Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24084-bieu-tuong-dat-hoc-tro-thanh-phe-tich-394292/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24084-bieu-tuong-dat-hoc-tro-thanh-phe-tich-394292/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Biểu tượng đất học trở thành phế tích - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 12/11/2012, 08:30 [GMT+7]
24084

Biểu tượng đất học trở thành phế tích

Văn miếu Nghệ An (hay còn gọi là Văn thánh Vinh) được xây dựng vào năm 1803 thuộc địa phận xã Yên Dũng, tổng Yên Trường (nay là phường Hồng Sơn, TP Vinh) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Văn An và các bậc hiền triết đã có công sáng lập, truyền bá và phát triển Nho giáo và những người đỗ đạt cao. Đồng thời đây cũng là nơi đón tiếp các vị khoa bảng của tỉnh nhà về vinh quy bái tổ, tổ chức bình thơ văn.
 
Do đó, bên cạnh việc mang giá trị lịch sử lâu đời, Văn miếu Nghệ An còn có giá trị giáo dục to lớn, là biểu tượng cho vùng đất hiếu học từ bao đời của người dân xứ Nghệ. Là nơi ghi dấu những bậc thầy nhiều tài năng và tâm huyết đã đào tạo nên những học trò tài giỏi và ưu tú trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xưa kia Văn miếu tọa lạc trên diện tích 22.000m2, với nhiều công trình kiến trúc có giá trị như: Tam quan, nhà Bái đường, thượng điện, nhà tả vu, hữu vu, giếng Thiên Tĩnh, nhà bia, khuê văn các. Nội thất của Văn miếu lưu giữ nhiều hiện vật bằng gỗ, đá, đồng, gốm sứ… có giá trị lịch sử, mỹ thuật vô cùng đậm nét.
 
Tuy nhiên, trải qua những biến động thăng trầm của thời gian, Văn miếu Nghệ An nay đã trở thành phế tích với cỏ cây bao phủ, rác thải và bụi bẩn xâm lấn một cách nghiêm trọng. Dấu tích còn sót lại đến ngày nay là nhà hậu cung 5 gian. Một số hiện vật quý của Văn miếu như: bài vị, chuông đồng, đại tử, câu đối đang được lưu giữ tại đền Hồng Sơn, TP Vinh.
 
 
Những gì còn sót lại của Văn miếu Nghệ An
 
Hiện tại, Văn miếu đã bị thu hẹp rất nhiều so với diện tích cũ ban đầu và nằm chìm khuất trong khuôn viên của Công ty Cổ phần In Nghệ An với một hiện trạng đáng buồn. Biểu tượng tráng lệ, thanh cao một thời của vùng đất học nay đã bị bụi thời gian phủ lấp. Văn miếu bây giờ chỉ còn lại toà Đại bái 5 gian, 9 cột gỗ lim cũ kỹ và mục nát được dùng làm nhà kho cho Công ty Cổ phần In Nghệ An.

Trước thực trạng đau lòng đó, ước mong phục dựng, tôn tạo lại Văn miếu để gìn giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa, góp phần tôn vinh truyền thống hiếu học của xứ Nghệ đang là nguyện vọng chính đáng, là ước mơ, khát vọng cháy bỏng của chính quyền các cấp và người dân địa phương.
 
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế và ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà chuyên môn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thống nhất với đề nghị với Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh và đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho chủ trương lập dự án đầu tư, phục hồi, tôn tạo di tích Văn miếu Nghệ An tại khu vực đất quy hoạch gồm toàn bộ đất của Công ty Cổ phần In Nghệ An và một số hộ dân liền kề thuộc địa bàn phường Hồng Sơn, TP Vinh.
 
Ông Phan Văn Hùng - Phó ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh cho biết: “Mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, từ bao đời nay Văn miếu đã là biểu tượng cho tinh thần và truyền thống hiếu học của nhân dân xứ Nghệ. Nhận thức được điều đó nên việc phục hồi, tôn tạo và phát huy những giá trị của Văn miếu càng trở nên quan trọng và cấp bách. Đây là nguyện vọng thiết tha của nhân dân, đồng thời cũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và các ban ngành có liên quan”.

Tuy nhiên, việc phục hồi, tôn tạo di tích Văn miếu Nghệ An với nhiều hạng mục di tích gốc và xây dựng mới đến nay vẫn đang còn nằm chờ trên văn bản giấy tờ vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là một trong những vấn đề nan giải và gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí đầu tư.
 
Được biết, nếu đề án được thực thi và để di dời 14 hộ dân còn nằm trên diện tích của Văn miếu đến khu tái định cư mới thì phải cần đến một số tiền khổng lồ. Đồng thời phải hoàn thành công tác đền bù, chọn vị trí, địa điểm mới cho một số công trình khác nên để hiện thực hóa được dự án phục hồi, tôn tạo Văn miếu Nghệ An là một điều không hề dễ dàng.

Bên cạnh những khó khăn đó thì có một thực tế mà chúng ta vẫn phải thừa nhận là hiện nay Văn miếu Nghệ An vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý, chưa được xếp hạng di tích do chưa đủ điều kiện. Cũng theo ông Phan Văn Hùng thì việc lập hồ sơ đã hoàn thành nhưng công tác đo đạc, chụp ảnh lại gặp rất nhiều khó khăn do hiện trạng của Văn miếu đã thay đổi quá nhiều so với ngày xưa. Một khi việc bảo tồn, phục dựng và tôn tạo được hoàn thiện thì Văn miếu mới có thể đạt đủ tiêu chuẩn để xếp hạng di tích theo Luật di sản.

Đến nay, biểu tượng thanh cao của vùng đất học vẫn nằm chìm khuất, ẩn dật và mờ nhạt trong vòng quay náo nhiệt, ồn ào, tấp nập của thành Vinh. Khi được hỏi về Văn miếu Nghệ An, nhiều bạn trẻ lắc đầu không biết, có chăng thì một số biết sơ sơ qua tài liệu sách vở. Còn những bậc cao niên ở phường Hồng Sơn từng chứng kiến một thời tráng lệ của Văn miếu thì lại dõi ánh mắt ra xa đầy ngậm ngùi, tiếc nuối.
 
Dẫu biết rằng để phục hồi, tôn tạo Văn miếu là một điều không dễ dàng bởi còn nhiều khó khăn vướng mắc nhưng khát khao phục dựng vẫn còn cháy bỏng theo bước đi thăng trầm của thời gian. Mong rằng người dân Nghệ An sẽ sớm được chiêm ngưỡng lại biểu tượng đất học để có thể lưu truyền và giáo dục thế hệ mai sau về truyền thống hiếu học của xứ Nghệ và trên hết là để tôn vinh và tự hào…

Ngọc Anh - Phan Tuyết
.