Ngay từ phút khai màn, hợp xướng “Lời Bác, lời của non sông” (sáng tác: Hữu Ước) do các ca sĩ Nguyệt Anh, Minh Đức và các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cùng dàn hợp xướng biểu diễn, đã thực sự lôi cuốn khán giả. Sự biểu cảm xuất sắc của hơn 500 diễn viên, nghệ sĩ đã khiến mỗi ca từ, mỗi nốt nhạc đều chứa chất tình cảm sâu nặng của người dân Việt Nam với vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, ba giọng ca vàng: NSND Quang Thọ, NSƯT Thành Vinh, NSƯT Ngọc Khang đã mang lại một không khí hào sảng với bài hát “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (nhạc: Chu Minh, thơ: Hoàng Trung Thông). Vẫn ca khúc ấy mà giữa không gian đầy ý nghĩa của buổi lễ, bỗng thấy dạt dào xen lẫn rưng rưng.
Không hổ danh một thế hệ ca sĩ kế tiếp của dòng nhạc thính phòng, các giọng ca trẻ, đầy nội lực, đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng: Đăng Thuật, Hoàng Tùng, Vũ Lợi cũng tạo nên dấu ấn mới trên nền ca khúc nổi tiếng: “Đường chúng ta đi” (thơ: Xuân Sách, nhạc: Huy Du). Màn múa của gần 50 diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với bàn tay biên đạo sáng tạo của NSƯT Ngọc Bích góp phần không nhỏ cho thành công của tiết mục. Các ca sĩ Hà Hoài Thu, Phương Mai, Hạ Trâm đã gợi nhắc bao ký ức bồi hồi về Hồ Chủ tịch qua bài hát “Suối Lênin” (thơ: Trần Văn Loa, nhạc: Phạm Tuyên) qua tiếng hát trong trẻo, rộn ràng cùng sự xuất hiện khá ấn tượng của tốp đàn tính.
Một số tiết mục trong Đại nhạc hội “Bác Hồ với đại đoàn kết dân tộc”. Ảnh: Thiện Hoàng. |
Xứng đáng là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc kinh điển, bằng tiếng hát giàu sức truyền cảm, ca sĩ Đăng Dương như mang theo cả ân tình của bà con Nam Bộ với Bác, với Thủ đô Hà Nội trong ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường). Sự sáng tạo của ca sĩ Anh Thơ đã thể hiện tròn đầy âm hưởng da diết đến nao lòng chất dân ca xứ Nghệ trong ca khúc “Trông cây lại nhớ tới Người” (Đỗ Nhuận), như tấm lòng người dân miền Trung với Bác. Ca sĩ trẻ Lê Mận cùng Nhóm Mây Trắng cũng thổi vào ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” (Thanh Phúc) vẻ đẹp trẻ trung và sôi nổi.
Chương trình Đại nhạc hội còn mang dấu ấn riêng, khi nhiều ca khúc của mỗi vùng miền, dân tộc lại được ca sĩ của chính địa phương, dân tộc đó thể hiện. Người con của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, NSƯT Vân Khánh, đã mang theo nỗi niềm thương nhớ của người dân quê Bác về trong ca khúc “Miền Trung nhớ Bác” (Thuận Yến). Các nghệ sĩ người Chăm: NSƯT A Mư Nhân, Thanh Pháp đã gây được ấn tượng mạnh qua ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” (A Mư Nhân) với phong cách diễn độc đáo trên sân khấu lớn giữa Thủ đô. Ba chàng trai người Tây Nguyên, cũng là ba ca sĩ nổi tiếng: Y Vol, Y Gari, Ploongthiet, đã làm nên sự hấp dẫn riêng qua phong cách biểu diễn đậm chất đại ngàn và giọng hát có lửa trong ca khúc “Bác Hồ sống mãi cùng Tây Nguyên” (Lê Lôi).
Là người con của mảnh đất phương Nam, ca sĩ Thanh Thúy tiếp tục lay động hồn khán giả với bài hát “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (Lưu Cầu), đưa người nghe chìm trong nỗi nhớ đằm sâu da diết của người dân phương Nam với Bác kính yêu, còn giọng hát vô cùng tinh tế và sâu lắng, đậm chất Nam Bộ của ca sĩ Đức Tuấn cũng chinh phục hoàn toàn khán giả qua “Bài ca nhớ Bác” (Xuân Quang). Với chùm ca khúc rất quen thuộc về Bác, các diễn viên nhí của Nhà văn hóa Thiếu nhi Ba Đình cùng ca sĩ Hoài Thu đã mang “lửa” cho đêm nhạc. Đặc biệt, khán giả còn được gặp gỡ với các chàng trai nước ngoài và các nữ ca sĩ Việt Nam trong một tiết mục đặc sắc: Bài hát “Người là Hồ Chí Minh” (Ewan MacColl). 2 ca khúc về lực lượng Công an: “Chúng tôi là chiến sỹ Công an” (Trần Gia Cường) và “Giữ trọn lời thề” (sáng tác: Phan Gia Liên) được Nhóm Phương Bắc và các ca sĩ Đoàn Ca múa nhạc CAND thể hiện rất thành công.
Màn hát múa sôi động mang tên “Liên khúc Vinh quang Việt Nam” với sự tham gia của hơn 500 diễn viên, nghệ sỹ, đã là một trong những màn kết thúc ấn tượng nhất mà khán giả đã được chứng kiến. Có thể nói, đêm nhạc “Bác Hồ với đại đoàn kết dân tộc” thực sự là món quà tinh thần giàu ý nghĩa, một chương trình nghệ thuật đích thực cả về âm nhạc lẫn thị giác dành cho khán giả, nhân sự kiện văn hóa quan trọng của lực lượng Công an