Việc dừng in tiền lẻ của Nhà nước là phải và việc dùng tiền lẻ phung phí hiện nay đã thành trở ngại, thành sự bất bình thường trong lưu thông, trong ứng xử văn hóa với tiền bạc ở Việt Nam. Dường như ngày càng ít đi những người có thói quen ứng xử chính xác và hồn hậu với tiền lẻ?
Cho đến bây giờ, qua báo chí truyền thông, tôi mới biết tại sao Tết Giáp Ngọ năm nay, Nhà nước chủ trương không in số lượng lớn tiền lẻ mới (tiền mệnh giá thấp), vì nhận thấy tình trạng tiêu tiền lẻ hiện nay rất đáng lo ngại.
Đó là việc dùng tiền lẻ chỉ cho một việc cúng lễ ở đình chùa đền miếu, và đã thành thói quen ăn sâu vào tâm linh người Việt hiện đại, đến mức hình thành dịch vụ ăn theo thói quen này bằng việc đổi tiền lẻ luôn được sẵn sàng ở hai mùa lễ hội hằng năm, vốn có từ truyền thống lễ hội nông nghiệp xưa: “Xuân – Thu nhị kì, đến hẹn lại lên”.
Ảnh minh họa |
Tôi bỗng nhớ mẹ tôi, bà cụ mất năm 86 tuổi, sau Tết Tân Mão 2011. Khi còn sống, bà không bao giờ bận tâm chuyện đổi tiền lẻ trước Tết để đi lễ chùa, dù từ lâu bà vào Hội đi chùa với các cụ bà đồng niên. Có lần tôi tò mò hỏi, thì bà cụ nhẹ nhõm trả lời: Đi lễ chùa chỉ cốt thành tâm con ạ, không cốt tiền ít tiền nhiều. Mẹ chỉ bỏ ít tiền vào hòm công đức. Có cái không trả được bằng tiền đâu.
Tôi nhớ mãi lời mẹ và phải chịu ngay bởi bà có lý. Tôi biết nếu còn sống, hẳn bà sẽ buồn lắm. Tôi càng không biết, liệu bà có cầm lòng không đậu trước các dịch vụ đổi tiền lẻ dày đặc luôn chực chờ phủ kín các đình chùa đền miếu khắp Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định… và khắp vùng châu thổ Bắc Bộ không? Song tôi chắc mẹ tôi nhất định sẽ nói không với việc đổi tiền lẻ.
Vì hai lẽ: Bà theo chồng con định cư Hà Nội từ năm 1958, lại quen thói tằn tiện chi tiêu của con gái làng Đình Bảng, giỏi nghề buôn hàng xén (khiến thi sĩ Hoàng Cầm vô cùng mê đắm “có cô hàng xén răng đen/cười như mùa thu tỏa nắng”). Bà lại làm công nhân Nhà máy Thiết bị Bưu điện, lương thấp, nuôi cả đàn con lít nhít 5 đứa, cùng ông bố ca sĩ của tôi, nên bà đã giữ thói quen tằn tiện cho đến khi… về cõi.
Một lẽ nữa là bà ở Hà Nội đã hàng nửa thế kỉ nên bà tự nhiên có thói quen văn minh đô thị thời bao cấp: nhất định không chịu vung tiền vào việc mà bà cho là không đáng, nhưng lại nhất định không mặc cả khi mua chục hoa cúc vàng mùa thu của cô nông dân làng hoa Ngọc Hà gánh rong, thứ cúc mà bà vẫn thường ưa cắm trên bàn thờ ông bà tôi. Bà bảo, đừng bớt xu nào của họ, bán có 2.000 bạc một chục hoa mà bao công chăm bón, mặc cả là phải tội.
