Anh đã đốt cháy ngọn lửa đam mê đến thế hệ trẻ. Người chúng tôi muốn nhắc tới là anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1970), cán bộ văn hóa xã Bồi Sơn.
Chuỗi ngày tuổi thơ được theo bà đi nghe hát ghẹo, đòi cha đi nghe ca trù, dân ca đã ăn sâu trong tiềm thức của cậu bé Cường từ những ngày đó. Khúc hát dân ca, điệu hò câu ví cứ lôi cuốn anh đến kỳ lạ, như một mối lương duyên được sắp đặt từ trước.
Theo bà, theo cha đi nghe rồi học lỏm. Ngày ấy, trong ngôi nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng hát, điệu hò, câu ví. Là con cả trong gia đình có 4 anh chị em, cha mất sớm nên anh Nguyễn Mạnh Cường là trụ cột trong gia đình, thay cha chăm sóc các em.
Điều kiện khó khăn, anh không thể theo đuổi ước mơ được đến trường. Sống nơi làng quê yên bình, hội tụ những giá trị văn hóa lịch sử, anh vẫn đam mê cháy bỏng với khúc hát sâu nặng nghĩa tình. Vừa hát anh Cường vừa tự mày mò học đánh các loại nhạc cụ dân tộc như: Đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị, sáo, gita... đến nay, anh sử dụng thành thạo tất cả các loại nhạc cụ.
Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Cường say sưa đàn hát
Không chỉ say mê với đàn hát, anh Cường còn say mê tìm hiểu, sưu tầm vốn dân ca, ví giặm xứ Nghệ cổ. Để phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa, anh Cường đã lặn lội về các huyện như Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn... gặp trực tiếp các cao niên để được nghe và ghi chép lại.
Nặng tình với khúc hát dân ca, năm 1994, anh Mạnh Cường được bà con nhân dân xã Bồi Sơn tín nhiệm bầu làm cán bộ văn hóa xã. Đấy là quãng thời gian anh có cơ hội để thể hiện và phát huy giá trị dân ca, ví giặm xứ Nghệ.
Từ sự nhiệt tình tâm huyết anh đã thành lập nhóm đàn hát dân ca với 30 thành viên đủ mọi lứa tuổi đến tham gia. Nhóm đàn hát dân ca xã Bồi Sơn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện. Trưởng nhóm Nguyễn Mạnh Cường, từ việc tìm hiểu các làn điệu dân ca đến tập sáng tác.
Từ những câu hát đối, hát vè, hát giặm, hát cho vui tai rồi những làn điệu tác phẩm được anh lựa chọn biểu diễn trên sân khấu cấp huyện, cấp tỉnh, trung ương. Ngoài khả năng sáng tác anh còn dàn dựng các vở hoạt cảnh như: “Vì bình yên cuộc sống của tôi”, “Ai giỏi hơn ai”, “Con gà trống”... Đến nay anh có trên 40 tác phẩm tự biên tự diễn được công chúng đón nhận và đạt giải cao.
Anh Mạnh Cường cho biết: “Dân ca là nét văn hóa đặc trưng vùng miền. Xã Bồi Sơn có đền Quả Sơn, di tích lịch sử nhưng cũng gắn liền với dân ca, diễn xướng mà cha ông xưa để lại. Phát huy giá trị ở trong dân gian, tô vẽ hình ảnh của người lao động, mình đã tìm tòi, sưu tầm lại các hoạt động diễn xướng trong không gian lễ hội thông qua các làn điệu dân ca xứ Nghệ cổ. Làm thế nào để bà con nhân dân hiểu được giá trị văn hóa vốn có của nó”.
Tuổi trẻ năng động, đa tài, anh Nguyễn Mạnh Cường được rất nhiều người con gái trong làng ngưỡng mộ, thầm thương trộm nhớ. Chị Lương Thị Hải (SN 1975), vợ anh chia sẻ: “Ngày ấy, theo bạn bè đi nghe hát, mình rất ấn tượng với chàng trai làng đàn hay, hát giỏi, rồi thầm yêu lúc nào không hay”. Lập gia đình năm 1995, đến nay anh chị đã có hai đứa con, một trai một gái cũng đều rất đam mê dân ca như anh.
Hiện nay phong trào văn hóa văn nghệ nói chung và nhóm đàn hát dân ca xã Bồi Sơn nói riêng được người dân biết đến thông qua các hội diễn văn nghệ với nhiều giải thưởng cao.
Gần đây nhất, tại Liên hoan dân ca, ví giặm tỉnh Nghệ An lần thứ 1 cụm III, nhóm đàn hát dân ca xã Bồi Sơn đạt giải Ba, bản thân anh Nguyễn Mạnh Cường với tiết mục diễn xuất sắc “Chung một chuyến đò”, anh được nhận giải A.
Mưa thu đang dầm trên mái ngói, trong căn phòng nhỏ bé của anh chị vẫn dạt dào khúc hát dân ca, vẫn réo rắt bởi tiếng đàn bầu. Với anh Cường, giờ đây còn rất nhiều trăn trở, mong muốn được thành lập một Câu lạc bộ dân ca Bạch Ngọc liệu có quá xa vời hay không?
An Nhiên
.