Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201303/26685-ca-nha-hat-dan-ca-392249/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201303/26685-ca-nha-hat-dan-ca-392249/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cả nhà hát dân ca - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 11/03/2013, 08:02 [GMT+7]
26685

Cả nhà hát dân ca

Tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Huấn ở xóm 11, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương giữa lúc hai vợ chồng ông đang say sưa tập luyện hát dân ca để cùng với các thành viên trong CLB Dân ca, ví giặm xã Tân Sơn tham gia biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập huyện Đô Lương sắp tới.
 
Ngừng điệu hò còn dang dở, dứt tiếng sáo vừa mới cất lên, ông bà mở lòng với chúng tôi. Ông bà sinh ra tại mảnh đất Tân Sơn nặng nghĩa tình. Xưa, Tân Sơn là cái nôi về dân ca xứ Nghệ của huyện Đô Lương. Từ đội văn nghệ quần chúng chuyên đi biểu diễn ở xã, ở huyện vào các ngày lễ lớn đã phát triển lên thành Câu lạc bộ Dân ca, ví giặm sau này được nhiều nơi biết đến. Ông Huấn, bà Thu là hai trong rất nhiều thành viên của Câu lạc bộ.
 
Ông Huấn, bà Thu tự hào với những thành tích mà Nguyễn Phương Thanh đã đạt được
 
Cũng như những chàng trai khác trong làng, hoàn cảnh ngày ấy khó khăn, ông Huấn cặm cụi bên gốc lúa, nương dâu. Từ thuở bé, nghe bà, nghe mẹ ngân lên câu hát, điệu hò xứ Nghệ mà yêu mà nhớ. Lớn lên, những đêm trăng hò hẹn gái trai không thể thiếu câu giao duyên đối đáp trọn vẹn nghĩa tình.
 
Năm 1981, ông Huấn tham gia đội văn nghệ của xã Tân Sơn. Tiếng hát ngày ấy của chàng trai trẻ làm mê đắm bao nhiêu cô gái trong làng. Như duyên tiền định, trong đội văn nghệ có chị Nguyễn Thị Thu (SN 1966), đã phải lòng chàng trai cùng làng. Say mê với những điệu hò câu ví, lại thường xuyên tập luyện cùng nhau nên hai con người trẻ tuổi có rất nhiều sự đồng cảm.
 
Năm 1987, ông Huấn đã ngỏ lời “Theo anh, em thì về”, bà Thu e lẹ gật đầu trong niềm hạnh phúc khôn tả. Ngày ấy, phong trào văn nghệ phát triển hết sức sâu rộng. Đội văn nghệ thường xuyên đi biểu diễn lưu động khi cần. Hai vợ chồng ông Huấn, bà Thu là hạt nhân không thể thiếu trong mỗi đêm biểu diễn.
 
Đúng là “con nhà nòi” nói chẳng sai, đứa con gái đầu lòng của vợ chồng ông Huấn, bà Thu là Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1988) là một ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc Việt. Năm 2011, Nguyễn Phương Thanh tham gia cuộc thi Sao Mai theo phong cách dân gian.
 
Với giọng hát mộc mạc, ân tình đậm chất dân gian, cô gái xứ Nghệ đã lọt vào đêm Chung kết xếp hạng của cuộc thi. Không chỉ chinh phục được Ban giám khảo cuộc thi khi đoạt giải Nhì phong cách dân gian, cô còn ghi dấu ấn bởi giọng hát ngọt ngào, sâu lắng, ngoại hình sáng. Chính vì vậy, cô được rất nhiều khán giả yêu mến, đoạt luôn giải “Thí sinh được yêu thích nhất” thông qua số lượng bình chọn tin nhắn.
 
Nhắc đến cô con gái Nguyễn Phương Thanh, bà Thu nở nụ cười đầy mãn nguyện, chia sẻ: Từ nhỏ, mỗi lần nghe cha mẹ hò hát dân ca, Thanh đứng một góc nhìn rồi tập hát theo. Theo cha mẹ trong từng đợt biểu diễn, nên Thanh học hỏi rất nhanh, yêu và say mê với điệu hò, câu ví lắm. Quyết tâm theo đuổi niềm đam mê, Phương Thanh thi vào Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An.
 
Những năm tháng học tại quê hương xứ Nghệ, Thanh thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ và đi lưu diễn cùng với các đoàn nghệ thuật. Tiếng hát của cô vang xa. Để phát triển cho sự nghiệp của mình, cô quyết định thi vào trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây là bước đột phá dẫn đến những thành công sau này của cô gái đến từ mảnh đất đầy nắng và gió Lào.
 
Cũng đam mê với dân ca, người em thứ 2 của Thanh là Nguyễn Thanh Loan (SN 1989) lại nối tiếp bước chân chị thi đậu vào Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An. Hiện, cô đang làm việc ở Công an tỉnh Nghệ An. Mỗi lần có chương trình văn nghệ của đơn vị, Thanh Loan là hạt nhân không thể thiếu trong từng buổi diễn.
 
Đặc biệt là với những tiết mục mang âm hưởng dân ca. Ông Huấn cho biết thêm: “Hai đứa con gái thì yêu thích các làn điệu dân ca, còn cậu con trai út hiện là sinh viên Đại học Công nghiệp TP HCM không những hát được các làn điệu dân ca mà cu cậu còn rất thích thổi sáo. Mỗi lần về Tết đầy đủ các con, trong nhà ngày nào cũng âm vang điệu hò, câu ví hòa trong tiếng sáo”.
 
Nhìn gia đình ông Huấn, bà Thu ai ai trong xã cũng ngưỡng mộ và khâm phục. Vinh dự là cuối năm 2012, gia đình ông Huấn được UBND huyện Đô Lương tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Phan Tuyết
.