Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/25983-hoa-cua-nui-rung-392775/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/25983-hoa-cua-nui-rung-392775/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hoa của núi rừng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 07/02/2013, 08:00 [GMT+7]
25983

Hoa của núi rừng

Cuộc sống khó khăn, vất vả…
 
Sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo của huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, tuổi thơ của cô bé Hương và ba đứa em nhỏ là những tháng ngày cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Mặc dù hoàn cảnh cơ cực là vậy nhưng cha mẹ vẫn cố lăn lộn kiếm tiền để nuôi các con ăn học nên người.
 
Ở ngôi trường làng ngày ấy, Hương nổi bật hơn so với các bạn cùng trang lứa vì thành tích học tập xuất sắc của mình. Hàng ngày, cô học trò nghèo vẫn chăm chỉ cặm cụi bên trang sách cũ ố màu nuôi ước mơ lớn lên trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hương tham gia lớp học dự bị đại học khóa 2002 - 2003 ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Và cũng chính tại nơi đây, tình yêu như chuyện cổ tích của chị và anh Nguyễn Đình Phú được thắp lên đẹp đẽ, đầy cảm động.
 
Hai người thanh niên trẻ tuổi có cùng hoàn cảnh sống, họ đã đồng cảm sẻ chia và đến với nhau bằng tình cảm chân thành, thủy chung đúng nghĩa. Sau khi hoàn thành khóa học, anh Phú tiếp tục theo học chuyên ngành Sử của Trường ĐH Vinh, còn chị Hương ngược lên vùng Tây Bắc mang theo ước mơ làm cô giáo dạy Văn và tình yêu với chàng trai xứ Nghệ. Khoảng cách về không gian địa lý càng làm cho tình yêu thêm sắt son, mặn nồng.
 
Cô giáo Hương vẫn miệt mài gieo chữ cho các em học sinh
 
Họ nhắn gửi yêu thương cho nhau qua những dòng thư, những cuộc điện thoại vào dịp cuối tuần. Cuộc sống sinh viên với bao khó khăn, âu lo bộn bề có lúc chị tưởng chừng như gục ngã thì chính tình yêu của anh đã cho chị nghị lực và niềm tin để bước tiếp. Chị bảo rằng, nếu không có anh thì chắc chắn sẽ không có chị của ngày hôm nay.
 
Đầu năm 2007, cả hai anh chị đều được phân công công tác về Trường THCS Châu Hoàn (nay là Trường THCS Hoàn Lãm) theo đúng chuyên ngành đã chọn. Đến cuối năm, anh chị quyết định về cùng mái nhà bằng một đám cưới đơn sơ, giản dị nhưng ấm áp, ngọt ngào. Tình yêu ấy càng được thăng hoa khi một năm sau, cậu bé Nguyễn Hữu Đức kháu khỉnh chào đời với niềm vui khôn xiết.
 
Nhưng hạnh phúc trong ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ không được vẹn tròn đúng nghĩa khi bé Đức bị bệnh vàng da, sau đó biến chứng suy hô hấp, suy thận và bại não. Mặc dù đã dốc toàn tâm toàn sức, thời gian và tiền của đưa con đi khắp miền đất nước để chạy chữa nhưng đều không đưa lại kết quả khả quan. Cuối cùng, anh chị mang cháu trở về nuôi dưỡng, chăm sóc bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình. Năm nay, Đức đã tròn 4 tuổi, khuôn mặt ngô nghê không thể nhận biết những người xung quanh.
 
Tấm lòng của cô giáo vùng cao
 
Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng của khu tập thể Trường THCS Hoàn Lãm, cô giáo Hương kể cho tôi nghe câu chuyện hết sức cảm động về hành trình gieo chữ của chị và các giáo viên ở nơi đây. Nhắc đến cuộc sống thiếu thốn, khổ cực của học sinh, thỉnh thoảng chị lại nghẹn ngào đưa tay lau vội dòng nước mắt.
 
Những ngày đầu về trường là khoảng thời gian chị phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức mà trong tâm trí của bản thân chưa một lần chị nghĩ tới. Cơ sở vật chất nghèo nàn nên các trang thiết bị dạy học thiếu thốn đủ bề, phòng ở trong ký túc xá phải ngăn đôi cho bốn giáo viên. Đều đặn cứ thứ bảy, chủ nhật cuối tuần chị lại vượt quãng đường núi hiểm trở hơn 40km ra thị trấn Quỳ Châu để mua lương thực, thực phẩm dự trữ dùng cho cả tuần. Do tại địa bàn xã không có nước sạch nên hàng ngày chị cùng đồng nghiệp phải lên tận nguồn của khe suối để lấy về phục vụ sinh hoạt và công tác giảng dạy.
 
