Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201206/21271-dau-dau-mot-tam-nguyen-cuoi-cuoc-hanh-trinh-396479/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201206/21271-dau-dau-mot-tam-nguyen-cuoi-cuoc-hanh-trinh-396479/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đau đáu một tâm nguyện cuối cuộc hành trình - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 29/06/2012, 07:50 [GMT+7]
21271

Đau đáu một tâm nguyện cuối cuộc hành trình

 PGS Ninh Viết Giao chia sẻ rằng, ông yêu và say câu ví, giặm từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Và cho đến tận bây giờ, khi đã có mấy chục đầu sách viết về vốn tài sản phi vật thể quý báu đó, khi mà tuổi đã cao, sức đã yếu thì ông vẫn còn muốn đeo đẳng với “cơ duyên trời định” này…
 
Chàng trai xứ Thanh và “cái duyên” với vùng đất Nghệ
Tôi đến thăm PGS Ninh Viết Giao vào một ngày cuối tháng 6 trời trở gió, thời tiết thay đổi cùng với tuổi già khiến ông mệt mỏi hơn ngày thường. Ấy thế mà khi tôi bày tỏ ý định tìm hiểu về dân ca ví, giặm đôi mắt ông lại sáng lên vẻ rạng ngời.
 
Trong câu chuyện dù đôi lúc ngắt quãng, tôi vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc của một người mà cả cuộc đời nặng lòng với câu hát của cha ông.
 
PGS Ninh Viết Giao sinh ra tại miền quê nghèo thuộc xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Văn khoa Hà Nội khóa đầu tiên. Thầy giáo dạy Văn đã định hướng cho ông rằng, ở lại Hà Nội thì nghiên cứu về Văn học hiện đại, còn nếu về các địa phương thì nên nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian.
 
Mang theo trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng đam mê đối với những giá trị truyền thống, chàng trai trẻ Ninh Viết Giao đã quyết định về với mảnh đất Nghệ An gió Lào cát trắng bỏng rát.
 
Tại đây, ông đã dạy học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng từ năm 1956 - 1961, sau đó ông tham gia dạy ở một số trường rồi chuyển sang công tác tại Sở GD&ĐT Nghệ An. Năm 1991, ông là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An cho đến bây giờ.
 
Thời kỳ dạy học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng là thời gian ông khởi đầu nghiệp sưu tầm và nghiên cứu về vốn văn hóa dân gian. Bắt nguồn từ sự đam mê nhưng ông lại bảo đó chính là cái nghiệp, cái duyên đối với đất và người xứ Nghệ.
 
PGS Ninh Viết Giao
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở nên ác liệt, công việc của ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, ông nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ tận tâm của những người dân lao động. Rồi cả học trò của ông nữa, những thế hệ học trò của ngôi trường ấy dường như được ông thắp lửa đối với tình yêu dân ca ví, giặm.
 
PGS Ninh Viết Giao bảo, nếu trong cuộc hành trình của ông không có sự hậu thuẫn, giúp đỡ của những tấm lòng xứ Nghệ thì chắc chắn một mình ông sẽ không bao giờ có được những đầu sách hay, những công trình có giá trị lâu bền với thời gian.
 
Hai năm sau khi ra trường, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên với tên gọi “Câu đố Việt Nam” (1958). Đến năm 1961, ông tiếp tục cho ra đời cuốn sách “Hát phường vải” và sau đó nữa là cuốn “Hát dặm Nghệ Tĩnh” (viết chung với tác giả Nguyễn Đổng Chi).
 
Càng đi sâu vào sưu tầm, nghiên cứu ông càng say mê với tình yêu thiết tha, cháy bỏng. Dân ca ví, giặm vốn bắt nguồn từ nhân dân, hay nói cách khác, ngọn nguồn của dân ca ví, giặm là nhân dân lao động. Ngày đó, xứ Nghệ còn nhiều lắm những nhà nho, trí thức và cả những người nông dân chân lấm tay bùn ngân nga những câu hò, điệu ví.
 
