Dịp này, Nghệ An vinh dự có 13 cán bộ, giáo viên. Trong số 13 người được tôn vinh, thầy giáo Nguyễn Chí Hòa, trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh là giáo viên trẻ nhất được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
24 năm gắn bó trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Chí Hòa (SN 1966) là một người nghiêm túc, chỉn chu trong công việc. Là giáo viên trẻ dạy bộ môn Văn, thầy Hòa đang sở hữu một “gia tài” thành tích khiến nhiều người phải mơ ước.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống dạy học ở xã Thanh An, Thanh Chương, cả bố và mẹ đều theo nghề “gõ đầu trẻ” nên tình yêu, niềm đam mê với sự nghiệp trồng người đã sớm được hun đúc trong tâm hồn của thầy giáo trẻ. Ngày nhỏ thầy Hòa ước mơ theo đuổi hai nghề là nghề dạy học và nghề công an. Tuy nhiên, phần vì sức khỏe hạn chế, phần vì định hướng gia đình nên thầy quyết tâm theo nghiệp giáo dục.
Tốt nghiệp Đại học Vinh, khoá 1988 - 1993, thầy Nguyễn Chí Hòa vào công tác tại trường THPT Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau đó, thầy trở về TP Vinh nhận công tác tại trường THPT Hà Huy Tập cho đến nay.
19 năm công tác tại trường, thầy Hòa là giáo viên có tâm huyết, nghiêm túc, có ý thức trong nghề nghiệp, có uy tín và có tầm ảnh hưởng trong tổ Văn, được đồng nghiệp và các học sinh quý mến. Nhiều năm liền thầy là giáo viên giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sỹ thi đua cơ sở cấp tỉnh, được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bằng khen của Chủ tịch tỉnh và đang được đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Chí Hòa
Ngoài giảng dạy, thầy còn tham gia viết nhiều sách khoa học, cộng tác với các báo, tạp chí, mới đây thầy đã tham gia viết chương trình “Giáo dục địa phương” do Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An biên soạn.
Là giáo viên dạy Văn, thầy đã học hỏi, tìm nhiều phương pháp dạy mới để học sinh có hứng thú, tình yêu với môn học này. Với quan niệm học Văn là học làm người nên thầy Hòa luôn cố gắng truyền đạt kiến thức một cách hay nhất, dễ hiểu nhất để các em dễ cảm thụ, có ý thức tiếp nhận văn chương.
Trên cơ sở đó để uốn nắn, giáo dục, dạy các em những bài học làm người đó là những kỹ năng sống, cách giao tiếp ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Bởi thế, đối với học sinh, thầy Hòa không chỉ là một giáo viên mà còn là một người cha, người bạn của các em.
Những ngày mới về trường, thầy luôn ấp ủ ước mơ được làm nghiên cứu sinh. Tuy nhiên do điều kiện không cho phép nên thầy đành tạm gác ước mơ của mình để tiếp tục đứng trên bục giảng ươm mầm và gieo ước mơ ấy cho các thế hệ học trò.
Tốt nghiệp thạc sỹ, thầy tiếp tục gắn bó với mái trường và say sưa tìm hiểu, nghiên cứu những phương pháp dạy học mới. Đến nay thầy có 5 sáng kiến kinh nghiệm chủ yếu là những phương pháp dạy môn Văn và phương pháp giáo dục học sinh trong nhà trường. Trong đó, có 2 sáng kiến kinh nghiệm được giải A, 3 SKKN được giải B, 1 SKKN đã được giải thưởng Khoa học công nghệ năm 2010 và 1 SKKN vừa làm hồ sơ dự xét giải thưởng Khoa học công nghệ năm nay.
Năm 2011, thầy Hòa vinh dự được nhận giải thưởng Tài năng giáo dục của tỉnh. Tháng 10 vừa qua, thầy được Chủ tịch tỉnh trao tặng danh hiệu 5 năm lao động sáng tạo giỏi (2007 - 2012).
Nhận xét về thầy Nguyễn Chí Hòa, thầy Hoàng Minh Lương, Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập cho biết: Tính đến thời điểm này, trường THPT Hà Huy Tập vinh dự có 5 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú trong đó thầy Nguyễn Chí Hòa là nhà giáo trẻ nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này. Đây không chỉ là niềm vinh dự đối với thầy mà còn là niềm tự hào của nhà trường. Thầy luôn biết cách tích lũy kinh nghiệm, có niềm đam mê và tâm huyết với nghề, vì thế thầy rất có uy tín và có tầm ảnh hưởng trong tổ cũng như các giáo viên khác.
Tại ngôi trường này, thầy Hoà đã chứng kiến biết bao thế hệ học trò trưởng thành. Điều đặc biệt hơn, tại nơi đây thầy đã tìm được “một nửa” của mình. Tình yêu với văn chương đã đưa thầy và cô giáo Hoàng Hồng Lương đến và gắn bó với nhau. Cô Lương cũng là giáo viên dạy giỏi Văn của tỉnh.
Chia tay chúng tôi, thầy Hòa không quên chia sẻ những trăn trở của mình: “Với xu thế phát triển và hội nhập của cuộc sống hiện đại, nhiều người đã không chọn môn Văn để theo đuổi, phát triển, thầy không buồn vì điều đó và hoàn toàn ủng hộ các em. Điều làm thầy buồn là nhiều học trò, nhiều người không có ý thức học Văn, không quan tâm đến môn học này, điều đó vô tình đã làm các em đang dần quên đi cách học làm người”.
Huyền Thương
.