Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201310/31484-nhung-loi-dan-do-cua-bac-van-con-ven-nguyen-tinh-thoi-su-414918/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201310/31484-nhung-loi-dan-do-cua-bac-van-con-ven-nguyen-tinh-thoi-su-414918/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những lời dặn dò của Bác vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 20/10/2013, 08:35 [GMT+7]
31484

Những lời dặn dò của Bác vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự

Nhân dịp khai giảng năm học mới 1968 - 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất, Người đã gửi tới ngành giáo dục bức thư, với những lời nhắn nhủ đầy tâm huyết. Mặc dù 45 năm đã trôi qua, nhưng những tư tưởng về nhiệm vụ “trồng người” được gửi gắm trong bức thư cuối cùng của Người tới ngành giáo dục vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự.
 
Để thực hiện mong muốn “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, ngay từ những ngày đầu sau khi đất nước ta vừa được độc lập, Bác luôn dành tình cảm và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Trong ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành thời gian quan tâm viết thư thăm hỏi tới đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh trong cả nước.
 
Trong thư, Người đã bộc lộ niềm xúc động, hạnh phúc trước hình ảnh các em nhỏ Việt Nam lần đầu tiên được cắp sách tới trường trên một đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân gần một thế kỷ. Đồng thời, Bác gửi tới các cháu học sinh yêu quý những lời dặn dò ấm tình mà thắm thiết: “Trong năm học mới này, các cháu hãy siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, đua bạn.
 
Những lời dặn của Bác Hồ đối với ngành giáo dục cách đây 45 năm
vẫn còn nguyên giá trị - Ảnh tư liệu
 
Sau hơn 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà yếu hèn, ngày nay chúng ta cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước trên toàn cầu. Trong cuộc kiến thiết này, nước nhà trông mong, chờ đợi các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
 
Mặc dù phải giải quyết muôn vàn khó khăn những ngày đầu lập nước, cùng với việc diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt” được Bác xem là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Phong trào “Bình dân học vụ” ra đời. Bác ra lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học. Người viết: “Mỗi người dân Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng nước nhà”.
 
Người kêu gọi: “Những người biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức mình vào bình dân học vụ”. Với sự quan tâm sát sao của Người, sự hưởng ứng của toàn dân, chỉ sau một thời gian ngắn, từ một nước có tới hơn 90% dân số bị mù chữ, phần lớn đồng bào đã biết đọc, biết viết. Đó thực sự là thành quả quan trọng bước đầu trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà về sau.
 
Từ bức thư đầu tiên đó tới lúc Người đi xa, Bác đã gửi 23 bức thư cho ngành giáo dục. Bức thư cuối cùng được Bác viết nhân dịp Lễ khai giảng năm học mới 1968 - 1969. Mở đầu bức thư, sau những lời thăm hỏi thân tình, trìu mến, Bác đã thể hiện sự khích lệ đối với những kết quả mà ngành GD-ĐT đạt được trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh:
 
“Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng trên cả mặt trận giáo dục và đào tạo. Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng; và cũng là do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Nhân dịp này, Bác khen ngợi những thành tích mà các cô, các chú và các cháu đã đạt được”. Tiếp đó, Bác ân cần căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, trong một thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.
 
Sự nghiệp phát triển giáo dục là sự nghiệp chung của toàn dân, cần sự chung tay, góp sức của đông đảo quần chúng nhân dân. Do đó, Người chỉ rõ: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”.
 
Để thực hiện tốt sự nghiệp GD-ĐT, hình thành những lớp người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người ân cần dặn dò: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.
 
Đã 45 năm trôi qua, nhưng những tư tưởng cốt lõi về nhiệm vụ “trồng người” cao quý được Bác Hồ gửi gắm trong bức thư cuối cùng gửi ngành giáo dục vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới trên mọi lĩnh vực, rất cần một đội ngũ nhân lực lao động chất lượng cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Thời gian tới, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những lời dạy thấm thía của Bác Hồ cần được cụ thể hóa trong từng khâu của quá trình đổi mới, từ biên soạn sách chương trình, sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đến việc đổi mới phương pháp dạy và học sao cho hiệu quả.
 
Và như thế, đọc lại bức thư Bác gửi cho ngành giáo dục cách đây gần nửa thế kỷ, chúng ta không chỉ cảm nhận được ở đó một tình cảm ấm áp, bao la mà còn là dịp được thấm nhuần tư tưởng nhân văn, có giá trị thực tiễn trong triết lý giáo dục của Người.

Minh Tuấn
.