(Congannghean.vn)-Chúng tôi đến thăm Trường THCS Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) vào một buổi chiều cuối năm lạnh giá, được chứng kiến không khí lao động tươi vui, phấn khởi của thầy và trò nơi đây. Hỏi ra mới biết, trường đang xây dựng nhà nấu ăn buổi sáng cho các em học sinh. Trong cái rét cắt da cắt thịt của miền biên viễn, những đứa trẻ đầu trần, chân đất với tấm áo mỏng manh, đôi môi tím lại vì giá lạnh nhưng vẫn nở nụ cười nồng hậu làm ấm áp lòng người…
Nhôn Mai với những khó khăn chồng chất
Sau gần 3 tiếng đồng hồ vượt lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi đến với Nhôn Mai - Nơi được xem là vùng đất sơn cùng thủy tận của huyện miền núi Tương Dương. Ẩn mình dưới bạt ngàn núi non hiểm trở là ngôi Trường THCS Nhôn Mai mộc mạc, bình dị. Tiếng chẻ tre lẫn vào tiếng nói cười của con trẻ như phá tan cảnh tĩnh mịch của núi rừng hoang vu. Trong căn phòng gỗ không còn nguyên vẹn, bên ấm chè đặc sản, thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường THCS Nhôn Mai kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về hành trình đi tìm con chữ đầy gian nan, vất vả của thầy và trò nơi đây.
Nhôn Mai là một trong những xã đứng đầu tỉnh Nghệ An về tỷ lệ hộ nghèo, có 12 bản với 100% là bà con dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Địa bàn rộng nhưng dân cư phân bố thưa thớt, xã lại nằm cách trung tâm huyện khoảng 80 km, chủ yếu đi bằng đường sông. Không điện lưới, không đường bộ, không chợ, không sóng điện thoại là những gì ngắn gọn nhất khi người ta nhắc đến mảnh đất này. Trường THCS Nhôn Mai có 275 học sinh được chia thành 8 lớp. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đưa ra khẩu hiệu “Tám vững, hai đủ, một bền”. Tuy nhiên, theo thầy Thái cho biết, trong tất cả những yếu tố đưa ra thì việc đảm bảo đủ về số lượng học sinh luôn là yêu cầu khó khăn. Những hủ tục lạc hậu và nạn tảo hôn là nguyên nhân chính khiến tình trạng bỏ học của học sinh vẫn còn diễn ra. Trước đây, nạn tảo hôn chỉ xảy ra ở những bản làng xa xôi như Na Hỷ, Huồi Cọ. Nhưng theo thời gian, vấn nạn đó không những không được loại trừ mà còn lan sang các bản khác và trở nên dai dẳng, nhức nhối.
Có thể nói, cái nghèo, cái khổ hiện lên rõ nét trên khuôn mặt của các học sinh nơi đây. Những đứa trẻ đầu trần, chân đất với làn da đen nhẻm, tóc cháy vàng co ro trong mỗi buổi chiều mùa đông giá rét khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng ẩn sau dáng vẻ bẽn lẽn, rụt rè là sự rắn rỏi mang đậm chất núi rừng. Nhờ đó mà dù quãng đường xa ngái, hàng ngày các em vẫn đều đặn đến trường. Cũng chính nhờ vào sự cứng cỏi ấy mà hàng ngày, những đứa trẻ với thân hình loắt choắt vẫn nhanh nhẹn cùng các thầy, cô giáo lên tận khe suối để kéo nước về sinh hoạt. Bàn tay thoăn thoát đan những tấm phên để dựng nhà nấu ăn buổi sáng khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Dường như cuộc sống gian khổ, khó khăn đã tôi luyện cho các em những phẩm chất đáng quý.
“Giờ học ca 3” của học sinh Trường THCS Nhôn Mai |
Đến với Nhôn Mai, tận mắt chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mới thật sự cảm phục tấm lòng của các thầy cô giáo trẻ mang trên mình nghiệp gieo chữ ở miền biên ải xa xôi. Quãng đường đi lại khó khăn nên mỗi lần có xuồng vào là các thầy cô phải tranh thủ mua lương thực, thực phẩm để dự trữ. Với những thầy cô ở các huyện xa xôi thì việc về thăm gia đình là một trong những điều khá xa xỉ. Công việc bộn bề với trường lớp và học sinh khiến họ phải kìm nén những tình cảm cá nhân. Không có sóng điện thoại, không thông tin liên lạc khiến việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn. Và để giải quyết bất cập này, lãnh đạo nhà trường đã chủ động phân bố thời gian hợp lý, cắt cử giáo viên cốt cán đến những vùng có mạng internet để cập nhật các thông tin cần thiết, sau đó về trường xây dựng thành các chương trình, chủ đề phù hợp rồi phổ biến cho các giáo viên còn lại để họ được tiếp cận và tích góp những kiến thức, kinh nghiệm nhằm làm phong phú hơn cho bài giảng của mình.
