Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án tuyển sinh năm 2014, lãnh đạo không ít trường ĐH cho rằng các giải pháp kỹ thuật của Bộ đưa ra chưa thật sự mở đường cho các trường.
Mở nhưng chưa mở
Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất Lê Trọng Thắng bày tỏ sự băn khoăn về các phương án kỹ thuật mà Bộ đưa ra.
“Bộ yêu cầu các trường cam kết không để xảy ra tiêu cực, nhưng tiêu cực chủ yếu xuất phát từ khâu ra đề, chỉ có dừng việc tự ra đề thì mới chặn được tiêu cực. Thực tế, những người ra đề đều là những người có chuyên môn, năng lực của trường, nếu để họ ra đề thì kiểu gì cũng sẽ có ôn thi, dạy thêm học thêm” – ông Thắng nhận xét.
Một vấn đề khác khiến lãnh đạo các trường băn khoăn là yêu cầu về “ngưỡng” chất lượng. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ không đặt ra ngưỡng điểm số cụ thể trong đề án thi riêng các trường phải làm rõ được điều kiện đảm bảo chất lượng, ngưỡng tối thiểu hợp lý như thế nào…
“Các trường phải chứng minh được chứ Bộ không áp đặt ngưỡng. Bên cạnh đó, với sự giám sát của xã hội, các trường cũng không thể làm quá với mức tuyển vào trường không chấp nhận được” – ông Ga cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Thắng, thực tế các trường có thể “hóa giải” dễ dàng yêu cầu này khi họ tự ra đề thi. “Nếu phương án thi yêu cầu học sinh phải đạt từ 5 trở lên cho mỗi môn thi thì các trường yếu sẽ ra đề dễ đi, liệu Bộ có xem xét được độ khó của các trường trên toàn quốc hay không?”
Đồng quan điểm với ông Thắng, một thành viên của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL bình luận, việc Bộ vừa yêu cầu các trường muốn thi riêng phải tự chuẩn bị đủ lực lượng để ra đề thi, vừa yêu cầu cam kết tránh tình trạng luyện thi, tiêu cực là bài toán mà ngay trước đây Bộ cũng không giải nổi nên mới phải “3 chung”.
“Vấn đề là vai trò của những tổ chức như Cục Khảo thí. Tại sao đơn vị này không hoạt động theo đúng chức năng, là một ngân hàng đề thi, để khi cần thiết các trường có thể sử dụng? Nếu đã muốn tạo điều kiện cho các trường thi riêng, Bộ không quy định nếu trường nào có nhu cầu có thể đăng ký đề nghị Cục Khảo thí ra đề thi và bảo mật đề thi, kinh phí ra đề thi sẽ do trường chi trả. Nếu làm được như vậy sẽ đảm bảo chất lượng đề thi, công bằng cho thí sinh, và không xảy ra gian lận trong thi tuyển, và tránh được việc dạy thêm...” - đại diện Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL thắc mắc.
Những vướng mắc
Theo các chuyên gia giáo dục, có hai vướng mắc cho các trường dự kiến thi chung trong kỳ tuyển sinh tới.
Đó là thời điểm tổ chức thi riêng, và việc Bộ hạn chế các trường thi riêng sử dụng kết quả “3 chung” để xét tuyển.
Tổ chức kỳ thi riêng trước kỳ thi “3 chung” thí sinh vẫn có thể bỏ đi thi 3 chung.
Tổ chức sau kỳ thi “3 chung” cũng khá mạo hiểm vì những thí sinh có học lực khá đã trúng tuyển vào trường nào đó, chỉ còn lại thí sinh có học lực yếu.
Tổ chức cùng thời điểm với “3 chung” e rằng khó có thí sinh chịu dự thi vì không sử dụng kết quả xét tuyển sang trường khác được.
Ông Bùi Đức Hiền, trường Phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực thì cho rằng: “Tổ chức thi riêng ngay hiện nay sẽ chỉ có các trường ngoài công lập, và các trường này sẽ yếu thế ngay vì tôi cho rằng học sinh vẫn chưa ủng hộ phương án này, giống như các năm trước. Đến thời điểm này, đã hết học kỳ một, thí sinh đã định hình thi trường nào, khối nào rồi, sẽ khó quyết định mạo hiểm với các phương án thi mới”.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, một trong những trường có đề án tuyển sinh riêng trước đây, vẫn cho biết Trường ĐH Lương Thế Vinh dự kiến sẽ tổ chức thi tuyển (vấn đáp) kết hợp xét tuyển kết quả 3 năm THPT của thí sinh.
GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình thì nhận định thi riêng chỉ dễ với điều kiện thi 1 môn và kết hợp với xét tuyển thí sinh vào trường.
Trong năm tới, Trường ĐH Hòa Bình vẫn tiếp tục tổ chức thi theo phương án “3 chung” hoặc xin Bộ cho sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét vào trường. “Năm nay trường tổ chức thi tuyển sinh, thí điểm 1 – 2 năm sau để làm cơ sở cho 3 năm tới, khi Bộ không tổ chức thi chung nữa thì trường sẽ có kinh nghiệm để tổ chức thi riêng.
Trường sẽ chờ văn bản của Bộ chính thức về phương án tuyển sinh mới để đưa ra quyết định chính thức” – ông Vận cho biết.
5 điều kiện để tổ chức tuyển sinh riêng
1. Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức, cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi.
2. Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng công khai, minh bạch.
3. Thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc thi tuyển sinh riêng theo quy định.
4. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc.
5. Công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.