Chính họ là những kho tư liệu sống quý báu giúp PGS Ninh Viết Giao có thêm nhiều kiến thức phong phú về loại hình nghệ thuật này. Để có được những công trình nghiên cứu và những đầu sách hay về vốn văn hóa dân gian quý báu là cả quãng thời gian ông miệt mài, say mê. Một mặt, ông nhờ học trò của mình sưu tầm tài liệu vốn có. Mặt khác, ông “lăn lộn” vào cuộc sống của nhân dân lao động, ông trực tiếp ăn ở, sinh hoạt với họ để mắt thấy tai nghe những câu hát vang lên từ chính những con người bình dị, chân chất.
 
Ông đã tìm về với làng Kim Liên - Nam Đàn, là cái nôi đầu tiên của hát ví phường vải ở Nghệ An để tìm hiểu, khai thác những ngóc ngách của câu ví, giặm. Trên chiếc xe đạp cọc cạch và chiếc đèn pin cũ kỹ, trong khói đạn chiến tranh, bánh xe vẫn lăn đều trên những chặng đường gian khó.
 
Ông có mặt ở hầu hết những làng quê từ miền núi cho đến đồng bằng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đi đến đâu ông cũng được người dân lao động chào đón, mến yêu và giúp đỡ. Chính những tình cảm quê hương hồn hậu đó đã tiếp thêm sức mạnh để ông đi tiếp chặng đường.
 
Tâm nguyện cuối cuộc hành trình
Đến thời điểm hiện tại, PGS Ninh Viết Giao đã có gần 50 cuốn sách cả viết riêng và viết chung về vốn văn hóa dân gian, trong đó những câu hò, điệu ví Nghệ Tĩnh đóng vai trò quan trọng và không lẫn vào bất cứ nơi đâu.
 
Cuộc hành trình của chàng trai xứ Thanh trên đất Nghệ là cuộc hành trình của thời gian, công sức và trên hết là sự say mê, tâm huyết. Với những cống hiến to lớn đó, năm 2001 ông vinh dự được nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cụm công trình: Hát phường vải (1961), về Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (1982) và Địa chỉ văn hóa Quỳnh Lưu (1998). Ông hai lần được nhận Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba về VHNT.
 
Trong căn hộ nhỏ ở khu tập thể C3, phường Quang Trung, TP Vinh là một kho tàng sách và tài liệu. PGS Ninh Viết Giao tỉ mỉ, mân mê những trang tài liệu cũ kỹ là chứng tích trong cuộc hành trình tìm về với cội nguồn dân tộc.
 
Trong câu chuyện với tôi, thỉnh thoảng ông lại ngân lên những câu hò, điệu ví đầy cảm xúc. Ông bảo, giờ đã đi gần hết cuộc hành trình, không có tâm nguyện nào hơn ngoài việc mong sao có một người đủ tâm huyết để tiếp bước sự nghiệp của mình.
 
Ông vẫn mang trong mình trăn trở phải làm sao để những giá trị truyền thống của đất Nghệ sẽ còn mãi với thời gian. Giờ đây dù đã ở vào cái tuổi 80, sức khỏe đã yếu đi nhiều và một cánh tay đã không còn cử động được nhưng ngày đêm ông vẫn miệt mài nghiên cứu về cái hay, cái đẹp của dân ca ví, giặm. Trên bàn làm việc là tập “Nghệ An toàn chí” vẫn còn dang dở đợi chờ ông viết tiếp.
 
Chia tay PGS Ninh Viết Giao trong buổi chiều nhạt nắng, tôi mang theo niềm cảm phục lớn lao về tâm hồn cao cả của một con người. Lật giở trang sách trong cuốn sách mà ông đề tặng, tôi còn nghe rõ tiếng lòng của những học trò tôn kính ông: “Có niềm vui cao cả nào hơn/ Khi Thầy với nhân dân trở thành máu thịt/ Lưu một câu ca, ngôi đền, trang thần tích/ Giữa đạn bom, giành giật với thời gian…” .

Ngọc Anh - L.H
.