Mùa Xuân, khởi đầu cho một năm mới với bao mong ước và hứa hẹn. Du xuân là một hoạt động văn hóa có truyền thống lâu đời của người Việt. Bước sang năm mới, nhiều người Việt Nam luôn dành một khoảng thời gian để thăm viếng các đền, chùa, miếu mạo… và đồng thời cầu an, cầu phúc, lộc cho bản thân và gia đình.
Nghệ An là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”, là điểm đến của các danh lam, thắng cảnh và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cùng các đền, chùa, miếu mạo… linh thiêng. Vì vậy, hàng năm lượng du khách thập phương đặt chân đến Nghệ An vào dịp đầu Xuân thường tăng đột biến. Điều đó cho thấy, môi trường văn hóa du lịch tỉnh nhà đã và đang có nhiều bước phát triển.
Tuy nhiên, những năm gần đây du khách đến Nghệ An luôn phải chứng kiến nhiều hình ảnh không mấy đẹp mắt tại các điểm du lịch. Nhất là tình trạng “người xin ăn” xếp hàng, vật vạ hành nghề nơi cổng đền, chùa, miếu mạo… và các khu du lịch. Những hình ảnh bẩn thỉu, nhếch nhác này đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp với du khách mỗi lần đến Nghệ An.
Người ăn xin xếp hàng trước cổng đền Ông Hoàng Mười
Tại thành phố Vinh, nếu những ngày bình thường trong năm, đội quân “cái bang” này len lỏi khắp mọi ngõ ngách các con phố, quán xá, nhà hàng… để kiếm ăn thì dịp đầu Xuân họ lại tụ tập, vật vạ nơi cửa chùa, đền xin bố thí. Một số địa chỉ “màu mỡ” để hành nghề “cái bang” dịp đầu Xuân ở thành phố đỏ như: Đền thờ vua Quang Trung, Đền Hồng Sơn, Chùa Cần Linh, Đền Ông Hoàng Mười.
Những năm gần đây, đền thờ Ông Hoàng Mười tại xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến hành lễ thì tình trạng người ăn xin cũng ngày càng gia tăng tại đây; họ tụ tập thành nhóm đông, xếp hàng trước lối vào đền.
Từ những ngày đầu tiên của năm mới Quý Tỵ 2013 cho đến hôm nay, trước cửa đền Ông Hoàng Mười luôn luôn có trên chục người hành nghề xin ăn. Đội quân xin ăn ở đây bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau, từ những đứa trẻ lít nhít cho đến người già, người tàn tật, người lùn...
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người trong số này đang còn khỏe mạnh, có thể tự lao động để nuôi sống bản thân, nhưng họ lại đang trông chờ vào chút lộc bố thí đầu năm của du khách để kiếm sống. Để du khách phải mủi lòng trước hoàn cảnh của mình, “cái bang” luôn tạo ra một vẻ bề ngoài nhếch nhác, bẩn thỉu, đứng, ngồi đủ kiểu cùng với chiếc mũ rách hay chiếc rổ không còn nguyên vẹn chìa ra trước mặt du khách xin bố thí.
Thậm chí, có những em nhỏ, trông mặt rất sáng sủa vẫn vô tư ngồi cầm ô che nắng để xin ăn… Mỗi lần có đoàn khách đi qua là nhóm xin ăn lại lao nhao mấy câu, “xin cô bác, anh chị rủ lòng thương”, “cô ơi, chú ơi hãy bớt đồng tiền lẻ cho thân này”…
Chị Nguyễn Thị Ng, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Mấy năm gần đây, năm nào mình cũng đi lễ đền Ông Hoàng Mười đầu Xuân, nhưng mình thấy trước cửa đền năm nào cũng lộn xộn quá, nào là người xin ăn, người buôn bán hàng rong… chèo kéo du khách không hề giảm. Đó không chỉ là tâm sự của chị Ng mà là của rất nhiều du khách khi đến lễ ở ngôi đền linh thiêng này.
Bên cạnh tình trạng người xin ăn đang tung hoành ở các địa điểm đền chùa nói trên, thì tình trạng ô nhiễm môi trường những nơi này cũng là điều đáng bàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại chỉ có chùa Cần Linh là nơi có khuôn viên và môi trường sạch sẽ.
Còn như ở Đền Hồng Sơn, quanh năm du khách đến thăm viếng đền vẫn luôn phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc của rác thải từ các hàng quán trước cổng đền. Ở đền thờ Ông Hoàng Mười tình trạng người dân thiết lập lộn xộn các điểm trông giữ xe máy, kinh doanh tự phát hai bên lối vào đền.
Thậm chí những người bán hàng rong, rau, củ cũng vào tận cửa đền kinh doanh. Con kênh phía trước đền đang phải hứng chịu đủ thứ rác bẩn như túi ni lông, vàng mã… Hiện nay, trong đền Ông Hoàng Mười đang tồn tại một thực trạng đáng báo động đó là những người làm nghề xem tướng, xem bói… vô tư hoạt động.
Mong rằng các ngành chức năng tỉnh nhà sớm có các biện pháp mạnh, nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại nói trên, góp phần xây dựng hình ảnh, điểm đến của du lịch Nghệ An trong lòng du khách thập phương.
Trần Đức Thắng
.