Ngày lịch sử
Với người dân bản Tằm, xã Châu Phong, cái buổi trưa ông mặt trời gần đứng bóng vào ngày cuối xuân, đầu hạ năm 1965 vẫn in dấu trong tâm trí. Những năm chống Mỹ cứu nước, đặc biệt sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 5/8/1964, Mỹ đã gây hấn leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Nghệ An cũng bị tàu chiến Mỹ thả ngư lôi, ném bom vào các khu vực như Cửa Hội, khu dầu mỡ Vinh rồi ra tận Lạch Trường, Bãi Cháy ở các tỉnh phía Bắc…
Để chuẩn bị cho cuộc chiến chống leo thang của Mỹ, Đảng, Bác Hồ tin tưởng gửi chàng trai trẻ Trần Hanh quê gốc Nam Định đi đào tạo lớp phi công đầu tiên ở nước bạn. Sau khi về nước một thời gian thì giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc. Phi công Trần Hanh cùng với các đồng đội nằm trong biên đội bay thuộc Trung đoàn không quân Sao Đỏ sẵn sàng nhận lệnh xuất kích.
Bia dẫn tích nơi phi công Trần Hanh hạ cánh năm xưa
Trong trận chiến đấu bảo vệ bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hoá) vào ngày 4/4/1965, biên đội bay xuất phát từ sân bay Nội Bài do Trần Hanh lái chiếc MIG 17A dẫn đầu chỉ huy đã “chọc tiết” 2 chiếc F105 tan xác khiến cho không quân Mỹ phải khiếp sợ. Trước đó, biên đội chủ công do Trần Hanh chỉ huy gồm 4 anh em (Trần Hanh, Lê Minh Huân, Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm) xuất kích với đội hình bay thấp nhằm tránh ra-đa đối phương phát hiện.
Sau khi xuất kích gần vào tới bầu trời Hàm Rồng, bằng khả năng phán đoán và trí tuệ của mình qua nhiều năm học tập, nghiên cứu kết hợp với sự hướng dẫn của sở chỉ huy mặt đất, Trần Hanh cùng với đồng đội luồn phía sau lưng địch bất ngờ tấn công. Khi phát hiện ra F105 trước mắt, Trần Hanh lập tức báo cáo về sở chỉ huy và thông báo cho biên đội bay chuẩn bị sẵn sàng không kích.
Chờ đến lúc khoảng cách máy bay địch cách mình khoảng 400m, lập tức Trần Hanh bất ngờ điểm mấy loạt pháo đanh, gọn, chiếc F105 bốc cháy. Sau này, chiếc F105 bị bắn hạ được xác định do thiếu tá Phăng-béc-xnét làm biên đội trưởng lái. Nhanh chóng, anh báo về mặt đất và thông báo cho đồng đội biết.
Tiếp đó, Lê Minh Huân cũng báo cáo đã bắn tan xác một chiếc F105 do đại uý Mỹ GiêmMa Nhớt xơn lái. Khi phát hiện chỉ trong 2 phút, không quân Việt Nam bắn hạ 2 chiếc F105, chúng đã gọi thêm phi đội tiêm kích F100D đến để trả thù. Xử lý nhanh chóng, sáng suốt, biên đội MIG 17A của Trần Hanh đã tăng tốc cách ly với máy bay địch.
Lúc này, Trần Hanh phân công số 2 theo mình, số 3 và số 4 bám mục tiêu và không quên lệnh cho anh em đề phòng địch bắn tên lửa “rắn đuôi kêu” cường kích. Khi phát hiện F100D phóng liền 2 quả tên lửa, anh lệnh cho Phạm Giấy lái MIG 17A phiên hiệu số 2 nhào lộn gấp xuống tránh tên lửa. Sau đó, Trần Hanh và Phạm Giấy đã mất phương hướng không thể liên lạc với nhau được nữa.
Lúc này, Trần Hanh chỉ nhìn thấy phía dưới là rừng núi với một màu xanh điệp trùng, máy bay báo sắp hết nhiên liệu. Anh báo về sở chỉ huy thì được lệnh “nhảy dù!”. Với quyết tâm không để mất đi chiếc MIG 17A đã cùng mình oanh tạc và bắn rơi F105 của Mỹ, anh quyết định hạ độ cao, giảm vận tốc xuống còn 200km/h bay luồn qua các sườn núi tìm nơi hạ cánh.
Nhìn phía trước phát hiện một dải lụa xanh thoai thoải dưới cái nắng cuối xuân đầu hạ, Trần Hanh nhanh chóng cho máy bay của mình áp nhẹ đuôi, bụng chiếc MIG 17A sát xuống ruộng để hạ cánh. Nhìn thấy phía trước có một con suối chắn ngang và bờ đất ruộng bậc thang cao gần 2m, anh cho máy bay trườn sang phía bên phải đâm thẳng vào bụi tre nhằm cản lực, tránh đâm phải bờ đất thì hậu quả sẽ khôn lường.
Sau khi nghe một tiếng rầm, Trần Hanh bất tỉnh ngay trong buồng lái. Một lát sau, tỉnh dậy thấy trán mình rớm máu, anh nhanh chóng tháo cuộn phim ghi hình tự động khi không chiến bắn rơi máy bay F105 của Mỹ cất vào túi áo thì hàng chục người đã vây quanh mình.
