Sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái có lần còn khéo léo mời được một phụ nữ đã ở tuổi trung niên làm mẫu khỏa thân để mình và một số họa sĩ khác cùng vẽ. Tất cả dựng giá vẽ và hồ hởi đón chờ. Nhưng khi người mẫu cởi quần áo thì ai nấy đều… nản lòng khi thấy hai bầu vú chị ta chảy xệ; làn da không còn chút mịn màng cho dù vẫn trắng trẻo.
Thấy mọi người có vẻ mất hứng, Bùi Xuân Phái ngầm tỏ ý rằng, dù sao đó cũng là một người mẫu bằng xương bằng thịt để các họa sĩ có dịp nghiên cứu cơ bản và mô tả chuẩn xác. Ông quan niệm rằng, họa sĩ phải tìm ra cái đẹp nằm trong cái tưởng như không đẹp.
Đúng như ông đã viết, trong lĩnh vực mỹ thuật, hình vẽ hay hình tượng nghệ thuật không phải là bản thân đối tượng, mà chính là sự thể hiện cách nhìn riêng của nghệ sĩ với đối tượng ấy ra sao. Chính vì thế trong nhiều bức tranh khỏa thân của ông, các cô gái bao giờ cũng có gương mặt rất biểu cảm, với nhiều tâm trạng gây sự ám ảnh đối với người xem.
Họa sĩ Lưu Công Nhân - người từng thuê được nhiều người mẫu phục vụ cho việc vẽ tranh khỏa thân. |
Về chuyện thuê được nhiều người mẫu khỏa thân, trong các họa sĩ Việt Nam, không ai sánh được với Lưu Công Nhân. Sinh thời, họa sĩ Lưu Công Nhân có nhiều dịp dịch chuyển không gian sống, và đến đâu ông cũng thuê người mẫu vẽ. Hồi ở Đà Lạt, ông còn thuê hẳn một cô gái hàng ngày chỉ đến làm mẫu vẽ, và suốt như thế trong nhiều năm. Chính trong thời gian này, ông đã vẽ được hàng trăm bức khỏa thân với bút pháp rất lạ. Đặc biệt, vợ ông thường lại là người lo toan thu xếp việc thuê người mẫu phục vụ công việc của chồng một cách chu đáo nhất.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn không có nhiều mẫu như Lưu Công Nhân, nhưng ông lại có một người mẫu cho cả cuộc đời mình. Đó là vợ ông, họa sĩ Trần Thị Hồng. Cuộc tình của hai người là câu chuyện được truyền tụng nhiều trong giới hội họa. Bà Hồng kém chồng hơn 30 tuổi. Bà đã trở thành người mẫu của họa sĩ Trần Văn Cẩn trong hơn 20 năm chung sống. Bà nói, trong hàng trăm tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn đều có bóng dáng của mình; nó lấp lánh hiện hữu không ở nét này thì ở góc độ khác, thể hiện nỗi niềm yêu dấu của tình yêu đằm thắm. Chính vì lẽ đó mà những bức tranh khỏa thân của Trần Văn Cẩn - như họa sĩ Phạm Thanh Tâm, một học trò của ông đã nhận xét - ngắm mãi mà không chán mắt…
"Chiều thu nỗi nhớ" - Tranh của Lê Thị Kim. |
2. Nói vậy nhưng không phải họa sĩ nào cũng thuận buồm xuôi gió trong việc mời hay thuê người mẫu. Đôi khi họ còn gặp những trắc trở khó lường. Họa sĩ Thành Nhân kể, có lần, anh mời đến đứt lưỡi mới được một cô bạn nhận lời làm mẫu khỏa thân cho nhóm bạn bè cùng vẽ. Tất cả hăm hở rủ nhau đưa người mẫu về nhà một ông bạn để vẽ nhờ.
