Vì sự phát triển của điện ảnh nước nhà và với tình yêu điện ảnh, văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã có những ý kiến tâm huyết, thắng thắn về thực trạng và giải pháp để phát triển một nền điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ mới.
PV: Ông có xem phim Việt Nam không? Phim Việt Nam hiện nay như thế nào?
Nhà NCDG Nguyễn Hùng Vĩ: Người Việt dùng hàng Việt. Khẩu hiệu này tôi nhớ là đầu thế kỉ XX, Bạch Thái Bưởi đã nêu ra, và hơn nữa, ông đã có những động thái thực tế để đội tàu của ông cạnh tranh với giao thông đường thủy của Pháp quốc, Hoa quốc. Ông thất bại sau đó là bài học cho tất cả chúng ta. Mỗi thời để lại cho chúng ta những bài học ngụ ngôn của nó. Điện ảnh của Việt Nam cũng vậy. Là một sản phẩm văn hóa, trước hết, nó phải đại diện cho tâm thức một cộng đồng, cộng đồng hiện đại của chúng ta là cộng đồng dân tộc - quốc gia. Mà quốc gia nào cũng vậy thôi.
Tôi có xem và vẫn xem phim Việt với ba tư cách: Thứ nhất là công dân Việt muốn biết chuyện nước mình, thứ hai là người bỏ tiền ra để hưởng thụ văn hóa, và thứ ba là người nghiên cứu văn hóa. Với tư cách một và tư cách ba, tôi vẫn theo dõi và xem phim Việt qua rạp, qua truyền hình, qua các đợt liên hoan phim. Với tư cách hai (bỏ tiền để hưởng thụ văn hóa), tôi không xem phim Việt vì nó rất dở. Bởi vậy, chả ai muốn xem nó cả. Đó là thực tế, đừng ngụy biện gì cả.
PV: Nhưng không thể phủ nhận giá trị của điện ảnh Việt Nam một thời kì chiến tranh?
Nhà NCDG Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi cũng không phủ nhận. Đó là thời kì khác. Thế hệ chúng tôi thừa hưởng những giá trị tinh thần đó. Các anh chị các khóa đầu tiên sân khấu điện ảnh như Trà Giang, Thế Anh, Trần Phương, Trịnh Thịnh, Lâm Tới... chúng tôi quên sao được. Quên quá khứ là thiếu lịch lãm. Nhưng bình tâm mà xem lại đi, tất cả những tác phẩm điện ảnh thời kì đó, chúng ta có những đặc điểm như sau: hồn nhiên, đam mê, thô sơ, đầy nhiệt huyết và đầy tính lí tưởng. Lao động nghệ thuật cũng công phu hơn. Nó đáp ứng một môi trường thị hiếu thời kì đó: hiếm hoi nên lạ lẫm và kì diệu. Nhưng bây giờ, nếu xem lại những tác phẩm điện ảnh đầu thế kỉ XX của phương Tây và so sánh, chúng ta thấy thế nào?
Thế hệ chúng tôi, được đào tạo văn chương sau 1954, chúng tôi cũng đã học Ây-danh- xtanh trong điện ảnh, học Lu-na-sa-xki, học Brech trong sân khấu... Lúc đó, chúng tôi cũng từng được học chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa ấn tượng trong nghệ thuật. Nhưng người ta dạy các trường phái nghệ thuật đó là để bài trừ, để phê phán chứ không hề dạy để chắt lọc ra cái tinh hoa của nó. Cả đến bây giờ, không ít người vẫn dạy rằng, phải cảnh giác trước nó. Bằng tâm thức trì trệ đến vậy thì coi một thời đã qua như là "hoàng kim" cũng dễ hiểu thôi. Chúng ta có so sánh đồng đại đâu để hiểu mình và thế giới.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ |
PV: Còn chúng ta bây giờ thì sao?
Nhà NCDG Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi có hai kỉ niệm vừa vui vừa đắng lòng. Kỉ niệm thứ nhất là khoảng sau năm 2000, tôi gọi điện thoại thăm hỏi mẹ tôi, một người già hơn 80 tuổi ở quê. Mẹ tôi nói: "Sao con gọi mẹ vào giờ này?". "Sao thế hở mẹ?". "Mẹ đang xem phim Hàn Quốc!". Tôi lặng người đi. Kỉ niệm thứ hai là sau đó, tôi đi nghiên cứu miền núi, thấy đồng bào Cơ Tu đua nhau đặt tên con mình bằng các tên nhân vật, diễn viên Hàn Quốc mà họ yêu thích. Bao giờ thì một bà mẹ Hàn Quốc cách Seoul hàng trăm cây nói với con mình là trí thức ở Thủ đô: "Mẹ đang xem phim Việt Nam!". Đắng lòng lắm.