Người dùng cuốc, gậy, gộc, dao… xì xào bằng một thứ ngôn ngữ lạ hoắc tiến sát lại gần, phía xa là câu khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lòng anh mừng thầm vì mình đang ở đất Việt Nam. Sau khi biết “người nhà trời” kia không phải là giặc Mỹ, Trần Hanh được bà con bản Tằm đùm bọc, chăm sóc vết thương và báo về cho Tỉnh đội Nghệ An.
Ân nghĩa còn mãi
Cho đến bây giờ, đã gần 48 Xuân trôi qua, Trung tướng, phi công Trần Hanh mà người dân tộc Thái ở đây hay gọi “người nhà trời” vẫn còn nhớ mãi ân nghĩa của bà con nơi đây. Những người trực tiếp có mặt bảo vệ phi công Trần Hanh như cụ Vi Văn Tuyên, thủ kho HTX; là Trung Đội trưởng dân quân Vi Văn Toàn, Lô Văn Thắm, Trưởng Công an xã Châu Phong rồi ông Vi Văn Thắm, Vi Văn Sâm, Lữ Văn Hồng, y tá Lô Thị Hoa… nay họ đã già yếu.
Người mất, người còn nhưng con cháu họ đến nay vẫn còn nhắc mãi sự kiện phi công bộ đội Cụ Hồ đạp đất xuống cánh đồng của bản Tằm.
Trung tướng, phi công Trần Hanh trò chuyện với tác giả
“Lúc ấy tôi là Phó Bí thư Chi đoàn xã được giao trách nhiệm huy động anh em thanh niên ra để bảo vệ khi biết tin phi công của Việt Nam hạ cánh xuống quê mình. Trước đó, anh Vi Văn Toàn, Trung Đội trưởng dân quân xã hô anh em: Đừng bắn! dân bản liền thả hết gậy gộc xuống rồi dìu phi công Trần Hanh về nhà đồng chí Vi Văn Tuyên, thủ kho hợp tác xã để băng bó vết thương.
Sau đó, Tỉnh đội có lệnh đưa đồng chí Trần Hanh ra thị trấn để trở về đơn vị, tôi cùng với cụ Miến, cụ Tiêng, cụ Thông và cụ Hồng dùng cáng vượt đường dốc Pù Sen rậm rạp cây cối ra thị trấn” - Cụ Lữ Văn Hồng, năm nay 73 tuổi sống ở bản Tằm nhớ lại.
Chiến tranh đã lùi xa, chiến tích năm nào phi công Trần Hanh cùng đồng đội bắn tan xác máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng vẫn còn ghi dấu ấn lịch sử. Với Trung tướng phi công Trần Hanh, từ ngày được người dân bản Tằm bảo vệ, cứu sống, ông vẫn không thể nào quên ân nghĩa của bà con nơi đây.
Cánh đồng bậc thang năm nào, con suối cạnh bụi tre vẫn còn đó như dẫn tích cho một thời “con én bạc” - MIG 17A cùng ông hạ cánh và cuộn phim chụp toàn bộ hình ảnh quá trình không chiến bắn rơi F105 của Mỹ tan xác trên bầu trời Hàm Rồng mà sau này hãng thông tấn nước ngoài đưa tin như một nỗi sỉ nhục cho không quân Mỹ ngày ấy.
Vĩ thanh
Dịp 27/7/2010, Trung tướng phi công Trần Hanh dù đã 79 tuổi nhưng ông vẫn dẻo dai vượt hàng trăm cây số cùng gia đình, đồng đội thăm lại bản Tằm. Ngày trở lại, ông được bà con Châu Phong đón tiếp như người con đi xa lâu ngày mới về quê. Lẫn trong tiếng khèn, tiếng pí, vũ hội rượu cần, lễ buộc chỉ cổ tay, Trung tướng Trần Hanh đã không giấu được xúc động.
Tình cảm của bà con nơi miền biên viễn vẫn còn đây cái thuở gần 50 năm về trước. Tình người chan hoà trong những cái bắt tay lẫn nhau khiến rừng núi như thinh lặng giữa tiếng cười, tiếng nói của ngày tri ân những người có công với Tổ quốc, với cách mạng.
Và, dịp về thăm lại nơi chứng tích của “con én bạc” hạ cánh năm nào, Trung tướng đã kêu gọi con cháu trong gia đình dành dụm được hơn 50 triệu đồng để giúp bà con bản Tằm sửa sang nhà văn hoá, mua loa đài, cồng chiêng… Đồng thời ông cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hội CCB quyên góp, ủng hộ xây dựng nhà đồng đội, trường mầm non ở xã Châu Phong được hơn 1 tỷ đồng.
Niềm vui của bà con bản Tằm nói riêng, người dân xã Châu Phong nói chung như thêm ấm lại trong nghĩa tình với người con của bản là phi công bộ đội Cụ Hồ năm xưa. “Với bản Tằm, xã Châu Phong ở Nghệ An, tôi xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Không có bà con ở đây cưu mang, bảo vệ thì tôi không có ngày hôm nay” - Nhắc lại sự kiện năm nào, vị tướng phi công rưng rưng xúc động.
Còn tôi, từ Nghệ An lặn lội ra thăm ông trong dịp giáp Tết Quý Tỵ, vẫn nhớ mãi hình ảnh tay bắt mặt mừng của Trung tướng Trần Hanh: “Ôi đồng hương xứ Nghệ đây rồi!...”.
Ngọc Thái
.