Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/26424-triet-ly-nhan-van-cua-tet-trong-cay-392449/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/26424-triet-ly-nhan-van-cua-tet-trong-cay-392449/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Triết lý nhân văn của Tết trồng cây - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 27/02/2013, 08:16 [GMT+7]
26424

Triết lý nhân văn của Tết trồng cây

Ông Vũ Kỳ, thư ký nhiều năm bên Bác, có lần kể lại một câu chuyện cảm động. Rằng, có những đêm khuya nằm nghỉ, nghe tiếng chổi tre quét đường phố, Bác Hồ hay nghĩ tới sự quên mình, thầm lặng, vất vả của những người công nhân quét đường. Nhất là vào mùa Đông rét mướt.
 
Một lần, Bác nhờ ông Vũ Kỳ tìm cách điều tra cụ thể rồi báo cho Bác biết. Và thế là, công việc của người công nhân quét đường phố được báo cáo lại tỉ mỉ. Bác thương lắm, không chỉ nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp đảm bảo chế độ cấp phát áo quần bảo hộ, quan tâm đời sống, sức khỏe cho các cháu mình; Người còn nung nấu một điều gì đó...
 
Lần ấy, cũng vào dịp mùa Đông giá rét, Bác Hồ sang thăm nước bạn. Hầu hết cây cối ở đây đều trụi lá, lạ thay có một loại cây vẫn tươi tốt. Tìm hiểu thì biết đó là loại cây có thể xanh tươi bốn mùa, Bác quyết định xin đưa giống cây này về nước trồng thử, phù hợp thì sẽ nhân rộng, trồng dọc các đường phố. Được vậy, mùa Đông vẫn có cây xanh, đỡ vất vả các cháu công nhân quét đường! Cây xanh ấy được quen gọi là “cây xanh bốn mùa”, ngày nay vẫn còn sống trong Phủ Chủ tịch, gần ngôi nhà sàn của Bác.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia trồng cây trong ngày phát động Tết trồng cây Xuân Quý Tỵ 2013
 
Câu chuyện cho chúng ta một lời nhắc nhở chưa cũ: Đừng quên những người lao động bình thường vì lợi ích mọi người, đồng thời hãy biết vì họ mà làm một việc gì đó dù bé nhỏ, khiêm nhường. Đó cũng là một biểu hiện của quan điểm “nếu dân đói Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”!
 
Ai cũng biết, vào dịp Tết Nguyên đán năm Canh Tý (1960), lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây. Tuy vậy, trong nhiều bài viết, tài liệu và cách hiểu sự kiện này có chỗ thiếu thống nhất. Trong Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia, 1995), tài liệu này nên được xem là chính thức.
 
Theo đó, ngày 6/1/1960, kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng ta, Bác đã có lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, từ ngày 6/1-6/2/1960. Trong lời kêu gọi được báo chí đăng tải rộng rãi ấy, Người yêu cầu mỗi công dân trồng ít nhất một cây, chăm bón tốt. Đợt trồng cây này được gọi là “Tết trồng cây” và đây là Tết trồng cây đầu tiên do Bác Hồ phát động.
 
Từ đấy hàng năm cho tới lúc qua đời, Bác đều có lời kêu gọi và nhắc nhở phong trào trồng cây, bảo vệ cây xanh. Bản thân Bác cũng là một tấm gương mẫu mực cả trong lời nói và việc làm. Hai câu thơ lục bát dân giã từ lâu đã trở nên quen thuộc:
Mùa Xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân...
 
Chính là lời mở đầu của bài viết “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, Bác viết và cho công bố trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 1/1/1965. Như vậy, ở nước ta bên cạnh mỹ tục đón Tết Nguyên đán truyền thống, nhờ Bác Hồ chúng ta có thêm Tết trồng cây, cũng vui như ăn Tết mà ý nghĩa, vai trò thì vô cùng to lớn vì nó góp phần “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” như lời thơ Bác động viên, khẳng định!
 
Đầu Xuân mới năm 2013 này, sau đợt nghỉ Tết dài ngày, cả nước ta lại nô nức vào Tết trồng cây. Ngày 18/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại tỉnh Bắc Giang. Cùng ngày, toàn tỉnh Nghệ An cũng phát động phong trào Tết trồng cây... Một thông tin khá vui: Cả nước ta hiện có 2,4 triệu ha rừng, độ che phủ chiếm 40%; còn ở tỉnh nhà, độ che phủ của rừng là 54%. Diện tích cây trồng tăng rất đáng mừng, nhưng quan trọng hơn vẫn là cây trồng phải sống, phải tươi tốt, đem lại cho dân nhiều giá trị kinh tế và môi trường.
 