Những bông hoa của núi rừng
Nhôn Mai, với những người chưa một lần đến thăm thì dường như là cả một quãng đường xa xôi cách trở, nhưng nếu ai đã một lần đặt chân lên mảnh đất cằn cỗi này thì hẳn sẽ cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc đến lạ thường. Quãng thời gian được ăn ở, tham gia sinh hoạt và học tập cùng với thầy trò ở Trường THCS Nhôn Mai, với chúng tôi đó là những kỷ niệm đẹp và thấm đẫm tình người. Nhọc nhằn, khó khăn là thế nhưng trong đôi mắt của mỗi học sinh đều ánh lên niềm tin tươi sáng, rạng ngời và dù quãng đường còn nhiều gập ghềnh nhưng sự học vẫn được thắp lên một cách cần mẫn và bền bỉ. Trong ngôi trường ấy, có nhiều học sinh là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó vươn lên.
Như trường hợp của Và Y May cô bé có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng thành tích học tập lại rất đáng nể. Suốt những năm học tập tại trường, May là học sinh xuất sắc. Năm học này, May là học sinh nằm trong Đội tuyển dự thi học sinh giỏi huyện môn Địa lý của trường. Gia đình có đến 6 người con, thu nhập chỉ trông chờ vào nương rẫy nhưng anh chị em May đều được ăn học đến nơi đến chốn. Với bố mẹ May, việc cho con cái tìm đến con chữ cũng là cách để con cái thoát khỏi phận đời nghèo khổ, cơ cực mà họ đã từng trải qua. May chia sẻ với chúng tôi rằng, ước mơ lớn nhất của em là được trở thành cô giáo để đem con chữ về với bản làng thân yêu.
Học sinh Trường THCS Nhôn Mai lao động dựng nhà nấu ăn buổi sáng |
Với học sinh ở Nhôn Mai, những khó khăn, gập ghềnh trên hành trình đi tìm con chữ như là một phép thử lòng kiên trì, nhẫn nại. Còn đối với các thầy cô giáo trẻ nơi đây, họ đến với bản làng xa xôi này, ngoài trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ còn có tình yêu thương vô bờ bến đối với học sinh. Những ngày cuối tuần, thầy cô lại cùng nhau xắn quần trèo đèo, lội suối vào bản, đến tận từng nhà vận động, thuyết phục để gia đình yên tâm cho con cái được đến trường. Ngoài ra, các giáo viên trẻ còn tự tay xuống bếp chuẩn bị bữa cơm bán trú cho học sinh.
Đến với Trường THCS Nhôn Mai, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất, chính là tiếng trống học đêm. Mô hình này đã được Trường triển khai trong suốt 7 năm nay và mang lại hiệu quả vô cùng thiết thực. “Giờ học ca 3” bắt đầu từ 18h-21h hàng ngày. Mỗi buổi tối, khi tiếng trống trường vang lên là các em học sinh tự ý thức mang cặp sách đến lớp học bài cũ và chuẩn bị bài mới cho ngày hôm sau. Dưới ánh điện chạy bằng tua-bin chập chờn, yếu ớt, các em học sinh ai nấy đều chăm chú, cặm cụi bên trang vở. Không có bất cứ một đồng tiền trợ cấp nào cho các giáo viên khi thực hiện “giờ học ca 3” nhưng nó vẫn được duy trì bền bỉ trong suốt thời gian dài như một minh chứng cho sự kiên trì gieo nghiệp chữ của các giáo viên nơi đây.
Mùa Xuân đang về trên rẻo cao với bao niềm hân hoan phấn khởi. Chia tay ngôi trường thân thương vào một chiều Nhôn Mai đầy nắng, những cái ôm thật chặt hẹn ngày gặp lại khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Trong tình người đầm ấm của miền biên cương, đoạn đường về xuôi đã không còn xa xôi, cách trở. Thấp thoáng phía dưới quả đồi là hình ảnh của những ruộng bậc thang xanh rì tươi tốt, như bước chân của bao thế hệ học trò tiếp bước nhau trên hành trình cõng con chữ về với bản làng…
.