Sao lại như vậy? Cái công tác văn hóa của thể chế Hàn Quốc là ra sao khi phim họ trưng được ra trên thế giới văn hóa Hàn Quốc, trai thanh gái lịch Hàn Quốc..., và phim Hàn từ chỗ vô danh nay đã có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới. Họ thẩm định phim như thế nào để cho ra lò những thước phim được lòng dân đến vậy! Rõ ràng, họ có hẳn một đường lối gia tăng "quyền lực mềm" trên thế giới.
PV: Nhưng muốn được như người ta cần có nhiều kinh phí, mà ta lại rất nghèo.
Nhà NCDG Nguyễn Hùng Vĩ: Nếu đầu tư ngay trường quay hiện đại nhiều ngàn tỉ thì liệu phim ta có đủ hay ngay không? Chưa chắc! Chính quy hiện đại mà thắng là một chuyện, nhưng đánh du kích vẫn có thể thắng cơ mà. Không du kích mãi được nhưng tùy điều kiện, chúng ta vẫn có thể đánh. Ngồi mà chờ hiện đại mới đánh thì sẽ thua trước. Suy cho cùng thì mỗi bộ phim là kể một câu chuyện bằng nghệ thuật điện ảnh. Làm thế nào để kể cho hay tùy theo hoàn cảnh của anh ta. Mà nếu chỉ tính theo đề tài, Việt Nam chắc chắn "lắm chuyện" hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản: Một lịch sử đằng đẵng những bi hài với 54 dân tộc, không lắm chuyện thì còn gì nữa. Vấn đề là, hình như chúng ta có nhiều câu chuyện hay lại không được kể. Lâu ngày nó thành thói quen không ai muốn sáng tạo nữa. Có khi, tôi xem phim các nước với tâm thế của nhà kiểm duyệt rồi tự lẩm bẩm: "Nước mình đoạn này chắc cắt!". Nhiều đoạn thế lắm. Từ không được kể, nó hình thành cái năng lực không thể kể. Nếu được kể và có thể kể thì vẫn có phim hay.
PV: Theo ông thì chúng ta nên như thế nào?
Nhà NCDG Nguyễn Hùng Vĩ: Sức mạnh của văn hóa người ta vẫn gọi là "quyền lực mềm".
Thiết chế văn hóa của chúng ta cần thiết phải hoạch định rõ ràng đâu là chính thống, đâu là thị trường, đâu là công lập, đâu là dân lập. Nó còn bùng nhùng ngay trong tư duy. Tôn trọng các thành phần nhưng cũng có phân định hết sức rõ ràng. Đã phân định rõ ràng thì đầu tư cũng phải rõ ràng và xứng đáng. Nhà nước đầu tư có mục đích của nhà nước và tư nhân đầu tư có mục đích của tư nhân. Không hoạch định rõ ràng thì sẽ đầu tư dàn trải tạo ra tình trạng bỏ công cạnh tranh dự án mà không bỏ công tập hợp tinh hoa.
Ở ta, không chỉ điện ảnh mà ở các lĩnh vực khác, sự phân định hàn lâm và ứng dụng rất mờ nhạt. Hàn lâm chỉ cần ít nhưng phải là tinh hoa. Không có tư duy hàn lâm, không sinh ra được Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... đâu! Điều này phải là ý thức thường trực của các nhà quản lí. Những tác phẩm phát ngôn cho thể chế chính thống phải được thể chế ý thức và ưu tiên đặc biệt để có thể đào tạo, sáng tạo nên những giá trị tinh hoa nhất. Ta đầu tư cho thủy điện nhỏ rất nhiều nhưng so với đầu tư cho điện ảnh thì điện ảnh quá bèo bọt. Thế làm sao mà sản xuất phim hay được. Phải bắt đầu từ quá trình "nghĩ lại" của chính thiết chế này.
Tôi vẫn nói đùa rằng, học văn chương mà ròng rã, liên tục 16 năm như học thanh nhạc thì chắc chúng ta cũng sẽ có nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới, đoạt giải Nobel. Thay đổi một cách nhìn vấn đề của chính đường lối, chính thiết chế, tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất.
.