Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201206/21136-dang-nguoi-cau-hat-dan-ca-396564/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201206/21136-dang-nguoi-cau-hat-dan-ca-396564/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dâng Người câu hát dân ca - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 25/06/2012, 08:04 [GMT+7]
21136

Dâng Người câu hát dân ca

Đây là chủ đề của đêm khai mạc Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ 2012 được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh tối 23/6 vừa qua. Mỗi bài ca với những nhịp điệu và tiết tấu phong phú với những hình tượng đặc sắc, tế nhị, sinh động duyên dáng gắn bó với những kỷ niệm thân thương, gợi nhớ những tình cảm trìu mến với quê hương làng bản; gắn chặt với phong tục tập quán của từng vùng miền. Dân ca xứ Nghệ ngân vang lắng đọng trong hồn người cũng bởi nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm. 
 
Đọc diễn văn khai mạc liên hoan, đồng chí Hồ Đức Phớc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Dân ca là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý báu, từ bao đời nay đã trở thành máu thịt, thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người dân xứ Nghệ.
 
Nối tiếp từ nhiều thế hệ, người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca trong đời sống sinh hoạt cộng đồng... Liên hoan lần này là dịp tôn vinh vẻ đẹp và các giá trị độc đáo của dân ca ví, giặm xứ Nghệ, là hoạt động xúc tiến để trình UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm xứ Nghệ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần phải được bảo vệ.
 
Chương trình nghệ thuật "Ví, giặm - Lung linh hồn quê xứ Nghệ" hoành tráng, sâu lắng        
 
Sau diễn văn khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng mang chủ đề "Ví, giặm - Lung linh hồn quê xứ Nghệ", kịch bản Nhà viết kịch Vũ Hải do tập thể ca sỹ, nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ Nhà hát dân ca Nghệ An, Đoàn ca múa Nghệ An, Đoàn ca múa QK4, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Trường múa Việt Nam và Trường CĐ VHNT, CĐSP Nghệ An biểu diễn.
 
Đây là tác phẩm nghệ thuật được kết hợp giữa loại hình nghệ thuật ca - múa - nhạc và hoạt cảnh sân khấu mang nét đặc trưng của vùng đất xứ Nghệ và văn hóa Việt. Chương trình nghê thuật "Ví, giặm - Lung linh hồn quê xứ Nghệ" thể hiện liên tục với những trường đoạn diễn xuất hoành tráng, được cấu trúc theo hệ thống phức điệu hình tượng, khắc họa nhiều hình tượng nghệ thuật trên cùng một trường đoạn âm nhạc.
 
Mở đầu bằng khúc dân ca: Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ/ Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu/ Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thửa vui sầu/ Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng. Những câu ca trên vừa dung dị, trữ tình vừa gợi nhớ, gợi thương với hồn người xa quê, để không nguôi ước mong một lần được nghe câu hò ví, giặm thấm đượm tình người, tình đất của xứ Nghệ... Dân ca là bản sắc của mỗi vùng quê, riêng mảnh đất xứ Nghệ, những điệu dân ca dường như là tâm hồn, diện mạo, cốt cách của người dân nơi đây.
 
Trong lao động, người dân xứ Nghệ đã sáng tạo ra thể hát ví đặc sắc. Ví có nhiều loại như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, phường chè, ví đồng ruộng, ví ghẹo... Ví thuộc thể ngâm vịnh bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể..), có lối hát tự do, co giãn một cách ngẫu hứng, âm điệu cao thấp, ngắn dài tùy thuộc vào lời thơ, ca từ...
 
Công tác an ninh trong đêm khai mạc được đảm bảo tuyệt đối
 
Dân ca xứ Nghệ quyến rũ hồn người với câu ví giặm (Mời trầu). Thâm trầm nhưng cảm động của lời hát ru (Phụ tử tình thâm) và cả cái thông minh hóm hỉnh (Bần hát ghẹo mênh mông) cùng điệu hò trên sông (Nhớ người em đứng trông trăng) và trĩu nặng nỗi niềm (Giận thương). Mỗi điệu hát, một nỗi niềm, với một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều tha thiết lắng đọng, mộc mạc chân chất như chính hồn quê.
 
