Trong khoảng thời gian gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris, ít ai biết đến những người lính bảo vệ cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chặng đường hoạt động và đấu tranh tại Pháp. Một trong số đó là ông Lê Việt Hưng (Lê Việt Bắc), nguyên Đại tá, nguyên Trưởng phòng Bộ Tư lệnh cảnh vệ, nguyên thành viên Đội bảo vệ đoàn đàm phán - người góp phần cho cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Paris thành công.
Dù 40 năm đã đi qua, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn in đậm trong tâm tưởng của ông. Trong những ngày này, ký ức năm xưa lại ùa về, những câu chuyện như mới diễn ra ngày hôm qua, còn nguyên mới.
Vào cuối tháng 4/1968, là một trong năm đồng chí được Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an) giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn đàm phán Hiệp định Paris, với 5 bí danh: Bắc, Trung, Nam, Thống, Nhất, ông được mang bí danh Lê Việt Bắc. Ngày 9/5/1968, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu đến Paris.
|
Ông Lê Việt Hưng hồi tưởng lại những năm, tháng bảo vệ đoàn đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris |
Ra sân bay đón đoàn có ông Mai Văn Bộ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pháp cùng các quan chức Pháp và kiều bào ta rực rỡ cờ hoa chào đón. Đoàn được đến ở tại khách sạn Lutetia ở số 45, Đại lộ Raspail, quận 16 Paris. Chỉ vài ngày sau, vì nhiều lý do, đoàn đã được Đảng Cộng sản Pháp tìm đến ở tại Trường Đảng Choisy Le Roi. Đó là niềm vui đối với ông khi được làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đoàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong suốt thời gian đó, Choisy le Roi đã chứng kiến những câu chuyện đàm phán tài tình được giữ bí mật, tới mức không có mấy người dân ở chính thành phố này biết chỗ đoàn sống và hoạt động. Lực lượng bảo vệ đồng chí Xuân Thuỷ, đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà do ông bảo vệ vòng trong gồm 5 người, lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng ngoài do Cảnh sát Pháp đảm nhận, với 2 trạm gác.
Do thất bại ở hai miền nước ta, nhất là sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đồng ý hội nghị đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sau đó với đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từ phiên họp đầu tiên (ngày 13/5/1968) đến khi đạt được giải pháp Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973), Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ và bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hoa Kỳ, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hoà. Từ đây, ông Lê Việt Hưng được chuyển qua bảo vệ cho đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Bốn mươi năm đã qua đi, ông Lê Việt Hưng, nhân chứng của lịch sử hồi tưởng về những năm, tháng bảo vệ hai đoàn đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris. Đây là bài học lịch sử có ý nghĩa rất to lớn đã giúp chúng ta nắm vững đường lối cách mạng; kiên trì mục tiêu cách mạng; biết tạo ra thời cơ, tận dụng thời cơ, giành thế chủ động để đạt mục tiêu cách mạng.
Thắng lợi của Hiệp định Paris khẳng định việc thực hiện chủ trương “Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại”, đã tạo âm hưởng sâu rộng trong lòng những người bạn Pháp nay còn sống tại những địa điểm lịch sử đó. Bài học từ quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam đã và đang phát huy tích cực trong đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Sau gần 3 năm làm nhiệm vụ bảo vệ cho hai đoàn đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris, giành thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao. Do yêu cầu và nhiệm vụ, tháng 12/1970, ông về nước và được đi học chuyên tu 2 năm. Sau khi học xong, ông được cử đi làm chuyên gia Cảnh vệ cho Bộ Nội vụ Lào. Năm 1983, ông lại trở về Cục Cảnh vệ, tham gia bảo vệ đồng chí Trường Chinh và các đoàn Quốc tế sang thăm Việt Nam...
Trong quá trình công tác, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Tự do do Chính phủ Lào tặng và nhiều huân, huy chương khác... Năm 1993, ông nghỉ hưu tại xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) với quân hàm Đại tá. Người đảng viên nay đã tròn 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng.
Viết Hùng
.