Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201303/26540-hoa-si-quoc-te-ke-chuyen-van-hoa-muong-392369/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201303/26540-hoa-si-quoc-te-ke-chuyen-van-hoa-muong-392369/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hoạ sĩ quốc tế "kể chuyện" văn hoá Mường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 04/03/2013, 09:10 [GMT+7]
26540

Hoạ sĩ quốc tế "kể chuyện" văn hoá Mường

Tác phẩm của họa sĩ Hadiana- Indonesia.
Một workshop (cuộc hội kiến) có quy mô lần đầu tiên được tổ chức bởi nhóm nghệ sĩ Asia Art Link phối hợp với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình) và Đại học Văn hóa Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện lớn của hội họa trong nước được giới chuyên môn đánh giá cao những ngày đầu năm mới 2013.

Ý tưởng về workshop được nhen nhóm bởi vị giám đốc trẻ tuổi của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường - họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Gần 5 năm trước, Vũ Đức Hiếu đã bỏ phố phường, bỏ nghề báo, một mình xách balô lên đất Mường. Hiếu như bị bỏ bùa bởi vùng đất giàu vẻ đẹp văn hóa truyền thống này. Bàn chân anh lang thang khắp 4 xứ Mường nổi tiếng của đất Hòa Bình khi xưa là Bi, Vang, Thàng, Động. Đi, để tìm hiểu về văn hóa của người Mường, ghi chép những tư liệu quý về một nền văn hóa cổ, lâu đời vào bậc nhất trong lịch sử văn hóa Việt.

Đi, để sưu tầm, tìm kiếm các hiện vật - những thứ gắn liền với phong tục, tập quán, nghi lễ, văn hóa của người Mường có nguy cơ đang bị mai một bởi cuộc sống công nghiệp. Chàng trai họ Vũ khi đó đã mường tượng về một bảo tàng tư nhân mang tên mình, ở đó chứa đựng tất cả những gì thuộc về không gian văn hóa của người Mường. Và anh cũng hình dung về những hoạt động văn hóa không chỉ bó hẹp ở vùng đất Hòa Bình, mà còn mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, để giới thiệu với bạn bè khắp nơi về một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời của người Mường.

Ý tưởng mà không ít người ngỡ là "điên rồ" ấy của Vũ Đức Hiếu đã nhanh chóng trở thành hiện thực, nhờ sự kiên trì, quyết tâm, miệt mài và sáng tạo không ngừng của anh. Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ngày hôm nay tọa lạc tại tổ 12, phường Thái Bình, Thành phố Hòa Bình, rộng chừng 2 ha. Đến đây, du khách  được du ngoạn, ngắm nhìn hàng ngàn hiện vật của văn hóa Mường, được đắm chìm trong không gian của lễ hội và nghệ thuật. Một địa chỉ không thể bỏ qua cho bất kỳ ai yêu thích và muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường.

Giống như lời hứa ban đầu, Giám đốc Vũ Đức Hiếu không "thương mại hóa" không gian bảo tàng mà anh tốn nhiều công sức, tiền của, đam mê để kiến tạo nên. Anh tự nhận lấy sứ mệnh bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị đẹp của văn hóa mà bao thế hệ người Mường đã kết tinh lại.

Bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội nhằm tôn vinh những nét đẹp truyền thống của dân tộc Mường. Workshop "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn" cũng chính là một hoạt động hướng tới mục đích đó. Gần 70 nghệ sĩ thuộc các ngành hội họa, điêu khắc, nghệ thuật gốm đến từ Việt Nam và 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được mời đến sáng tác ngay dưới mái nhà sàn của người Mường, trong một không gian văn hóa đậm đặc.

Trong khoảng thời gian nửa tháng ở Việt Nam, các nghệ sĩ đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới đã được sống cùng với bà con bản địa, giao lưu, tiếp xúc, tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường. Thông qua những chuyến đi và từ những hiện vật ở bảo tàng, mỗi nghệ sĩ đã có những cảm nhận của riêng mình về xứ Mường, và họ thể hiện những cảm nhận ấy bằng tác phẩm.

Hơn 100 tác phẩm được vẽ trực tiếp dưới mái nhà sàn, không hạn chế chất liệu hay đề tài, nhưng tất cả đều phản ánh suy nghĩ, cảm nhận của từng nghệ sĩ về một vùng văn hóa đậm đà bản sắc của một tộc người có truyền thống lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Các nghệ sĩ dù đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, khác nhau về văn hóa, tư duy thẩm mỹ, nhưng họ đã cho ra đời những tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Mường.

Nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Miguel Angel Gil sáng tạo tác phẩm bằng gốm miêu tả quá trình tiến hóa từ phôi cho tới khi hình thành một quả trứng, trong một cảm hứng đặc biệt phương Đông mà chỉ khi tới xứ Mường ông mới cảm nhận hết. Nghệ sĩ gốm người Mỹ Ellien de Rosas hồn nhiên với các tác phẩm rất lạ về tư duy, trên nền những hình ảnh quen thuộc của người dân xứ Mường như con bò, con gà, con lợn. Họa sĩ người Indonesia Januri bay bổng với bức tranh hữu tình về "Phong cảnh Hòa Bình".

