Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được thì Đề án vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Sở GD & ĐT Nghệ An thì tính đến thời điểm tháng 10/2012, toàn tỉnh có 1/20 huyện và 304/480 xã đã được công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Dự kiến đến hết tháng 12/2012 sẽ có thêm Cửa Lò, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, TP Vinh và đến hết năm 2013 sẽ có thêm 12 huyện, thị xã còn lại. Riêng 3 huyện miền núi cao là Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương sẽ có kế hoạch chỉ đạo sâu sát để phấn đấu hoàn thành sớm hơn so với lộ trình. Và mục tiêu của Nghệ An là sẽ hoàn thành PCGDMN 5 tuổi vào năm 2014.
Đầu năm 2011, UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công trên địa bàn Nghệ An. Chính điều này đã có tác động hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện việc PCGDMN.
Theo đó, hiện nay Nghệ An đã chuyển đổi 353 trường mầm non bán công sang công lập, tuyển dụng 5.864 cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế; hoàn thành kế hoạch mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho các đơn vị với tổng kinh phí là 84,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau khi đi thực tế, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất ở các cơ sở, Sở GD & ĐT đã tham mưu và trình UBND tỉnh ra quyết định về việc cho phép lập các báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng 5 trường mầm non thuộc các huyện: Hưng Nguyên, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương và xây dựng 107 phòng với mục đích xóa phòng học tạm, mượn, xuống cấp cho các lớp 5 tuổi trong toàn tỉnh với tổng số kinh phí là 101 tỷ đồng.
Đây thực sự là những nỗ lực lớn lao của ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, để việc PCGDMN 5 tuổi thực sự đạt được chất lượng tối ưu và có thể tiến đến hoàn thành mục tiêu trên toàn tỉnh vào năm 2014 thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải bàn.
Thực tế cho thấy điều kiện kinh tế - xã hội của Nghệ An đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đến công tác PCGDMN nói chung và PCGDMN 5 tuổi nói riêng: Địa bàn phức tạp, điều kiện đi lại khó khăn nên một số bản xa trung tâm có cháu 5 tuổi ít nên không thể tổ chức lớp mẫu giáo riêng. Điều này lí giải vì sao hiện nay cả tỉnh vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều lớp học ghép 2 - 3 độ tuổi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc, PCGDMN trẻ 5 tuổi.
Một lớp học cho trẻ 5 tuổi của Trường Mầm non Bình Minh (TX Cửa Lò)
Bên cạnh đó, ở thành phố, thị trấn và một số nơi đông dân cư do nhu cầu đến trường của trẻ tăng nhanh nên nhiều trường đã quá tải, sĩ số trẻ/nhóm, lớp vượt mức quy định ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Nhận thức về công tác phổ cập ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư cho mầm non; hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ở một số trường chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và các mục tiêu phổ cập. Công tác quản lý hộ khẩu của các địa phương chưa tốt dẫn đến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, do thời điểm điều tra và kiểm tra PCGDMN trẻ 5 tuổi không cùng thời điểm với các bậc học khác nên khó có sự thống nhất trong việc xử lý số liệu, kiểm tra, chỉ đạo.
Khi Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đi vào thực tiễn ở Nghệ An thì chúng ta dễ nhận thấy một trong những khó khăn, bất cập lớn nhất đó là vấn đề về cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đội ngũ giáo viên. Thông tư 32 của Bộ GD & ĐT có quy định rõ 4 điều kiện và 5 tiêu chí để công nhận PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Theo đó trường học ở các cơ sở phải có đủ phòng học đạt chuẩn theo hướng kiên cố, đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu.
Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị An - Phó phòng mầm non, Sở GD & ĐT Nghệ An cho biết: Hiện tại điều kiện về cơ sở vật chất của trường mầm non còn có nhiều hạn chế. Cụ thể, toàn tỉnh có 1.832 phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi nhưng trong đó chỉ có 1.035 phòng học kiên cố và vẫn còn 361 phòng mượn, tạm, xuống cấp; 416/1.832 lớp mẫu giáo 5 tuổi thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Hiện các trường mầm non mới chỉ có 4.169 phòng chức năng và còn thiếu so với quy định là 2.619 phòng; 2.503/3.489 phòng vệ sinh đạt yêu cầu.
Từ thực tế thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là sự tồn tại của một số lượng không nhỏ các phòng học tạm, mượn, xuống cấp nên dẫn đến việc ở nhiều nơi xảy ra tình trạng trạng sĩ số các lớp học mầm non 5 tuổi ở nhiều trường vẫn vượt mức so với quy định của phổ cập chuẩn. Tình trạng này khá phổ biến không những ở miền núi, vùng sâu vùng xa - nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, hạn chế mà thậm chí còn tồn tại ở nhiều trường ở các huyện đồng bằng, thành phố.
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về điều kiện cơ sở vật chất thì vấn đề nguồn nhân lực mà cụ thể ở đây là đội ngũ giáo viên vẫn chưa thể đạt đủ tiêu chuẩn trong Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Theo thống kê của Sở GD & ĐT Nghệ An: tính đến thời điểm tháng 5/2012, đối với giáo viên mầm non dạy lớp 5 tuổi thì toàn tỉnh có 2.743 người/1.832 lớp, trung bình là 1,5 giáo viên/lớp trong khi quy định chung là phải đạt 2 giáo viên/lớp bán trú 5 tuổi.
Bên cạnh đó, ngoài số lượng giáo viên thì định biên về cán bộ quản lý nhân viên phục vụ vẫn chưa được đảm bảo. Hầu hết các trường mầm non hiện nay chưa có đầy đủ nhân viên y tế, kế toán, người nấu ăn nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Dẫu biết rằng để thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi là sự trăn trở không riêng gì của Nghệ An mà còn là khó khăn chung của cả nước. Đây được xem là một chặng đường dài nhiều thử thách, cần có thời gian và sự đồng thuận, chung tay góp sức của các cấp, ban ngành có liên quan.
Nhưng thiết nghĩ, ngành GD - ĐT tỉnh nhà nên sớm đưa ra được nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể hơn nữa nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Có như thế mới mong muốn hoàn thành được mục tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào thời gian sớm nhất. Và trên hết là để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh nhà, đồng thời chuẩn bị cho trẻ ở độ tuổi này một bước đệm vững chắc khi các cháu tiếp cận với môi trường tiểu học.
Ngọc Anh
.