Cùng với dân ca, ví trong lao động, sinh hoạt đời thường, người dân xứ Nghệ cũng sáng tạo ra thể hát giặm đặc sắc. Đây là thể hát nói bằng thơ ngụ ngôn (thơ vè 5 chữ), giặm có nhiều làn điệu như giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm vè, giặm nối, giặm xẩm... Không giống với ví, thể hát giặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội, nhịp ngoại. Hát giặm giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày; cũng có loại giặm dí dỏm, khôi hài, châm biếm, trào lộng, lại có cả giặm trữ tình giao duyên...
 
Nghĩ về xứ Nghệ là nghĩ tới núi Hồng, sông Lam, về xứ Nghệ là về với quê hương ví giặm, nơi có những câu dân ca thấm đượm nghĩa tình, được đúc kết từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, từ cái hay, cái đẹp tinh túy trong cuộc sống của người lao động. Với tổ khúc ví - giặm gắn với 3 trường đoạn: Nguyễn Du trong khúc hát giao duyên, Phan Bội Châu đi nghe hát phường vải và lời ru của mẹ đã tái hiện một cách sinh động, lắng đọng trong hồn người bởi những nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm.
 
Xứ Nghệ - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa đã sinh ra nhiều bậc hiền tài nổi tiếng. Cùng với dòng chảy của thời gian, từ trong cuộc sống lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, người dân nơi đây đã sớm sáng tạo và lưu giữ được một di sản dân ca ví, giặm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của xứ Nghệ.
 
Từ xa xưa, dân ca đã trở thành món ăn tinh thần, là dòng sữa ngọt góp phần hình thành, nuôi dưỡng và bồi đắp cốt cách, tâm hồn bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Các loại hình dân ca với giai điệu trữ tình, đằm thắm, với lời ca sâu sắc đã góp phần to lớn trong việc giáo dục phẩm chất, đạo đức, lẽ sống, tình yêu và ý chí của nhiều tầng lớp nhân dân.
 
Được tổ chức lần đầu tiên, liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ với sự tham gia của 20 CLB dân ca đến từ các huyện, thành, thị của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chắc chắn sẽ gặt hái được những thành công nhất định. Tại sân khấu này, người ta đã thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của các loại hình dân ca cổ xứ Nghệ trong trái tim nhân dân và cả trong sinh hoạt thường nhật.
 
Không chỉ có thế, liên hoan còn tạo động lực thúc đẩy nhiều hoạt động ở cơ sở nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân ca ví, giặm xứ Nghệ… Và liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ lần này là sự ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của các câu lạc bộ, các mô hình diễn xướng và các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân ca ví, giặm.
 
Hi vọng một ngày gần đây, dân ca ví, giặm sẽ là nét son chói lọi trong bản đồ dân ca Việt Nam (cùng với dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Chương trình nghệ thuật được kết thúc bởi ca khúc "Cảm xúc từ câu hò điệu ví" của NSƯT Tiến Dũng với âm hưởng dân ca rạo rực, xen trong ánh sáng pháo hoa hoành tráng. Với nhiều tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, đêm khai mạc liên hoan đã tập trung giới thiệu với công chúng những trò diễn xướng dân gian trên các không gian sông nước, đồng ruộng, làng nghề… ở các địa phương nhằm dựng lại tập quán sinh hoạt vất vả mà nên thơ, mộc mạc mà sâu đậm nghĩa tình, giản dị mà thấm đượm ý nghĩa nhân văn của cha ông. Đặc biệt đã thức dậy trong lòng công chúng niềm yêu mến những khúc hát dân ca…

Xuân Thống
.