Trên màu sắc mướt xanh của núi non trùng điệp, họa sĩ thể hiện những hiểu biết của ông về một vùng đất mà ông vừa mới tới làm quen chưa được bao lâu bằng những tên địa danh của xứ Mường được trình bày như một tấm bản đồ địa lý. Họa sĩ Mông Cổ Tsedenpilin Battur gây ấn tượng đặc biệt với tác phẩm "Nghệ nhân đất Mường" - một sự thấu hiểu về văn hóa Mường cộng với những nét đặc trưng của văn hóa vùng thảo nguyên bao la xứ Bắc. Họa sĩ Philippin Noel Pama với bức tranh "Giấc mơ" chuyển tải một thông điệp về sự hòa hợp giữa đời sống con người với thiên nhiên, hoa cỏ. 

 
Tác phẩm đậm tính văn hóa Mường của họa sĩ Ng Kim Heoh Malaysia.

Nói về "cuộc dạo chơi trong văn hóa Mường" của hơn 60 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận xét: "Các tác phẩm giàu bản sắc nhất phải kể đến là của nhóm họa sĩ đến từ Mông Cổ, Indonesia, trong khi các họa sĩ đến từ Đài Loan lại rất hiện đại với việc đưa các cảm giác về công nghệ, hàng hóa và nhịp sống đương thời vào trong tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, sáng tạo của các nghệ sĩ đến từ châu Âu lại mạnh mẽ, bộc lộ tư duy độc lập. Nghệ thuật châu Âu từ lâu đã vượt qua sự mô phỏng thị giác hay cảm xúc thuần túy".

Tham gia workshop có 16 họa sĩ Việt Nam. Mỗi người một sắc thái, họ tạo nên một tổng thể hài hòa về bức tranh xứ Mường trong nội dung cũng như hình thức thể hiện. Ban tổ chức đánh giá, các tác phẩm của nhóm nghệ sĩ Việt Nam phong phú, thể hiện đúng bản sắc và thẩm mỹ của văn hóa Việt. Đó là kết quả của quá trình các nghệ sĩ hoạt động tham quan, khám phá thực tế và sáng tạo trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình) trước đó...

Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường rất hào hứng với sự kiện mang tầm vóc quốc tế được diễn ra ở địa chỉ văn hóa mà anh là chủ nhân. Nơi đây, mỗi mái nhà sàn đều trở thành studio và chứng kiến sự sáng tạo của từng nghệ sĩ. Từ các nền văn hóa mang đặc trưng khác nhau, họ đến xứ Mường, "ba cùng" với người dân bản địa, lắng nghe hơi thở thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa, rồi đưa chúng vào trong tác phẩm. Xứ Mường đã ở trong tình cảm của mỗi người nghệ sĩ, theo mỗi cách khác nhau, cũng là để làm phong phú hơn vẻ đẹp của riêng mình.

Đối với các nghệ sĩ quốc tế, hiển nhiên là tính bản địa không thể dễ dàng đi vào tác phẩm của họ trong một thời gian ngắn. Nhưng việc họ đến xứ Mường, chia sẻ và tìm hiểu, yêu thương và trải nghiệm những phong tục tập quán, văn hóa của một tộc người sẽ tạo ra những điểm "giao thoa" đặc biệt, để khi họ sáng tạo, thì một cách tự nhiên, những trải nghiệm đó sẽ nằm sẽ trong cảm xúc của họ. Trong cặp mắt nghệ thuật của từng cá nhân nghệ sĩ, dấu ấn xứ Mường sẽ rất khác nhau. Những câu chuyện họ kể cũng khác nhau. Sự đa chiều ấy là có lợi.

Nhưng cái có lợi hơn cả, theo chia sẻ của họa sĩ Vũ Đức Hiếu lại chính là sự giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ. Thông qua quá trình lao động miệt mài và nghiêm túc, các nghệ sĩ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau sẽ học hỏi nhau nhiều điều, từ yếu tố kỹ thuật đến ý tưởng và phong cách sáng tạo. Đối với các nghệ sĩ Việt Nam, những ảnh hưởng và cọ xát như vậy thực sự là rất cần thiết....

Hơn 100 tác phẩm được các nghệ sĩ sáng tác ngay dưới mái nhà sàn xứ Mường được Ban tổ chức chia làm 2 lần triển lãm. Cuối tháng 10 năm 2012, một nửa số đó đã được trưng bày tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Một nửa còn lại, được trưng bày tại nhà triển lãm Viet Art 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 18 tháng 2. Như vậy, trong những ngày đầu xuân mới, người yêu hội họa thủ đô có thêm một địa chỉ để đến chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những tác phẩm của nghệ sĩ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, và thêm tự hào về văn hóa xứ Mường nói riêng cũng như văn hóa dân tộc Việt Nam mình nói chung...


VNCA
.