Về cái bệnh "quan cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập ở nhiều nơi, trong nhiều buổi nói chuyện. Đối với Nghệ An, Bác đã nhấn mạnh nhiều lần.
Sau khi tuyên bố nước Việt Nam độc lập được 15 ngày, Bác đã có "thư gửi các đồng chí tỉnh nhà" vào ngày 17/9/1945 "lấy danh nghĩa một đồng chí già" ân cần nêu ra “những khuyết điểm to nhất”. Bác viết: “Cán bộ ta nhiều người cung cúc tận tụy, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư…”.
Ngày 15/6/1957, trong dịp về thăm quê lần thứ nhất, tại cuộc gặp mặt cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, Bác nói: “Càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác, chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì”.
Trong dịp về thăm quê lần thứ hai, khi gặp gỡ cán bộ và xã viên hợp tác xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) ngày 10/12/1961 Bác lại nói: “Phải nhớ rằng Đảng ta không phải Đảng làm quan”.
Chúng ta hiểu “quan” là những viên chức có quyền hành trong bộ máy phong kiến thực dân. Bên cạnh một số ít quan có lòng yêu nước thương dân, gần gũi nhân dân, sống thanh liêm thì các quan ngày xưa là một tầng lớp cai trị dân, có quyền hành sát phạt dân, có nhiều hành vi ức hiếp, đè nén nhân dân.
Với Bác, làm lãnh đạo cần phải gần dân, hiểu dân
Được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, cán bộ, đảng viên ta phần lớn “cung cúc tận tụy” phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, làm người công bộc, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tuy vậy, đã có không ít người mắc chứng bệnh “làm quan” và phải chăng trong thời gian qua bệnh “làm quan” đang có xu hướng phát triển.
Những người mắc bệnh “làm quan” mang nặng tư tưởng trục lợi cá nhân, việc gì, chức gì dễ “ăn”, dễ “phất” thì nhảy xô vào. Từ đó mà sinh ra tham nhũng, lãng phí, sinh ra bệnh địa vị, tranh chức, tranh quyền, gây nên mất đoàn kết nội bộ. Tư tưởng của những ông “quan” là khinh thường nhân dân, bỏ qua quyền lợi chính đáng của nhân dân, “quay lưng” lại với dân.
Báo chí đã từng nêu lên những vị “quan” lợi dụng chức quyền vẽ ra những bản đồ quy hoạch giả tạo để ngoạm số tiền thu hồi đất hàng trăm triệu đồng. Họ lập ra những hồ sơ giả, cấu kết với “quan trên” để tham ô, chia chác đất công. Có ông "quan xóm", "quan xã", "quan huyện" đánh đập người dân tại công đường, không chỉ một lần mà mấy lần. Có những vị "quan" đã xơi cả tiền phụ cấp đối với gia đình chính sách.
Có nơi các "quan" đã ra lệnh cưỡng chế thu hồi đất của dân một cách trái pháp luật, không quan tâm giải quyết việc làm và đời sống của dân, nhân dân bức xúc, bất bình, khiếu kiện kéo dài. Có những “dự án ngầm”, ngoắc tay nhau theo “nhóm lợi ích”, đó là biểu hiện tệ hại nhất về suy thoái tư tưởng chính trị.
Những người bị bệnh "làm quan" thường làm việc trên giấy tờ, ra chỉ thị này, mệnh lệnh khác. Họ tỏ ra quan dạng, bệ vệ, "sáng vác ô đi, tối vác ô về". Họ ưa ăn ngon, mặc đẹp, ưa chuộng hình thức, phô trương hình thức hão huyền, bày ra ăn uống linh đình, tiệc tùng bừa bãi. Cơ sở nào, địa phương nào đón tiếp trọng hậu thì họ đánh giá là có phong trào tốt. Họ ưa khen mà không ưa những lời phê bình thẳng thắn, trung thực. Họ tìm cách bưng bít khuyết điểm, không chịu tự phê bình để sửa chữa, thậm chí còn tìm cách đối phó với những người góp ý phê bình.
Trong số người mắc bệnh "làm quan", xét đến cùng đều là tham nhũng, là những quan tham. Tuy là số ít nhưng khi đã nắm được chức quyền, tư tưởng và phong cách của họ có tác dụng chi phối rất lớn, gây nên bao nhiêu tác hại. Dân mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước, chủ yếu là vì số này.
Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải gắn liền với cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn liền với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí. Bởi vậy phải đặc biệt coi trọng đấu tranh khắc phục bệnh "làm quan", kiên quyết xử lý nghiêm túc những người vi phạm nghiêm trọng. Cần đưa ra khỏi Đảng những đảng viên vi phạm làm bôi nhọ danh dự và uy tín của Đảng, của “1 bộ phận không nhỏ” qua kiểm điểm lần này.
Hà Văn Tải
.