Xét về ý nghĩa thì câu cá được liệt kê vào những thú vui “lành” và tao nhã. Với một chiếc cần, một ổ mồi, cần thủ có thể ngồi cả ngày mà không biết chán. Và, tham gia vào giới cần thủ mới hiểu được điều họ gặt hái được không phải là những con cá dưới ao bèo mà là sự thư thái cần thiết, là những giây phút “tạm dừng - pause” giữa xã hội đang thay đổi từng ngày, từng giờ.
Thế mới hiểu thêm vài phần tâm trạng của Nguyễn Khuyến khi “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo” (Thu điếu). Hầu hết các cần thủ đều khẳng định: Câu cá không phải để bắt cá mà thực chất là để có những giây phút xả stress, cân bằng cuộc sống. Lúc ngồi câu, người ta quên hết những vất vả lo toan về cơm áo gạo tiền, về những bon chen, những cạnh tranh trong cuộc sống. Câu cá rèn cho mọi người tính kiên nhẫn, biết chờ đợi và biết nắm bắt cơ hội. Đó là những đức tính rất cần trong công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.
Ở Vinh, nơi tập trung đông cần thủ nhất là Hội Câu cá Nghệ An mà “đại bản doanh” là website caucanghean.com. Đây là diễn đàn nơi các thành viên trao đổi kinh nghiệm câu kéo cũng như chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Đến thời điểm này, diễn đàn này đã có gần 500 thành viên, phần lớn là cán bộ công chức trên địa bàn Nghệ An hoặc là người Nghệ xa quê, tham gia để thỏa mãn đam mê câu cá và tìm hiểu thêm thông tin về quê nhà.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn An (nick name An lucky) cho biết: Mục đích của diễn đàn là để chia sẻ. Vì vậy, diễn đàn đã có nhiều hoạt động giao lưu cũng như kêu gọi thành viên tham gia từ thiện. Hiện nay, các thành viên đang tích cực quyên góp quần áo, sách vở và tiền để giúp đỡ trẻ em vùng nghèo khó…
Nếu như ngày xưa câu cá bằng cần trúc, sợi cước, phao lông gà, lưỡi sắt tự mài thì bây giờ đồ câu và phụ kiện câu cá càng phong phú, đa dạng. Đó là cần câu bằng sợi các-bon tổng hợp, là máy câu có rô-tơ bằng chất liệu không rỉ, là hệ thống phao câu từ nhỏ đến lớn, là mồi câu có đầy đủ các hương vị để dụ cá đến; thậm chí là những chiếc cano điều khiển từ xa có giá tiền triệu để thả mồi ở những vị trí xa bờ…
Nhiều cần thủ đầu tư cano điều khiển từ xa tiền triệu để thả mồi
Ở Nghệ An, đang thịnh hành 2 hình thức câu là câu đài (câu đơn truyền thống) và câu lục. Trong đó, câu bằng lưỡi lục là phổ biến hơn cả. Đây là cách câu dùng lưỡi chùm (thường là 6 lưỡi) thả trên một ổ mồi (thính), đợi con cá đi qua, vướng vào dây câu rồi giật lên. Các lưỡi nhỏ trên lưỡi lục sẽ vướng vào bất kì bộ phận nào của con cá, lúc đó, cần thủ tiến hành dòng (rê) cá vào bờ.
Theo những người câu kiểu này lâu năm thì cách câu này có thể bỏ qua những con cá nhỏ, chỉ những con cá lớn kéo chìm phao mới giật lên. Từ đó, giúp cho cá nhỏ không bị thương và vẫn có thể sinh trưởng, phát triển bình thường. Với cách này, nhiều cần thủ “sát cá” đã bắt được những con cá có trọng lượng vài chục kg.
Thú chơi câu cá phát triển cũng là dịp để các cửa hàng bán đồ câu mọc lên rất nhanh. TP Vinh hiện có khoảng 10 cửa hàng bán đồ câu nằm rải rác ở các tuyến đường. Hàng hóa đa dạng, đủ mọi xuất xứ, từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Nhật Bản và cả Mỹ; hàng mới cũng lắm mà hàng cũ (second hand) cũng nhiều. Giá cũng “thượng vàng hạ cám”; có loại cần câu chỉ vài chục nghìn, có loại tiền triệu; máy câu cũng có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng...
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các cần thủ, nhiều chủ cửa hàng đồ câu còn tự chế nhiều loại “hàng độc” như phao câu đêm, phao nước chảy; mồi câu chép, mồi câu trắm, mồi câu mè… Trong chuỗi cửa hàng ở Vinh thì shop đồ câu Khánh Hòa ở số 6, đường Lê Huân là điểm được các cần thủ thường xuyên ghé thăm.
Câu cá phát triển cũng là dịp để các cửa hàng bán đồ câu ăn nên làm ra
Chủ cửa hàng này là một phụ nữ thuộc thế hệ 8x. Tuy là phận nữ nhi nhưng bà chủ này thường xuyên cập nhật những thông tin và những mặt hàng mới nhất trên thị trường đồ câu. Bên cạnh đó, chủ shop thường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm những chuyến đi câu của các cần thủ, nên nhiều người đến đây cũng là để tìm hiểu về địa điểm câu cũng như những kỉ lục câu kéo.
Tuy nhiên, theo Hùng Màu - một cần thủ có tiếng “sát cá” thì của hàng Khánh Hòa đông khách là vì có bí quyết trộn mồi câu. Hầu hết mọi người chọn mồi câu ở đây, khi trở về đều có “chiến lợi phẩm”, chứ không “móm”…
Giới cần thủ ở TP Vinh vẫn vui gọi nhau bằng danh từ chung là “cụ”. Mỗi “cụ” có một công việc khác nhau, tính cách khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng đều chung một mục đích: chia sẻ đam mê câu cá - một thú vui tao nhã nhưng cũng lắm công phu!
Bình Nguyên
.