Tuy nhiên, những khó khăn ban đầu rồi cũng nhanh chóng qua đi khi chị có thời gian tìm hiểu và tiếp cận với cuộc sống của bà con xã nhà. Tận mắt chứng kiến và trải qua quãng thời gian khổ cực đó, chị Hương tự nhủ lòng mình là phải làm một điều gì có ích cho đồng bào nơi đây. Chị đã hiện thực hóa ý định của mình bằng những việc làm cụ thể trong quá trình công tác.
 
Học sinh vùng cao đang rất cần những giáo viên tâm huyết như cô giáo Hương
 
Mặc dù hoàn cảnh gia đình éo le, bận bịu chăm sóc con nhỏ bệnh tật nhưng chị vẫn cố gắng dành thời gian cho những đứa trẻ nghèo. Hàng ngày, người dân sống quanh đây vẫn thấy học trò quấn quýt bên cô giáo trẻ. Trong ngôi nhà với diện tích nhỏ hẹp, tiếng giảng bài say sưa vẫn vang lên giữa không gian của núi rừng.
 
Vào thời điểm mùa mưa, đường sá lầy lội đi lại khó khăn, chị dỗ dành các em ở lại trường để mình tiện bề chăm sóc. Bữa cơm đạm bạc đôi khi chỉ vài quả cà muối và mớ rau rừng hái vội nhưng chứa chan tình cảm ấm áp giữa cô và trò. Những đứa trẻ nghèo ở Châu Hoàn lớn lên và trưởng thành từ những yêu thương bình dị, mộc mạc như thế. Tấm lòng của chị như chính ngọn lửa thắp sáng lên, sưởi ấm cho những trái tim non nớt trong mùa Đông giá lạnh.
 
Chị Hương còn nhớ như in những tháng ngày trèo đèo lội suối đến bản làng xa xôi, vào tận nhà để vận động các em đến trường. Do đặc thù của người dân nơi đây gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên nhận thức của bà con về các vấn đề trong cuộc sống còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là việc học tập của con em mình. Đối với họ, học chỉ để cho xong vậy thôi chứ không thể giúp ích được gì, có gia đình tư tưởng tiến bộ hơn thì cũng chỉ cho con học đến lớp 9.
 
Vì nhận thức như thế mà các em bỏ học hoặc nghỉ học giữa chừng là chuyện xảy ra thường xuyên. Dù biết để thuyết phục bà con là điều không dễ dàng nhưng chị vẫn một lòng kiên nhẫn. Cứ sau mỗi giờ học, đồng nghiệp lại thấy cô giáo Hương xắn quần, chân đất cùng số học trò ở xa miệt mài đi vào bản. Chị đi đến tận nhà để chia sẻ, tâm sự với phụ huynh.
 
Thời kỳ đầu mang thai bé Đức, dù sức khỏe không đảm bảo nhưng chị vẫn miệt mài với những chuyến đi. Chị đã thuyết phục họ bằng chính câu chuyện cuộc đời thật khó khăn, vất vả của mình. Cô giáo trẻ đã đưa một luồng gió mới vào tư tưởng của bà con dân bản nơi đây để con em họ được bước tiếp chặng đường còn dang dở. Từ đó, học sinh đến trường thường xuyên và đông đủ hơn. Mỗi giờ lên lớp thấy các dãy bàn học đều kín chỗ ngồi lòng chị lại ngập tràn niềm vui và hạnh phúc không thể thốt lên thành lời.
 
Khi tôi hỏi ước mơ của riêng mình, cô giáo Hương bảo rằng, chị muốn dành tất cả cho những đứa trẻ nghèo nơi đây. Một đôi giày, tấm áo ấm hay một bữa cơm đủ no để học sinh đỡ lạnh trong mùa Đông giá rét là ước mơ giản đơn nhưng đầy yêu thương của chị. Chia tay ngôi trường Hoàn Lãm khi sương mù đặc quánh bao phủ khắp phố núi, tôi mang theo bao cảm xúc khó tả về những điều bình dị, cao cả giữa cuộc đời. Trong cái lạnh tê tái của vùng cao, tôi vẫn thấy lòng mình ấm ấp đến lạ thường và tự nhủ rằng, sẽ còn quay lại mảnh đất này để viết thêm nhiều hơn nữa những tấm gương như chị - Bông hoa hương sắc giữa núi rừng miền Tây…

Ngọc Anh
.