Sai mục tiêu giáo dục của Việt Nam
Trao đổi với PV bà Nguyễn Thanh Huyền, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT giải thích trong biểu cam kết WTO của Việt Nam về giáo dục thì Việt Nam chỉ cam kết đào tạo giáo dục bậc cao, chưa mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục phổ thông. Tuy nhiên trước nhu cầu thực tế, Việt Nam vẫn cho các tổ chức nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài mở trường để dạy cho con em họ và cho con em của người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và cho phép thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình cho con em của người nước ngoài tại Việt Nam từ bậc mầm non đến THPT. Đến năm 2000, tại Nghị định 06 về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, đã cho phép học sinh (HS) Việt Nam bậc THPT được học các chương trình nước ngoài của các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
Nghị định 73 chỉ điều chỉnh những trường có vốn đầu tư 100% của nước ngoài hoặc có vốn liên doanh với nước ngoài. Còn những trường khác mang tên quốc tế là những trường dân lập, tư thục chỉ có yếu tố nước ngoài (như giảng viên nước ngoài) và do người Việt Nam thành lập thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT
|
Bà Huyền nói rõ: “Nghị định lần này, Việt Nam đã cởi mở hơn với việc cho phép HS tiểu học và THCS cũng được học các chương của nước ngoài do cơ sở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cũng không mở cửa ồ ạt mà chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhỏ người Việt Nam. Bởi nếu cho phép tất cả HS Việt Nam được học chương trình của các cơ sở nước ngoài thì sẽ làm sai mục tiêu giáo dục của Việt Nam. Vì vậy, nghị định chỉ cho phép cơ sở giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT, phổ thông có nhiều cấp học) được tiếp nhận HS Việt Nam có điều kiện”. Cụ thể, trường tiểu học và THCS nhận HS Việt Nam không quá 10% tổng số HS của trường, trường THPT không quá 20%. Đối với những cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài không được tiếp nhận HS Việt Nam không đủ 5 tuổi.
Học sinh sẽ nói tiếng nước ngoài thay vì tiếng Việt
Lý giải về quy định này, bà Huyền cho biết: "Những trường này chỉ dành cho trẻ em là người nước ngoài. Đối với trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì chưa thể để các em học các chương trình của nước ngoài. Ban soạn thảo cũng đã bàn kỹ, nếu cho trẻ dưới 5 tuổi đến trường Tây khi chưa thạo tiếng Việt sẽ dẫn đến hậu quả là các em có thể nói tiếng nước ngoài thay vì tiếng mẹ đẻ...”.
Có giới hạn về tỷ lệ HS người Việt Nam theo học chương trình của nước ngoài do cơ sở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam
|
Khi được hỏi, với những cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT có vốn đầu tư nước ngoài muốn thành lập ở Việt Nam để dạy người Việt Nam thì có được phép không, bà Huyền nhấn mạnh: “Tại Nghị định 73, Chính phủ chỉ cho phép thành lập những cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài để dạy cho người nước ngoài. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông thì được phép thành lập dạy cho người nước ngoài và một bộ phận HS Việt Nam có nhu cầu”.
Thực tế hiện nay có những trường quốc tế vẫn tuyển sinh phần lớn HS Việt Nam. Về vấn đề này, bà Huyền cho hay: “Nghị định 73 chỉ điều chỉnh những trường có vốn đầu tư 100% của nước ngoài hoặc có vốn liên doanh với nước ngoài. Còn những trường khác mang tên quốc tế là những trường dân lập, tư thục chỉ có yếu tố nước ngoài (như giảng viên nước ngoài) và do người Việt Nam thành lập thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định”.
Cơ sở mầm non chỉ được thành lập để dạy người nước ngoài
Điều 21 của nghị định quy định 5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài; Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho HS là người nước ngoài và một bộ phận HS Việt Nam có nhu cầu; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.
Nguồn: TN/SK
.