình thức quan trọng làm cầu nối giữa các thế hệ. Thông qua các làn điệu được truyền dạy và những cuộc thi được tổ chức, các em học sinh có thêm những hiểu biết nhất định về nét đẹp văn hóa từ bao đời của cha ông.Và cũng chính từ môi trường như thế đã có rất nhiều giọng ca được phát hiện, bồi dưỡng và phát triển trở thành những giọng ca nhí xuất sắc, có triển vọng kế truyền mạch nguồn sâu lắng và bất diệt của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Bên cạnh đó, việc tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về dân ca ví, giặm trên sóng phát thanh cũng đã mang lại hiệu quả cao, để qua đó, quần chúng nhân dân có thể hiểu và cảm nhận được những giá trị vốn có của nó mà hiểu hơn, yêu hơn và ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy dân ca ví, giặm. Việc thành lập các CLB dân ca ví, giặm ở địa phương cũng là một trong những biện pháp khả thi nhằm lưu truyền nét văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Việc đầu tư kinh phí để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho các vở diễn là điều hết sức cần thiết để dân ca ví, giặm có được không gian sinh động và chân thực nhất. Cùng với đó, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian có nhiều cống hiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống này cần phải được làm ngay, bởi chính họ là những minh chứng cụ thể và sinh động nhất cho sức sống của dân ca ví, giặm. Điều cần thiết đặt ra, đó là phải có các quy định về việc công nhận nghệ nhân, các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân và các CLB dân ca hoạt động tích cực.
Và quan trọng hơn cả là phải hiện thực nó chứ không chỉ kêu gọi chủ trương hay nằm trên văn bản giấy tờ. Cùng với đó, cần có những kế hoạch cụ thể về lâu dài trong công tác tuyên truyền, phổ biến để dân ca gần gũi hơn nữa với mọi tầng lớp nhân dân lao động. Việc đưa dân ca vào trường học hay các buổi nói chuyện chuyên đề là một điều rất cần thiết, bởi đây là một trong những cách làm mang lại hiệu quả cao, đã được minh chứng bằng thực tiễn trong thời gian qua.
Phải khẳng định chắc chắn rằng, dân ca ví, giặm là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của xứ Nghệ nói riêng và của dân tộc nói chung nên sẽ có yếu tố truyền thống và sự tiếp biến để tồn tại. Và trong xu thế hội nhập, phát triển như hiện nay thì phải chấp nhận có sự thử thách. Tuy nhiên, nếu biết phát triển phù hợp với xu thế của thời đại thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm không phải là quá khó khăn. Và để làm được điều này, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành văn hóa mà còn cần đến sự chung tay góp sức của toàn xã hội.