(Congannghean.vn)- Trên tuyến đường ngập tiếng còi xe, chú ngựa già dúi hẳn đầu về phía trước, lê từng bước kéo chiếc xe chở đầy bia và bánh kẹo. Chẳng có tiếng lộp cộp của móng ngựa nện xuống đường, chỉ có những tiếng rẹt kéo dài của móng sắt miết trên đường nhựa. Chủ nhân của con ngựa già là một ông già. Ông nắm càng xe hỗ trợ con ngựa đi từng bước mệt nhọc. Chợ Giát chiều đầu Xuân Giáp Ngọ.
Con ngựa già ấy tên là Ngô Mã. Ông lão tên là Ngô Văn Lũy (tên nhân vật đã được thay đổi), năm nay 61 tuổi, trú tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Ông lấy họ của mình đặt cho con ngựa. Với ông, nó như cháu chắt, con cái trong nhà. Mùa Xuân năm 1997, cha ông mất, để lại cho mấy anh em một ngôi nhà gỗ ba gian và con Ngô Mã này. Cha ông vốn là người chuyên chở thuê bằng ngựa thồ cho các hộ kinh doanh ở thị trấn Cầu Giát.
Từ nhỏ, ông đã theo cha tham gia những chuyến ngựa thồ, nhưng sau này, cha đuổi không cho theo, vì nghề chở thuê không ngẩng mặt lên được. 17 tuổi, ông theo sơn tràng lên miền ngược phá rừng. “Lâm tặc” cho ông cuộc sống khá giả, nhưng sức khỏe suy kiệt sau những tháng ngày sống trong chốn rừng sâu, nước độc. Sức kiệt, ông từ giã nghề, về với vợ con, nhưng ông không ngờ, tất cả tiền bạc, của cải đã bị vợ con nướng vào cơn lốc số đề những năm thập kỷ 90. Hai thằng con bỏ vào Nam làm thuê, vợ cũng về quê ở Thanh Hóa và nghe đâu đã lấy chồng khác. Chán nản, ông về ở chung với cha trong ngôi nhà gỗ ba gian ông cất công xây dựng cho cha.
Chiếc xe ngựa vẫn hàng ngằy đứng chờ trên phố |
Mẹ ông mất đã lâu nên cha ông sống một mình, lấy nghề ngựa thồ vừa để làm vui, vừa để mưu sinh. Về với cha, thỉnh thoảng, ông theo cha đánh ngựa đi thồ hàng. Nhưng khi cha mất, những người con là anh em của ông ùa vào đòi chia tài sản. Ngôi nhà gỗ ba gian bị họ dỡ ra chia nhau hết. Đến con ngựa họ cũng đòi thịt. Ông phải vét tất cả vốn liếng chia cho mỗi người một ít để giữ lại con ngựa. Từ đó, ông và Ngô Mã sống với nhau trong căn lều dựng tạm trên nền nhà cũ. Rất may, thời đó, Ngô Mã là một con ngựa non, bố ông mới mua từ Bắc Cạn về. Hàng này, ông đưa Ngô Mã kéo chiếc xe ngựa ra ngã tư Chợ Giát chờ hàng.
Trước những năm 2000, xe ngựa thồ là phương tiện vận chuyển linh động hàng đầu ở cái thị trấn bé nhỏ này. Tất cả các chuyến hàng tỏa về các xã đều một tay ngựa thồ đảm nhận, nên đội ngũ xe ngựa có tới hàng chục cái. Đội ngựa thồ này thành lập cả “nghiệp đoàn” riêng, thuê cả người cắt cỏ, tắm cho ngựa, dọn phân và phân lịch trình hoạt động. Nhưng cuối những năm 2000, lũ công nông lên ngôi, chúng nó phành phạch khắp nơi, lấn át hết đất sống của ngựa thồ.
“Nghiệp đoàn” giải tán, đám ngựa thồ cũng giải tán, con thì bị bán nấu cao, con thì bị chính chủ thịt rồi đưa ra chợ độn với thịt bò đem bán. Mỗi khi thịt ngựa, các chủ ngựa đều mời ông đến uống rượu, nhưng ông Lũy chỉ ngồi uống rượu, không đụng miếng thịt nào. Thấy lũ bạn ngày một ít đi, Ngô Mã nhìn ông hoang mang lắm. Những chuyến hàng cũng ít đi, Ngô Mã suốt ngày đứng dậm chân đợi mãi mà chẳng thấy ông Lũy tắc dây cương. Có khi một ngày, Ngô Mã chỉ được tắc cương hai lần, một lần từ nhà đi, một lần từ chợ về, chuyến nào cũng chỉ chở thân hình còm cõi của ông Lũy.
Không hàng, không tiền, ông phải tự đi cắt cỏ và xin lá ngô về cho Ngô Mã ăn. Không có ngũ cốc, Ngô Mã gầy đi nhanh chóng. Cái chuồng của Ngô Mã cũng không có rơm mà phải trải bằng lá chuối khô và giẻ rách. Mỗi đêm buồn mồm, Ngô Mã lại ăn giẻ rách. Nhìn Ngô Mã ăn trệu trạo mà ông Lũy buồn thúi ruột, trong khi ông cũng đang trệu trạo ngồi nhai khoai sống.
