Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201312/bat-cap-nha-cong-vu-cho-giao-vien-429742/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201312/bat-cap-nha-cong-vu-cho-giao-vien-429742/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bất cập nhà công vụ cho giáo viên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 18/12/2013, 09:50 [GMT+7]

Bất cập nhà công vụ cho giáo viên

(Congannghean.vn)-Hiện nay trên địa bàn Nghệ An, tình trạng thiếu nhà công vụ cho giáo viên ở xa vẫn đang còn khá phổ biến, đặc biệt tập trung ở những vùng bán sơn địa. Mặc dù Công đoàn ngành giáo dục và các cấp ban, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế việc giải quyết nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
 
Bà Lê Thị Hương Sen - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cho biết: Sở GD&ĐT đã tiến hành khảo sát thực trạng nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh, qua đó thấy được điều kiện ăn ở, sinh hoạt của giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động phần nào đến hoạt động dạy và học ở các trường. Do đó, việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên chính là một yêu cầu chính đáng, mang tính cấp thiết và lâu dài, là động lực giúp giáo viên thật sự yên tâm công tác, gắn bó với trường lớp và học sinh thân yêu.
 
Theo số liệu thống kê của Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An thì, toàn ngành có 4.480 cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhu cầu về nhà ở công vụ. Nhưng trong những năm qua, mới chỉ xây dựng được 180 phòng công vụ/2.373 phòng theo nhu cầu. Trong đó có những đơn vị “đặc biệt” chưa hề có nhà công vụ như Trường THPT Quỳ Hợp 1, THPT Quỳ Hợp 2, THPT Anh Sơn 3, THPT Tân Kỳ 3, THPT Đô Lương 4… Bên cạnh đó, với một số trường đã có nhà công vụ cho giáo viên, nhưng tính đến thời điểm hiện tại thì điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần phải được tu sửa như Trường THPT Quỳnh Lưu 3, THPT Quỳnh Lưu 4, THPT Anh Sơn 1…
 
Nhiều giáo viên phải ở trong những ngôi lán dựng tạm để thực hiện nghiệp gieo chữ. Ảnh minh họa
Nhiều giáo viên phải ở trong những ngôi lán dựng tạm để thực hiện nghiệp gieo chữ. Ảnh minh họa
 
Trường THPT Đô Lương 4 là ngôi trường có vị trí nằm cuối huyện Đô Lương, với tổng số cán bộ, giáo viên là 55 người, trong đó đa số là giáo viên trẻ mới ra trường. Vì hầu hết các giáo viên ở cách trường khá xa nên hiện tại, nhu cầu nội trú là khá lớn, khoảng 10 - 12 phòng ở. Nhu cầu vậy nhưng trên thực tế hiện nay, trường cũng chung thực trạng là chưa có nhà công vụ dành riêng cho giáo viên như một số trường khác trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết vấn đề này thì các giáo viên của trường phải tự lo việc ăn ở, nghỉ ngơi của bản thân mình. Vì đồng lương ít ỏi nên có những giáo viên ở cách trường gần 30 km vẫn không dám thuê phòng ngoài ở lại hẳn mà đành chắt bóp, tiết kiệm, dành dụm để thuê nhà dân gần trường. Địa điểm cũng có thể thay đổi theo từng học kỳ hoặc từng năm tùy vào nhu cầu của các giáo viên và thực tế nhà dân.
 
Đối với những giáo viên không tìm được chỗ ở thì họ chỉ còn cách là đi - về với quãng đường xa xôi, hoặc mang theo đồ ăn rồi nghỉ trưa ngay tại văn phòng của trường. Không có nhà công vụ, giáo viên phải chấp nhận vượt khó để bám lớp, bám trường. Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận, đó là việc không có nhà công vụ cho giáo viên cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của nhà trường. Chi phí đi lại tốn kém, mất an toàn khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của giáo viên, từ đó sẽ tác động đến chất lượng giảng dạy mỗi giờ lên lớp.
 
Để khắc phục, giải quyết vấn đề này, một trong những hoạt động mà ngành giáo dục đang triển khai, đó là việc huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, với điều kiện khó khăn của nền kinh tế thị trường như hiện nay, thì việc huy động không phải là điều dễ dàng. “Hỗ trợ từ Công đoàn ngành Giáo dục hoặc các tổ chức chính là động lực ban đầu để các trường có tiền đề, cơ sở huy động nội lực của mình” - Bà Lê Thị Hương Sen cho biết thêm.
 
Năm học đã đi qua được gần nửa chặng đường, nhưng nỗi lo an cư vẫn còn đè nặng lên các giáo viên ở những điểm trường còn nhiều khó khăn. Một mùa đông lạnh giá nữa lại về, đồng nghĩa với quãng đường đến trường của các thầy, cô giáo thêm phần gian truân, vất cả. Thiết nghĩ, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho vấn đề nhà công vụ để giáo viên thật sự yên tâm công tác. Có như thế thì hoạt động chuyên môn của các trường mới có thể đảm bảo, hướng tới chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
.

Ngọc Anh