Chuyện còn được kể, ông Nguyễn Tạo - bấy giờ là Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp. Sau khi phát động phong trào Tết trồng cây, ông Tạo cử người chuyên theo dõi, báo cáo việc trồng cây của các tỉnh cho Bác, đồng thời đề xuất, bố trí địa điểm để Bác chọn đến trồng cây. Năm đó, đọc xong báo cáo các tỉnh, Bác đề nghị ông Nguyễn Tạo cho mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ra gặp Bác. Thấy Bí thư ôm chiếc cặp to, Bác hỏi: “Cặp chú đựng gì mà to thế?” - “Dạ, thưa Bác, cháu mang đủ tài liệu của tỉnh để báo cáo với Bác!”. Bác bảo: “Hôm nay, Bác chỉ hỏi một việc về Tết trồng cây. Tỉnh Nghệ An chuẩn bị thực hiện thế nào rồi?”. Thở phào nhẹ nhõm, đồng chí Bí thư liền báo cáo: “Thưa Bác, năm nay Nghệ An thực hiện Tết trồng cây sớm, hiện đã trồng được một triệu bảy nghìn sáu trăm tám mươi cây.
 
Chúng cháu sẽ trồng tiếp mười lăm ngàn cây nữa ạ!”. Bác có lời khen, tuy vậy liền đó Người tỏ vẻ băn khoăn: “Nghệ An trồng hàng triệu cây, vậy có biết bao nhiêu cây chết không? Chú có cho người đếm được không?”. Đồng chí Bí thư im lặng. Bác nói thêm: “Nghệ An cũng là quê Bác, các chú làm chưa tốt thì Bác vui sao được? Các chú chỉ nghĩ đến thành tích, mà không nghĩ đến thành quả, thế là chưa thật thà với nhân dân. Trồng cây nào phải sống tốt cây ấy, phải biết chăm sóc cây, không để lãng phí sức người và của cải vật chất. Vậy, Tết năm nay Nghệ An phải làm tốt hơn nữa để Bác vui!”.
 
Lời nhắc nhở của Bác ngày nào về bệnh thành tích, cho mãi đến sau này còn mới mẻ, việc làm tốt Bác “thương”, việc làm chưa tốt Bác “giận” đấy!
 
Về thăm quê hương Nghệ An lần thứ hai, vào ngày 8/12/1961, Bác Hồ có buổi nói chuyện với Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An. Nhận xét chung, Bác nói đại ý năm nay so với năm kia Bác về thăm, thấy tỉnh nhà có nhiều tiến bộ. Cán bộ và nhân dân đều có cố gắng. Nhưng mà chưa tiến bộ, chưa cố gắng đến mức bây giờ mình đòi hỏi.
 
Riêng về câu chuyện dân sinh, Bác nhấn mạnh tới sự nghiệp trồng cây gây rừng: “Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng, sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón... Các chú cứ làm sao năm nay trồng được 15 triệu cây cho tốt. Trồng cây nào sống cây ấy, chứ 19 triệu cây (như kế hoạch lãnh đạo tỉnh vừa báo cáo với Bác) mà chết hết nửa, thì vô ích. Năm nào cũng trồng nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy”.
 
Sinh thời, trong từng lời nói, câu văn, việc làm... Bác Hồ luôn mong muốn làm cho cả đất nước Việt Nam trở thành một rừng hoa, trong đó mỗi tập thể làm sao để trở thành một vườn hoa đẹp, mỗi con người là một bông hoa đẹp góp phần làm cho rừng hoa dân tộc ngày càng rực rỡ, thơm hương.
 
Nói chuyện trồng cây, Tết trồng cây của Bác Hồ thì cuối cùng cũng là để nói chuyện trồng người, chuyện cán bộ gương mẫu, chuyện người dân yêu nước, chuyện tương lai dân tộc. Đấy, phải chăng là triết lí nhân văn vô cùng thấm thía của Tết trồng cây? Dù có thời nào và thế nào đi nữa thì theo Bác, dân ta vẫn rất tốt. Vấn đề còn lại là làm sao cho họ hiểu, họ tin mình. Và lúc họ đã hiểu, đã tin thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Cốt sao “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Đấy là lẽ phải, mỗi chúng ta, nhất là các cán bộ đảng viên hôm nay, cần nhớ lấy mà làm, và làm cho tốt!

Kim Hùng
.