Những thước phim làm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với kinh phí làm phim hoàn toàn do nhân dân ủng hộ, đó là điều đặc biệt của bộ phim tài liệu “Vị tướng của nhân dân”.
Dấu nhân của cảm xúc
Nữ đạo diễn Việt Nga - người đảm nhận thực hiện những thước phim tài liệu ý nghĩa này tâm sự, gần 2 năm sau khi nghỉ hưu, bà đã bỏ hẳn ý định làm phim cho đến những ngày đầu tháng 10-2013 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Đó là thời khắc cũng như hàng triệu người dân Việt Nam khác, trái tim bà tràn ngập nỗi tiếc thương. Những ngày ấy, bà cũng hòa trong dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng. Không chỉ vậy, bà còn tìm mua và lưu giữ cẩn thận tất cả những tờ báo đưa tin về Đại tướng, số báo này đến nay xếp thành mấy chồng dày. Nhớ lại lần được gặp và trò chuyện cùng Đại tướng vào năm 2006 khi làm bộ phim tài liệu - “Từ Đại hội đến Đại hội”, bà nghẹn ngào xúc động.
Thế nhưng, đạo diễn Việt Nga chia sẻ, ý định làm một bộ phim về Đại tướng chỉ thực sự đến với bà sau lễ Quốc tang, khi bà xuống Quảng Ninh tham dự Liên hoan phim toàn quốc, gặp nhà báo Bùi Thế Vịnh - Tổng Biên tập Tạp chí Điện ảnh Việt Nam và nghe ông tâm sự. Khép lại câu chuyện, nhà báo Bùi Thế Vịnh ao ước có một bộ phim tài liệu về Đại tướng mà người thực hiện là bà. Không lâu sau đó, bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa VIII, nhà báo Bùi Thế Vịnh có tình cờ gặp Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh và đề đạt nguyện vọng muốn làm bộ phim đó nhưng không dùng ngân sách Nhà nước mà làm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Sau khi biết người thực hiện là Việt Nga – người từng có hai bộ phim tài liệu cảm động về Bác Hồ và nhiều thước phim tư liệu đắt giá về các vị lãnh đạo Nhà nước, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ủng hộ ngay. Bộ trưởng còn gửi 2 triệu đồng để đóng góp kinh phí ban đầu thực hiện bộ phim. Đó cũng là số kinh phí xã hội hóa đầu tiên mà đoàn làm phim có được.
Dấu cộng của lòng dân
“Nếu không vận động đủ tiền, tôi sẽ bán nhà để làm bộ phim này”. Đáp lại câu nói ấy của nhà báo Bùi Thế Vịnh, đạo diễn Việt Nga bảo: “còn tôi thì có làm xong bộ phim này, sau này có nhắm mắt xuôi tay cũng thanh thản”. Vậy là cả hai quyết tâm làm bằng được bộ phim tài liệu trên như một nén tâm nhang kính dâng lên Đại tướng. Cảm động hơn khi ý định này của hai người nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên trong êkip với tinh thần tự nguyện tham gia làm phim mà không nhận dù chỉ là một đồng thù lao bồi dưỡng.
Đáng nói hơn, từ số tiền 2 triệu đồng đầu tiên của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, đến nay đoàn làm phim đã nhận được gần 500 triệu đồng ủng hộ kinh phí làm phim của đồng bào trong cả nước, trong đó có những người lao động nghèo biết tin về bộ phim đã tìm đến tận nơi để đóng góp. Đặc biệt trong số đó là một cựu chiến binh lão thành từng công tác trong ngành văn hóa ở Hà Nội. Đạo diễn Việt Nga kể, trong lần người cựu chiến binh này cùng gia đình vào Vũng Chùa (Quảng Bình) viếng 49 ngày mất của Đại tướng và biết thông tin về bộ phim, sau khi trở về Hà Nội, ông đã đi khắp nơi, vận động gần 300 người và kêu gọi được gần 60 triệu đồng kinh phí ủng hộ việc làm phim. Và lần nào nói chuyện với bà về bộ phim, dù chỉ là qua điện thoại, vị cựu chiến binh này cũng khóc.
Ngay sau khi ý định làm phim ra đời, đạo diễn Việt Nga lập tức bắt tay vào viết kịch bản cho bộ phim. Bà lục lại tất cả những tài liệu về Đại tướng, chọn ra những câu nói xúc động nhất của người dân về Đại tướng, những lời nhận định có ý nghĩa nhất của các nhà nghiên cứu sử học, các nhà lãnh đạo, những dấu ấn sắc nét nhất trong cuộc đời của Đại tướng. Nữ đạo diễn tài ba tâm sự, thông thường các nhà biên kịch chỉ cần 2 tuần để viết xong một kịch bản phim tài liệu dài khoảng 40 - 50 phút, nhưng riêng với bộ phim này bà đã mất tới cả 4 tháng mới hoàn thành. Quãng thời gian đó, bà đóng cửa trong nhà, không giao tiếp với ai, kể cả những người trong êkip thực hiện bộ phim. Nhiều người nói tính cầu toàn và cẩn thận được bà phát huy một cách tối đa ở bộ phim này ngay từ khâu viết kịch bản cũng là vì vậy.
Nói về bộ phim này, đạo diễn Việt Nga khẳng định những thước phim sẽ không đi sâu vào những chiến công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các chiến dịch mà sẽ khắc họa chân dung về một vị tướng được dân phong Thánh. Và bà hy vọng, phim có thể kịp hoàn tất vào tháng mười năm nay, đúng vào dịp giỗ đầu “vị tướng của nhân dân”.
.