Đã biết bao lần, ông muốn bán quách Ngô Mã đi, lấy vốn mở quán nước nhỏ, rồi kiếp mày kệ mày, phận tao tao lo. Nhưng ông không nỡ. Qua khó khăn, đói khổ mới hiểu được lòng nhau. Ông thương con Ngô Mã đã biết bao lần cả đêm nhịn đói, sáng ra trong bụng chẳng có cọng cỏ nào, nhưng đều gồng mình chở nốt những chuyến hàng thì mới được trả công, lúc đó ông mới mua vội cho nó được mớ lá ngô hay vài củ khoai. Biết ông hay ăn khoai sống, mỗi lần được ăn, Ngô Mã đều ủi về phía ông vài củ như chia phần.
Cứ thế, ông lão và Ngô Mã sống lay lắt cho tới thời hoàng kim. Xã hội thay đổi chóng cả mặt. Ngày xưa, thân con ngựa bị coi thường thì nay bỗng được trọng dụng. Cao ngựa bán đắt như tôm tươi, thịt ngựa là đặc sản, chưa kể mấy tay đại gia mới nổi có mốt nuôi ngựa thả rông trong biệt thự nhà vườn cho thêm phần thi vị. Thêm vào đó, Ngô Mã và ông Lũy cũng gặp thời, khi mấy gã công nông bị các bác lãnh đạo bắt khai tử, nên thị phần vận chuyển hàng hóa lọt hết vào tay Ngô Mã.
Ngô Mã không phải đứng chùn chân gõ móng mà ngày nào cũng được chạy rạc cả chân. Đêm về, Ngô Mã không phải ăn giẻ rách mà được ăn ngô, khoai thượng hạng. Đôi khi, Ngô Mã ăn thứ bột gì đó mà ông Lũy gọi là cám Con cò. Được tẩm bổ, Ngô Mã béo ra và oai phong lẫm liệt như thời còn trẻ. Nhiều khi, đang đứng chờ chở hàng ngoài phố, không ít người đỗ xịch ôtô bóng loáng trước mặt ông Lũy và Ngô Mã để ngắm nghía, sờ mó Ngô Mã, rồi ra giá vài chục triệu gạ ông Lũy bán.
Cũng có khi, cả gia đình từ Hà Nội đi Cửa Lò nghỉ mát bỗng dừng xe trước mặt ông Lũy. Ông bụng phệ xuống xe dúi cho ông Lũy trăm bạc: “Bác cho em mượn con ngựa tý”, rồi vẫy mấy đứa con trong xe ra: “Đây là con ngựa các con nhé. Nó có bờm. Chứ mấy con lúc nãy là con bò. Nó có sừng”. Mấy đứa nhỏ xuýt xoa chỉ trỏ rồi chào ông Lũy và Ngô Mã, lên xe đi tiếp. Cũng không ít nam thanh, nữ tú thấy Ngô Mã oai phong lẫm liệt nên đến xin ông Lũy cho cưỡi thử, hay thậm chí chỉ bám chân Ngô Mã chụp kiểu ảnh đăng Facebook lấy lệ chơi. Những bận ấy, Ngô Mã thấy mình quan trọng thật, như trung tâm của vũ trụ. Vậy là từ kiếp trâu ngựa, Ngô Mã được “đổi đời”.
Đời Ngô Mã lên ngôi thật, nhưng kiếp ông Lũy đúng là số khổ. Khi ăn nên làm ra tý chút thì hai thằng con nghiện ở đâu mò về. Thi thoảng chúng đến thăm cha xin ít tiền, không cho thì chúng mượn tạm của ông cái tivi “hàng cáy” Trung Quốc. Rồi cái nồi, cái chảo của ông, chúng cũng gửi nốt bà đồng nát. Khi không còn gì để “cướp” của cha, chúng “đề nghị” ông lập di chúc chia mảnh đất ông đang ở. Ông kiên quyết từ chối, nhưng bị chúng khủng bố suốt nên tặc lưỡi sang tên cho chúng, chỉ để lại vài chục m2 tá túc. Có đất, chúng bán ngay và biến mất.
Nhưng chỉ độ một năm sau, chúng lại về. Chúng nhìn quanh và ánh mắt dừng lại ở con Ngô Mã. Nhìn ánh mắt của chúng, ông sởn cả da gà và từ đó, ông ra chuồng ngủ hẳn với Ngô Mã. Thời gian thấm thoắt trôi, sức khỏe ông Lũy ngày càng yếu đi, ăn uống thì tạm bợ lại không có ai chăm sóc, rồi còn căng óc ra để cảnh giác với hai thằng con trời đánh nên ông muốn “gần đất, xa trời” lắm rồi.
Nhưng ông thương Ngô Mã. Ông chết đi chắc Ngô Mã vào nồi nấu cao hay vào nhà hàng mất. Ngô Mã cũng già rồi, bờm xơ xác cả, xương sườn cũng đã lằn rõ hai ba cái. Ông Lũy cứ tiếc mãi cái đợt có tay đại gia định mua Ngô Mã về thả trong biệt thự làm cảnh. Nếu đợt đó ông đồng ý thì Ngô Mã sướng rồi. Nhưng Ngô Mã sướng thì mình lấy gì mà sống. Nghĩ đến đó, ông lại thở dài. Duyên phận rồi Ngô Mã ạ. Giờ ông muốn nghỉ thì chẳng ai chịu mua con ngựa già về làm cảnh nữa, nên ông phải sống thôi.
Vừa nắm càng xe kéo, ông lão vừa thì thầm vào tai con ngựa: “Thôi thì cả tao và mày già rồi, bám nhau mà sống Ngô Mã nhé. Sau chuyến hàng này, tao sẽ mua cho mày yến ngô và vài xe rơm. Xuân về rồi Ngô Mã ạ”.
Chợ Giát chiều đầu Xuân Giáp Ngọ.