Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201402/mot-trai-tim-de-ton-thuong-truoc-dong-chay-cuoc-doi-447950/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201402/mot-trai-tim-de-ton-thuong-truoc-dong-chay-cuoc-doi-447950/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
"Một trái tim dễ tổn thương trước dòng chảy cuộc đời" - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/02/2014, 08:51 [GMT+7]

"Một trái tim dễ tổn thương trước dòng chảy cuộc đời"

(Congannghean.vn)- Tôi gặp anh Lê Thái Sơn thật tình cờ mà cũng ngẫu nhiên. Ngày ấy, năm 1988, anh lên miền núi Quỳ Châu công tác. Biết vợ chồng tôi là nhà giáo, lại yêu quý văn chương nên anh qua trường rồi đến nhà thăm chúng tôi. Anh em gặp nhau, chỉ dăm ba câu chào hỏi, chuyện trò, vậy mà từ xa lạ, bỗng trở thành thân tình, gần gũi.

Lần đó, qua giao lưu, anh tâm sự và đọc cho chúng tôi nghe một số bài thơ anh vừa sáng tác. Có bài và một số câu thơ thật ấn tượng, khiến tôi thuộc ngay lúc ấy. Ví dụ bài: “Về bàn tay tôi từng buộc chỉ” ..."Trèo hai trăm bậc đá đến nhà em/ Đỉnh núi nghiêng nghiêng đất rẫy/ Đất đá hắt nắng lên như lửa cháy...". Hay: “Trước mộ Đội Cung” …"Họng súng ấy bỗng quay trở ngược/ Một vòng quay làm chóng mặt bao người/ Ôi súng quay mà người quay chưa kịp/ Mình thành bia của chính súng mình thôi"... Những câu thơ trữ tình và triết lý ấy cứ thế theo tôi và ám ảnh tôi hoài. Thế rồi, năm tháng dần trôi, mỗi người một việc, công việc cứ thế cuốn hút.

Năm 1991, anh  có dịp trở lại Quỳ Châu và qua thăm tôi. Ngày đó, tôi đang viết vở kịch dài: Rừng xanh nổi giận - Về Danh nhân Đốc Thiết của vùng núi Quỳ Châu. Thấy đạt, anh liền gợi ý và năm 1992, Hội VHNT Nghệ An tổ chức cho tôi về Hội đọc kịch bản văn học. Năm 2003, kịch bản của tôi hoàn tất và anh đã trực tiếp viết lời giới thiệu. Năm 2005, kịch bản "Rừng xanh nổi giận" của tôi đạt giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Trở lại năm 1991, anh thâm nhập thực tế Quỳ Châu và cho ra đời nhiều bài thơ có giá, trong đó có bài: "Viết ở làng đãi vàng". Với bài thơ này, anh đã có câu thơ xuất thần: "Tiếng mõ thưa như muốn dãn ngày ra" cùng tiếng mõ trong bài "Quê nội" của anh, khiến nhà văn Phạm Lưu Vũ phải thốt lên: "Tiếng mõ trong thơ Lê Thái Sơn tuyệt tác mọi thời đại. Tôi ghi nhận Lê Thái Sơn, nhà thơ về tiếng mõ. Sẽ không ai có thể viết về tiếng mõ hay hơn Lê Thái Sơn nữa...".

 

Nhà thơ Lê Thái Sơn

Năm 1997 - 2005, anh là Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An. Từ năm 2000 trở đi, tôi được về xuôi công tác và có điều kiện tiếp cận anh nhiều hơn. Nhìn bề ngoài, dáng người anh chắc đậm với mái tóc bồng bềnh trông rất đẹp. Duy chỉ có bộ râu, để hơi "quá độ" nên có lúc, trông anh rất "ngầu". Khi vui trước bạn bè, tôi thường đùa chọc anh: Nhìn anh "bụi" thế này, có bà nào cần đòi nợ thuê nhờ, anh chỉ cần đi một vòng "lừ lừ như xe lu, tàu điện" là chúng nó chết khiếp mà trả cả gốc lẫn lãi... Những lúc như thế, anh chỉ nheo mắt nhìn chúng tôi rồi hồn nhiên cười vui vẻ. Thực ra, anh là người sống rất hiền lành và đôn hậu.

Trong Hội VHNT, anh là một trong những lớp người có tầm hiểu biết rộng. Anh am tường nhiều lĩnh vực. Ngoài tài thơ, văn, văn học dân gian, anh còn là nhà báo, nhà lý luận phê bình và một thời còn là nhà biên kịch nữa. Biết anh đa tài, viết được vở nào tâm đắc, tôi thường đưa anh xem. Và mỗi lần như vậy, anh chịu khó đọc và cho tôi nhiều ý kiến hay. Có kịch bản đạt, anh liền kịp thời động viên, khích lệ. Cuộc sống đang vui, đầy sôi động và sáng tạo thì đùng một cái, năm 2011, anh bị bệnh hiểm nghèo rồi ra Hà Nội xạ trị.

Tháng 6/2013, anh trở lại Vinh điều trị tại nhà. Thấy anh khoẻ lại, tóc đã mọc lại và lên xanh, chúng tôi rất mừng, nhất là anh còn tham gia dự Trại sáng tác văn học do Hội VHNT Nghệ An tổ chức. Ngày 4/7/2013, tôi qua nhà thăm anh, thấy anh lúc này sức khoẻ bỗng chốc yếu đi. Bên giường bệnh, chị Hồng (vợ anh) tận tình chăm bón cho anh từng thìa cam, viên thuốc. Ý tứ để anh nghỉ ngơi dưỡng bệnh, thăm hỏi xong, tôi định ra về thì anh giữ lại. Anh minh mẫn, bình thản và niềm nở tiếp tôi như chẳng có bệnh tật gì.

