Từ khi hình thành hệ thống bảo tàng CAND đến nay, từ Bộ đến các đơn vị, địa phương, nhiều kỷ vật lịch sử Công an quý giá đã được thu thập, trưng bày, đã phát huy tác dụng trong việc nghiên cứu lịch sử, giáo dục truyền thống, làm đẹp nét văn hóa Công an của chúng ta. Ngày nay đi qua các bảo tàng công an, nhìn mỗi khẩu súng, lưỡi dao đã từng lập công trong các đợt giệt ác trừ gian, nhìn những tấm áo còn đọng lại giọt máu của người chiến sĩ Công an trong từng trận đánh, trong từng chuyên án, trong thời chiến cũng như thời bình, chúng ta xúc động biết bao. Có chiếc bi đông nước đã cứu người chiến sĩ Công an khi bị thương, máu ra nhiều, gần như đã kiệt sức. Và cũng vì tình thương yêu đồng đội mà chiếc bi đông nước ấy đã phải đổi lấy sự hy sinh của đồng đội khi chiếc bi đông hết nước đã được một người đồng đội trong đêm khuya gan dạ đi ra bờ suối lấy nước về cho anh em, không may bị phỉ phục kích bắn chết. Những đồng đội còn lại hôm nay, mỗi lần nhìn đến kỷ vật ấy, lòng họ lại nặng trĩu nỗi tiếc thương và chính vì thế mà những kỷ vật ấy đã trở thành vật linh thiêng trong kí ức của họ…
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu dự buổi giao lưu nghệ thuật "Ký ức lịch sử" mở đầu Cuộc vận động "Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND" (Hà Nội, ngày 10/3/2013)
Tuy đến nay, đã có hàng vạn kỷ vật lịch sử Công an được sưu tầm, song chúng ta vẫn chưa hài lòng với những gì đã sưu tập được. Bởi một lẽ, cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh Tổ quốc là một cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt nhưng lại rất thầm lặng. Tính bí mật có khi được đưa lên hàng đầu. Những chiến dịch phản gián, như kế hoạch phản gián CM12, chiến dịch tiễu phỉ, tiêu diệt bọn FULRO, những vụ án lớn như vụ án ở phố Ôn Như Hầu, các điệp viên được cài vào lòng địch chui cao leo sâu, thu thập nhiều tin tức tình báo quan trọng… càng li kì hấp dẫn càng có độ bí mật rất cao. Nhiều vụ án sau một thời gian dài, những bí mật đó mới được giải mã, mới được tuyên truyền, cho nên không tránh khỏi có những hiện vật quý bị mai một, thất lạc, thậm chí có khi bị lãng quên.
Xin nêu một ví dụ: Gần đây, đồng chí Đại tá Lương Tâm - người từng có nhiều năm công tác ở chiến trường B đã hiến tặng cho Bảo tàng CAND hơn 300 kỷ vật, đó là những bức tranh do chính đồng chí ký họa và những bức ảnh do đồng chí chụp trong những năm công tác ở An ninh Trung ương Cục miền Nam. Những bức ảnh về các cuộc hội nghị của Trung ương Cục, những cảnh sinh hoạt, tăng gia sản xuất lúc đó bây giờ xem lại thật là sinh động. Bức tranh tác giả ký họa về thị xã Đồng Xoài những năm đánh Mỹ thật ấn tượng. Những tấm ảnh ấy, những bức tranh ấy vừa có ý nghĩa lịch sử vừa mang đậm tính văn hóa rất hấp dẫn. Như vậy là sau hơn 30 năm cất giữ những hiện vật quý đó, tác giả mới hiến tặng cho bảo tàng. Chúng ta chưa có một cuộc điều tra nắm tình hình về những hiện vật lịch sử Công an hiện chưa được sưu tập. Nhưng một điều chắc chắn là số lượng vẫn còn nhiều. Điều làm chúng ta sốt ruột hơn là những thế hệ lão thành Công an đã từng tham gia các cuộc kháng chiến trước đây đã lần lượt ra đi, số còn lại thì tuổi cao sức yếu, trí nhớ giảm… Nếu chúng ta không nhanh tay vào cuộc thì các kỷ vật lịch sử Công an sẽ không tránh khỏi tình trạng bị thất thoát.
Cuộc vận động "Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân" lần này của Bộ Công an sẽ là cơ hội cho chúng ta khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện cho việc thu thập, truyền bá những kỷ vật lịch sử Công an đạt kết quả tốt đẹp. Đây cũng là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm CAND học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 - 11/3/2013) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập CAND (19/8/1945 - 19/8/2015). Đề án này đã được Tổng cục Xây dựng lực lượng - CAND - cơ quan được lãnh đạo Bộ giao trách nhiệm chính tổ chức thực hiện - đã đề ra yêu cầu mục tiêu hướng tới. Cuộc vận động không chỉ yêu cầu toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an dù đã nghỉ hưu hay còn đương chức tích cực tham gia mà còn kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đông đảo quần chúng tham gia. Đề án cũng nhằm thu hút các cơ quan báo chí, tuyên truyền trong và ngoài ngành vào cuộc như Đài Truyền hình Trung ương, Báo Quân đội nhân dân, Báo Tiền phong, Báo Phụ nữ… coi tuyên truyền là một kênh quan trọng để phát huy tối đa hiệu quả của cuộc vận động. Đặc biệt, phương châm xã hội hóa đã thu hút được một số nhà tài trợ bên ngoài hỗ trợ kinh phí hoạt động, trong đó Tập đoàn Vingroup là nhà tài trợ chính.
Mỗi cán bộ chiến sĩ Công an chúng ta dù đã nghỉ hưu hay đang còn công tác cần tích cực tham gia cuộc vận động này, ai cũng có những đóng góp thiết thực, cụ thể cho việc sưu tầm và tuyên truyền mà yêu cầu của cuộc vận động đã đề ra. Trong hoàn cảnh nào thì đây cũng là yếu tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định cho cuộc vận động đạt kết quả cao nhất.
VNCA
.