Tôi chắc bà sẽ đau lòng trước những bó hoa độn 3, 4 lượt giấy, lưới xanh đỏ tím hồng, những lẵng hoa tiền triệu sang trọng một cách tốn kém mà người ta vẫn mang lễ chùa, nhất là khi đổi tiền lẻ cúng lễ theo dịch vụ, với tỷ lệ mà bà sẽ cho là “hãi hùng”: 10 ăn 8, ăn 6, hoặc có khi bị bắt bí, 10.000 chỉ đổi được 5.000 tiền lẻ mệnh giá 200 đồng chẳng hạn… Với chênh lệch phi lý như thế, bà sẽ không chịu, dù nó rất tiện cho người có nhu cầu tiền lẻ, cần bao nhiêu có bấy nhiêu…
Cũng bởi đổi tiền lẻ hôm nay đã thành thói quen, thành nhu cầu, nhất là của cư dân đô thị, đến mức trên mạng internet có cả chợ online chuyên trị đổi tiền lẻ cho cư dân mạng.
Và chắc chắn, mẹ tôi sẽ phải kêu lên đầy thương tiếc, khi hay tin 1.200 bao tải tiền lẻ (tương đương 20 tỉ đồng) mà Chùa Hương thu được sau một mùa lễ hội. Ở nước ta hiện nay, mỗi năm tính ra có đến hơn 8.000 lễ hội, 40.000 di tích, thì số tiền lẻ phục vụ cho những con số này sẽ là lớn đến đâu!
Nói thế để thấy, việc dừng in tiền lẻ của Nhà nước là phải và việc dùng tiền lẻ phung phí hiện nay đã thành trở ngại, thành sự bất bình thường trong lưu thông, trong ứng xử văn hóa với tiền bạc ở Việt Nam.
Tôi thấy ngày càng ít đi những người như mẹ tôi có ứng xử chính xác và hồn hậu với tiền lẻ. Có lẽ bà chẳng cần tính toán “vĩ mô” đến những tổn thất lớn về chuyện tiền lẻ hôm nay đang bị vung vãi ở những nơi tôn nghiêm, vì lý do vụ lợi hoặc có thể bà không biết đến việc Nhà nước đã tốn chi phí in ấn, bảo quản, nhập kho tiền lẻ quay vòng... nói chung là phải bù lỗ rất nặng khi in tiền lẻ mới phục vụ việc đi chùa đình đền miếu. Bà lại càng không được biết Nhà nước đã phải đề ra các biện pháp xử lý hành chính đối với dịch vụ đổi tiền đang phát triển rất phức tạp ở những chốn linh thiêng.
Tôi chỉ biết chắc bà hoàn toàn xa lạ với cung cách tiêu tiền lẻ trật lất như hôm nay. Cho nên, để miễn nhiễm thói quen tiêu tiền lẻ đã đi vào tâm linh người Việt, không thể chỉ bằng vào những thủ tục và động tác hành chính, tuyên truyền một chiều.
Khi tiền lẻ đã trở thành “vật cung tiến” cho tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, thì rõ ràng “cách cung tiến đang có vấn đề” (theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam). GS Thịnh còn phân tích rõ “đó là kết quả của trạng thái xã hội vụ lợi, tưởng tiền bạc có thể giải quyết tất cả”.
Đúng là cơ quan chức năng của Nhà nước can thiệp vào hiện trạng này là cần thiết, song, có thể lại nảy sinh hiện trạng ngược chiều: Khi tiền lẻ bị Nhà nước hạn chế in ấn và lưu thông thì sẽ càng gia tăng nhu cầu tâm linh trong việc dùng tiền lẻ vào lễ lạt và cung hiến, điều này sẽ khiến các dịch vụ đổi tiền không ngừng gia tăng.
Cho nên tôi thật lòng ao ước có nhiều người như mẹ tôi và cả những đứa con được bà dạy dỗ về cách tiêu tiền lẻ của bà nữa, có ứng xử thật chính xác và đôn hậu với tiền lẻ như bà, cũng như nhiều người Việt đã từng ứng xử văn hóa tử tế như thế với tiền lẻ. Để có ứng xử văn hóa ấy, khi việc sử dụng tiền lẻ đã “quá mù ra mưa” như đã nói ở trên, không phải ngày một ngày hai.
Để góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu tiền lẻ của người Việt hôm nay, tôi cho rằng vấn đề này phải được xác định là vấn đề cần làm ngay của báo chí truyền thông…