(Congannghean.vn)-Đã từ lâu, dân ca ví, giặm được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân xứ Nghệ. Nó là một nét văn hóa đặc trưng với những giá trị mang tính trường tồn, bền vững. Hiện nay, dân ca ví, giặm đang dần được hồi sinh và có cơ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, làm thế nào để di sản đặc sắc này sống lại thực sự trong đời sống tinh thần của cộng đồng là vấn đề mà các nhà quản lý, các nhà chuyên môn hiện đang trăn trở. Và trên thực tế thì công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản dân ca ví, giặm vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Bài 1: Khi di sản đặc sắc đang bị mai một
Ra đời cách đây hàng trăm năm, trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử và tác động của nhiều yếu tố bên ngoài nên những câu hát dân ca ví, giặm đã phần nào mai một và không còn phong phú, đa dạng như vốn có. Theo ước tính thì hiện nay, dân ca ví, giặm xứ Nghệ chỉ lưu giữ được khoảng 15 điệu ví và gần 10 điệu giặm.
Lý giải cho điều này thì nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm loại hình nghệ thuật này cho biết, do từ ngàn xưa, dân ca ví, giặm ra đời chủ yếu đáp ứng và phục vụ trong đời sống lao động của nhân dân nên có rất ít tài liệu ghi lại một cách trọn vẹn các câu hát. Và cũng bởi được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác nên chắc chắn dân ca ví, giặm không được gìn giữ một cách nguyên bản như vốn có. Đây cũng là lý do giải thích vì sao hiện nay kho tàng dân ca ví, giặm của xứ Nghệ đã không còn đồ sộ, phong phú và đa dạng như xưa.
Có thể nói rằng, bản chất của dân ca ví, giặm là gắn bó với loại hình diễn xướng, không gian diễn xướng, trang phục, đạo cụ… Các làn điệu dân ca ví, giặm đều bắt nguồn từ cuộc sống lao động của nhân dân. Tuy nhiên, để phục hồi lại không gian diễn xướng như đúng bản chất của nó thì không phải câu lạc bộ nào cũng làm được. Thậm chí như Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này.
Di sản dân ca ví, giặm đang đứng trước nhiều thách thức |
Nếu như những câu hát, làn điệu ngày xưa được cất lên từ những không gian rất thật, gắn liền với cảnh sinh hoạt, không khí lao động vui tươi, phấn khởi của nhân dân, gắn liền với làng nghề, vùng biển thì dân ca ví, giặm ngày nay chỉ còn thấy trên sân khấu truyền hình với những quang cảnh tự tạo mà thiếu hẳn sự sinh động mang đậm hồn cốt của dân ca ví, giặm. Việc thiếu đi không gian diễn xướng như vậy đã làm cho những hình thức sinh hoạt như ví phường vải, ví phường củi… không còn được bảo tồn và lưu giữ về lâu dài.
Một trong những vấn đề khó khăn, bất cập mang tính bức thiết nhất hiện nay, đó chính là kinh phí để phục vụ cho các hoạt động biểu diễn của dân ca ví, giặm. Điều này đã tồn tại từ nhiều năm nay mà vẫn chưa được giải quyết thích đáng và đang là nỗi trăn trở của các nhà quản lý văn hóa. Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: Với khát khao được mang lại nét chân thực nhất của hồn cốt dân ca vào trong các vở diễn nên các anh chị em trong đoàn đã không ngại khó khăn, vất vả về những địa phương cụ thể, với mong muốn tìm được không gian diễn xướng chân thực và sinh động nhất.
Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, bởi hiện nay, tại Trung tâm việc thiếu phương tiện đi lại, cơ sở vật chất để phục vụ cho các vở diễn là điều phổ biến và thường trực. Điều này cũng giải thích vì sao, có những nơi không ít người dân đam mê dân ca ví, giặm và họ trông chờ từng phút giây để được tận mắt chứng kiến đoàn diễn nhưng anh chị em trong đoàn vẫn không thể đáp ứng nhu cầu chính đáng đó. Họ phải tự sắp xếp, dàn dựng phù hợp để các vở diễn không trùng lên nhau mà vẫn đảm bảo được các yếu tố liên quan phục vụ cho vở diễn.
Thậm chí, đối với bộ phận nghiên cứu sưu tầm ở Trung tâm, thường xuyên làm việc với mạng lưới câu lạc bộ ở các địa phương, nhưng do chưa có xe chuyên dụng nên họ vẫn phải tự thân vận động đi lại bằng xe máy, xe lai ngay cả khi quãng đường đó là cả hàng trăm km. Ở trung tâm đã vậy, đối với các câu lạc bộ ở địa phương còn khó khăn hơn rất nhiều. Với họ, niềm đam mê, sự tâm huyết luôn có sẵn, nhưng cụ thể hóa được nó thì không phải là vấn đề đơn giản.
Để dàn dựng một vở diễn đảm bảo hơn một nửa các yếu tố nguyên gốc không dễ dàng chút nào. Bởi muốn làm được điều đó thì cần phải có kinh phí. Hiện nay, các câu lạc bộ dân ca chủ yếu hoạt động tự phát, do không thể kêu gọi được các nhà tài trợ nên kinh phí hoạt động chủ yếu do hội viên tự nguyện đóng góp, nên rất eo hẹp. Vì vậy, việc thiếu đạo cụ và trang phục phù hợp để phục vụ cho việc tập luyện và biểu diễn còn diễn ra thường xuyên.
Theo thống kê, hiện nay dân ca ví, giặm xứ Nghệ có 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu. Sự đóng góp của các nghệ nhân trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là rất lớn, nhưng trên thực tế họ vẫn chưa được đáp trả xứng đáng. Và đến nay, chế độ chính sách dành cho các nghệ nhân dân gian vẫn trong tình trạng chờ đợi, trong khi không ít nghệ nhân ngày một già đi và vào cái tuổi “gần đất xa trời” (7 trong 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đã ở tuổi ngoài 80).
Thiết nghĩ, nên sớm có các chính sách đãi ngộ cụ thể cho các nghệ nhân dân gian. Bởi đó cũng là một cách thể hiện sự quan tâm, trân trọng sự đóng góp, cống hiến của những con người dành trọn cuộc đời cho tình yêu nghệ thuật truyền thống.
Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản dân ca ví, giặm còn gặp nhiều khó khăn, bất cập và đòi hỏi cần phải có khoảng thời gian lâu dài. Tuy nhiên, các ban ngành chức năng và những người có trách nhiệm cần sớm đưa ra các biện pháp cụ thể, khả thi và cụ thể hóa để dân ca ví, giặm không còn lo sợ trước thách thức mai một theo thời gian.
Bài 2: Cần lắm sự quan tâm đặc biệt