Sau khi có Thông tư số 34/2009/TTLT-BGDĐT-BCA của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an về công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Sở GD&ĐT và Công an Nghệ An đã phối hợp chặt trong việc chỉ đạo triển khai Thông tư này tại các trường thuộc khối chuyên nghiệp (bao gồm các trường đại học, cao đẳng và trung cấp); còn đối với các trường phổ thông, việc phối hợp chỉ đạo chưa thật chặt chẽ.
Bước vào năm học 2012 - 2013, tồn tại này được khắc phục với nhiều giải pháp, đặc biệt là hai ngành đã phối hợp chia 20 Phòng GD&ĐT thành 4 cụm, tổ chức giao ban theo cụm để chỉ đạo sâu sát, thường xuyên hơn. Chính vì thế mà công tác an ninh, trật tự trong các trường phổ thông đã có chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Hữu Cầu - Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Diễn Châu, trong năm 2012, đặc biệt là từ đầu năm học 2012 - 2013 đến nay, phòng GD&ĐT đã phối hợp với Công an huyện và các ngành có liên quan chỉ đạo các nhà trường xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự của đơn vị; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh ký cam kết thực hiện đúng các quy định về phòng chống ma tuý, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông…
Các trường học đã tổ chức nhiều cuộc thi: An toàn giao thông, Giao thông thông minh; Trẻ em với đường sắt… góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh. Chính vì vậy mà tài sản của các nhà trường được bảo vệ; hành vi vi phạm pháp luật của học sinh được ngăn chặn; tình trạng kẹt xe trong giờ cao điểm trước cổng trường học không còn nhiều... Cả năm 2012, trong các trường học ở Diễn Châu chỉ còn xảy ra 18 vụ học sinh đánh nhau, 35 vụ học sinh ăn cắp, 36 vụ học sinh vi phạm an toàn giao thông.
Ông Võ Sỹ Sơ - Trưởng phòng phòng GD&ĐT Quỳ Hợp cho biết: Bước vào năm học 2012 - 2013, các trường học ở Quỳ Hợp đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động tổ chỉ đạo công tác an ninh trật tự; công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học được thực hiện gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành.
Các nhà trường đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức phổ biến pháp luật cho học sinh thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, giờ ngoại khoá và các giờ chào cờ đầu tuần; ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch vụ Internet, trò chơi điện tử; giải toả các hàng quán, dịch vụ ở sát xung quanh trường học.
Thời gian qua, các trường học ở Quỳ Hợp đã không để xảy ra các vụ việc lớn làm mất an ninh, trật tự; các vụ việc nhỏ, lẻ đã được các nhà trường phối hợp với lực lượng công an và cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm ngay sau khi vừa xảy ra. Cả huyện chỉ có 3 học sinh vi phạm pháp luật, đó là 2 học sinh của Trường THPT Quỳ Hợp 1 và một học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú Quỳ Hợp.
Theo ông Phan Anh Tài, Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Con Cuông, trong quá trình thực hiện công tác an ninh, trật tự trường học, ngoài việc phối hợp với công an và các cơ quan chức năng, các nhà trường đã chú trọng phát huy vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị mình.
Tổ chức Đội, tổ chức Đoàn trong trường học đã trở thành lực lượng xung kích trong việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng hành động theo pháp luật cho thanh thiếu nhi học sinh và động viên thanh thiếu nhi học sinh thực hiện đúng nội quy của nhà trường, đúng các quy định của pháp luật mà các em được học.
Trong thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Con Cuông diễn biến phức tạp, nhưng an ninh, trật tự trong các nhà trường vẫn được giữ vững. Số lượng học sinh vi phạm kỷ luật không nhiều: Cả huyện chỉ xảy ra 3 vụ học sinh đánh nhau và 1 vụ học sinh đốt pháo; các trường đã kịp thời xử lý, thi hành kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ học tập có thời hạn 24 em để răn đe, giáo dục.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Hoàn, người phát ngôn của Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Gần đây, do có sự kết hợp tốt giữa ngành GD&ĐT và các ngành liên quan, nhất là ngành công an, công tác an ninh, trật tự trong các trường học đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt. Tuy vậy, vẫn còn một số nhà trường chưa thật sự quan tâm đến công tác này, vì vậy hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật vẫn xảy ra; khi có sự việc xảy ra lại không tập trung xử lý kịp thời để uốn nắn, giáo dục các em; một số đơn vị lại vì thành tích nên không báo cáo, không công khai những vụ việc sai phạm của học sinh mình với cấp trên.
So với những năm trước, năm nay, công tác an ninh, trật tự trong các trường phổ thông ở Nghệ An đã được các cấp quản lý giáo dục quan tâm hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành giáo dục - đào tạo và ngành công an. Song, bên cạnh những tiến bộ tích cực nêu trên, công tác an ninh, trật tự trong các trường phổ thông ở Nghệ An vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
Đặc biệt là hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra thường xuyên. Đơn cử như ở Trường THPT Anh Sơn 2, chỉ trong năm 2012 đã có không dưới 5 học sinh tham gia đánh bài ăn tiền; nhiều học sinh uống rượu, bia ngay trước cổng trường; hàng chục học sinh tham gia 10 vụ đánh nhau, trong đó có cả học sinh nữ, có việc đưa người nhà và thuê người ngoài trường đánh bạn…
Hy vọng với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, sự vào cuộc của các đoàn thể, công tác an ninh trật tự trong các trường phổ thông ở Nghệ An sẽ được tăng cường, tình trạng học sinh vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật sẽ giảm trong năm 2013.
Minh Đức
.