Câu chuyện tuyển sinh ĐH, CĐ ở Việt Nam rất giống như chuyện "Con kiến mà leo cành đa" trong cái vòng luẩn quẩn của "leo ra leo vào". Có sự lúng túng trong việc vừa muốn "buông" nhưng lại không biết cái gì nên buông, cái gì nên nắm và buông hay nắm thế nào.
Câu hỏi về "ngưỡng tối thiểu" là bao nhiêu nếu các trường tự ra đề thi và chấm thi chỉ là chuyện khôi hài, ảo tưởng vì một điều gần như chắc chắn là mỗi trường một thước đo để làm sao tuyển được "càng nhiều càng ít" vì "nồi cơm" của mình.
Trường thì dùng thước dây, trường dùng gang tay, trường lại dùng đơn vị là mét hoặc inche...Trường anh ngưỡng 15 điểm trường tôi ngưỡng 20 điểm, đố mà xác định được cơ sở khoa học của ngưỡng tối thiểu?
Tại sao ĐH giãy nảy không muốn "cáo chung"?
Công bằng mà nói, thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo cách "3 chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi) có một số ưu điểm không thể phủ nhận được.
Đó là đảm bảo tính chuẩn hóa của đề thi do một cơ quan có thẩm quyền ra đề; tiết kiệm được kinh phí do tránh được cảnh "trường trường ra đề thi"; có thể sử dụng chung kết quả nếu việc coi thi và việc chấm thi nghiêm túc, tin cậy và chính xác.
Nếu công tác coi thi lỏng lẻo, chấm thi không khách quan, sẽ làm méo mó việc sử dụng chung kết quả. Mặt khác, việc sử dụng chung kết quả thi không tránh khỏi sự công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH do yếu tố vùng miền ngay cả khi có chính sách cộng điểm hoặc hạ chuẩn ưu tiên theo vùng.
Tại sao ngành giáo dục và nhiều trường ĐH vẫn muốn "3 chung" từ nhiều năm nay và đến khi "buông" để cho nhiều quyền tự chủ thì một số trường giãy nảy?
Để có thể đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển sinh, ngay từ bây giờ, Bộ cần phải có một tầm nhìn xa hơn, tính toán chỉn chu hơn những phương án, dự định để rồi ra quyết định. |
Chính vấn đề của thi ĐH nằm ngay tại việc gán mặc định các môn thi theo các khối mà thiếu đi những nghiên cứu để đảm bảo sự phù hợp, tương thích của các môn theo khối thi với đặc điểm của ngành đào tạo và theo vai trò, vị trí và sứ mệnh của trường ĐH vốn có hàng trăm ngành học khác nhau thì có hàng chục cách lựa chọn, tổ hợp nhiều môn thi với nhau để đo năng lực học tập của học sinh.
Để đảm bảo rằng, những học sinh được tuyển chọn vào học ĐH sẽ có nhiều cơ hội thành công ở ngành học của trường ĐH nào đó.
Nhưng tiếc là “chiếc áo 3 chung” tập trung vào mỗi khối với 3 môn thi chật chội lại được khoác lên cái cơ thể nhiều kích cỡ khác của trường ĐH, cộng với tư duy lão hóa khiến cho giải pháp "3 chung" khó có cơ sở khoa học thuyết phục.
Bên cạnh đó, chính nhiều trường đã không bao giờ tự hỏi tại sao trường mình lại chọn thí sinh trúng tuyển theo khối thi nào đó - ngay cả khi biết rằng môn thi đã không phản ánh tiềm năng của thí sinh theo ngành hoặc chuyên ngành của trường?
Cách làm lạc hậu
Rõ ràng là, ngành giáo dục đã không thể tạo ra nhiều môn thi cho một khối trên cơ sở phối hợp nhiều môn nếu vẫn cứ khư khư giữ cái mô hình hiện nay cứ đến hẹn lại lên khi mùa thi ĐH về.
Cục Khảo thí lại tuyển chọn một số chuyên gia về để soạn thảo đề thi. Một nhóm chuyên gia làm việc mang tính chất “thời vụ”, không chuyên nghiệp như vậy làm sao có thể soạn thảo ra một lượng đề thi đủ lớn, rất đa dạng và ít sai sót.
Cách làm đề thi không giống ai để phục vụ cho hàng triệu thí sinh của Việt Nam ở mỗi kỳ thi đã trở nên rất lạc hậu.
Thay vì việc cần có một cơ quan khảo thí độc lập chuyên sản xuất các đề thi của nhiều môn thi một cách tiêu chuẩn cung cấp cho các trường (khi đó thi riêng hay chung sẽ không thành vấn đề lớn nữa), thì Bộ lại vẫn ôm lấy việc này và thực chất không làm nổi.
Cách thi các môn của khối A với các môn thi Toán, Lý, Hóa cho cả những ngành (thuộc khối kinh tế, quản trị kinh doanh chẳng hạn) chẳng cần đến môn Hóa và Lý theo “tập quán” từ những năm 1970 đã thâm căn cố đế vào “não bộ” của cán bộ tuyển sinh nên rất khó thay đổi.
Một thước đo chuẩn
Nếu có ngân hàng các đề thi chuẩn thì mọi thí sinh đều được đo theo các khung đo lường chuẩn.
Các trường với ngân hàng có sẵn muốn thi khi nào, với bộ đề thi nào hoàn toàn tùy chọn chỉ cần đăng ký mua đề thi của cơ quan khảo thí. Tuy nhiên, Cục Khảo thí đã có tuổi đời gần 10 năm nhưng đơn vị khảo thí độc lập vẫn chưa được ra đời.
Để có thể đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển sinh, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT cần có một tầm nhìn xa hơn, tính toán chỉn chu hơn những phương án, dự định để rồi ra quyết định và đừng để lại những khoảng trống của lòng tin vào chính sách đổi mới như thời gian qua.
Ảnh minh họa |
Với một dân số khoảng 100 triệu vào năm 2020, việc cho ra đời một cơ quan khảo thí chuyên nghiệp của quốc gia sẽ giúp cho chính ngành giáo dục gỡ được những khó khăn trong tuyển sinh ĐH, nâng cao hiệu quả tuyển sinh, đưa tư duy vượt ra khỏi lối sản xuất nông vụ trong cách làm tuyển sinh mà chỉ có ở nền sản xuất tiểu nông mới có.