Mọi người say mê làm việc với nhiều hứng khởi và coi đó là một dịp may hiếm có. Ai dè, đang vẽ dở dang thì bất ngờ người vợ của chủ nhà quay về. Cô ta sửng sốt vì thấy lũ đàn ông đang say mê ngắm nghía một người con gái trần truồng trong nhà. Thế là cô ta nổi cơn tam bành, đuổi tất tật mọi người ra khỏi nhà. Người mẫu vội vã mặc quần áo. Vậy mà, không dừng ở đó, cô chủ nhà còn xông tới các giá vẽ, xé hết các bức tranh, làm các họa sĩ tiếc đứt ruột. Mọi người chỉ còn nước rủ nhau đưa cô người mẫu chuồn cho nhanh.
Họa sĩ Công Quốc Hà cũng kể về "tai nạn" với người mẫu đã xảy ra hồi những năm 80 (của thế kỷ trước). Có lần, một nhóm 5 họa sĩ cùng vẽ chung một người mẫu. Người "đầu trò" là họa sĩ BT đã ngẫu hứng đưa người mẫu về nhà mình, rồi mời các bạn đến vẽ tranh và chụp ảnh khỏa thân. Nhưng thật trớ trêu, một tháng sau, cô người mẫu này bị nhà chức trách phát hiện đã lưu trữ ảnh khỏa thân trái phép. Thì ra, các tay "phó nháy" hôm đó đã tặng cô gái những bức ảnh để cô giữ làm kỷ niệm thời tuổi trẻ xinh đẹp của mình.
Theo yêu cầu của cảnh sát, cô gái đã phải khai báo tất cả và nói rõ nguồn gốc các bức ảnh. Và thế là họa sĩ BT đã bị kiểm điểm. Rồi cô người mẫu này biến mất tăm, để anh em ở lại phải... chịu trận. Nhưng chuyện chưa khiếp bằng trường hợp của họa sĩ VT, người mới mở cuộc triển lãm tranh, tượng khỏa thân trong năm 2012. Chuyện rằng, trong quá trình vẽ mẫu, anh đã trót dại… yêu cô gái xinh đẹp này. Tình càng nồng càng say. Chàng họa sĩ này còn mê đắm đến nỗi nổi cơn hứng làm thơ và ghi lại những điều riêng tư ấy trong cuốn nhật ký.
Thế rồi không những nhật ký, mà còn cả tin nhắn hẹn hò và số điện thoại của người đẹp kia đã bị vợ anh dò tìm và tóm được trên giấy trắng mực đen. Cho dù không bắt được quả tang nhưng tất cả chứng cứ đã làm cô vợ phẫn nộ, dẫn tới xô xát. Thậm chí cô vợ còn đòi ly hôn. Họa sĩ chỉ còn nước xin lỗi, hứa mọi chuyện sẽ chấm dứt.
Không những vậy, "chàng" còn tự đưa ra nhiều hình thức chịu phạt để vợ tha cho. Nhưng cô vợ vẫn ngùn ngụt "hờn căm", phải vài năm sau mới tạm nguôi ngoai. Cú đòn "dậy chồng" ấy đã làm họa sĩ chột dạ, nhớ đời và không bao giờ dám phung phí tình cảm với người mẫu vẽ riêng nữa.
3. Việc cần tới người mẫu có hẳn là điều cần thiết đối với bất cứ họa sĩ nào? Bởi lẽ, hiện đã xuất hiện không ít người vẽ tranh khỏa thân mà không cần tới một người mẫu cụ thể? Thật ra, việc vẽ tranh khỏa thân "chay" như vậy đã không thể hiện đúng mục đích vẽ tranh khỏa thân như danh họa Francisco De Goya từng tuyên ngôn: "Người đàn bà là một tác phẩm tuyệt mỹ của Thượng đế. Vẽ thân thể của người đàn bà là ca ngợi, tỏ lòng tôn kính cái đẹp…". Vậy nên, câu chuyện giữa họa sĩ với người mẫu khỏa thân luôn luôn là đề tài không kém phần… bí ẩn