Vui chuyện, anh sôi nổi tâm sự cùng tôi. Anh phấn khởi khi về Vinh, bạn bè, anh em đủ mọi thành phần, lứa tuổi đã quy tụ về đây động viên, chuyện trò và trao đổi văn chương, nghệ thuật. Đặc biệt, anh rất tâm đắc và tự hào với quê hương. Chỉ một thời gian ngắn, đã có 5 tác giả nữ Nghệ An đạt giải thưởng văn học của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng, cùng các tập thơ có chất lượng của các vùng, miền ra đời. Điều này theo anh, duy nhất tỉnh Nghệ An mới có. Thì ra trên giường bệnh, mặc dù ốm đau, anh vẫn luôn quan tâm, theo dõi từng bước đi của văn học tỉnh nhà. Theo lời dặn của anh, ít ngày sau, tôi lại qua thăm anh. Thấy anh đi lại bình thường, vui chuyện, tôi đưa anh xem bài viết: Tưởng nhớ nhà thơ Phan Sinh Viên (ông vừa mất gần được trăm ngày).

Đọc xong, anh rất cảm kích. Anh mở máy và điện ngay cho Báo Nghệ An, gợi ý đăng bài báo để kịp thời động viên gia đình người bạn thơ. Ít hôm sau, bài báo ra đời. Thấy tôi kém vui vì bài báo phải bỏ đi một phần tâm đắc, biết tâm trạng, anh động viên: Không sao! Chú nên sẻ chia cho khuôn khổ tờ báo. Các tờ báo khác biết đâu có điều kiện, họ sẽ đăng nguyên bản. Tôi gửi Báo Công An Nghệ An, nơi nhà thơ có thời là cộng tác viên tích cực, quả nhiên, báo đăng nguyên vẹn. Tôi đến báo tin, anh rất mừng và bảo tôi lấy thêm cho anh vài số.

Tôi thực sự quý anh, không chỉ ở cái tính bộc trực, hiền hoà, ấm áp, đôn hậu với bạn bè mà còn ở cái hồn cốt thơ văn của anh. Trái tim anh luôn hướng về những kiếp người nghèo đói, khổ hạnh. Những con người như: Quét rác, đạp xích lô, ba gác, em bé bán kem, em bé bụi đời, người phu đào huyệt thuê, người mẹ, người chị nông dân, người tù, người cửu vạn...

Hơi thở, hồn thơ, văn của anh đúng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nói: "...Viết về những "thân phận dưới đáy", Lê Thái Sơn luôn cảm thông, chia sẻ nên đã để lại nhiều câu thơ, bài thơ găm vào lòng bạn đọc, những đắng cay xa xót, những vẻ đẹp trần ai... Đây không chỉ là nỗi đau, là tấm lòng thi sỹ mà còn là chí hướng cải cách của thi nhân trước xã hội".

                         Với anh   
        Một đời "Tâm bút" đến tài hoa
        Nhiệt huyết nhân văn quý mọi nhà
        Xa xót cõi người bao khổ hạnh
        Sẻ chia duyên phận trẻ cùng già
        Thi nhân nặng nỗi thương người khó
        Bút ngọc tâm tư nét chẳng nhoà
        Thơ phú văn chương "Hồn cốt" ấy
        Quỳnh thơm thơm mãi ánh Hằng Nga.   
                                                               Nguyễn Hải Ninh

Rời khỏi bệnh viện, anh tặng tôi tác phẩm: Lê Thái Sơn - Thơ và văn chọn lọc, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2013. Cầm tập sách dày 324 trang trên tay, tôi đọc không bỏ sót một dòng. Càng đọc, tôi càng cảm phục tài năng và ý chí, nghị lực của anh. Thì ra, trên giường bệnh, anh vẫn đam mê sáng tác thơ. Trước tôi và bạn bè, anh thực sự minh mẫn và bình thản. Song, tôi vẫn linh cảm được điều chẳng lành về căn bệnh hiểm ác sẽ xảy ra. Là người bạn thực sự quý anh, tự nhiên trong tôi, như có một điều gì đó vô hình, cứ thế, thôi thúc, giục dã. Phải làm được điều gì đó để kịp động viên anh.

Và cuối cùng, tôi đã tặng anh một bài thơ Đường luật với tựa đề  "Với anh". Tôi biết, anh với bạn bè rất ôn hoà, đại lượng, song với văn chương nghệ thuật, anh là người rất cẩn trọng và khó tính. Viết cho anh quả mạo hiểm. Nếu nói quá, anh sẽ không chấp nhận, mà nói sai, sẽ còn tồi tệ hơn. Song, với tình cảm chân thật, tôi vẫn mạo muội tặng anh. Xem thơ, tôi thấy anh trầm ngâm một lúc rồi gật gật đầu. Tôi hồi hộp hỏi: Thế nào anh...?! Anh điềm đạm và nhỏ nhẹ: Ừ, được! Cũng được. Nghe anh nói, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp anh. Tuần lễ sau thì anh vĩnh viễn ra đi tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Vì điều kiện, tôi không ra Hà Nội thắp hương cho anh được. Những ngày sau đó, tôi chỉ biết đến nhà cháu Trang (con anh) để chia buồn. Nơi mới hôm nào đó, tôi và anh còn hàn huyên trò chuyện. Một cuộc đời, một con người kết thúc thật đơn giản. Nhưng tâm hồn và sự nghiệp thơ, văn của Lê Thái Sơn trong chúng tôi, luôn lấp lánh một nét đẹp nhân văn.   
 

.

Hải Ninh