Từ Sóc Trăng ra Hà Nội có quãng đường là 1949 km, chi phí cho tiền vé ra nhận giải thưởng của một cuộc thi nghiên cứu khoa học của 5 thầy trò Trường THPT An Lạc Thôn hết 13 triệu đồng, chưa tính chuyện ăn ở trong vài ngày ở đất thủ đô đắt đỏ. Đó là những giả thiết đặt ra cho một bài toán khó, cực khó với những thầy trò nghèo ở trường làng.
Vậy mà thầy giáo, người hướng dẫn các em học sinh nghiên cứu khoa học đã giải được, bằng cách vay mượn 16 triệu đồng của bạn bè, người thân để lo chi phí toàn bộ cho chuyến đi của các em. Thầy tâm sự trên báo: “Mới đầu định cử một em đại diện cho nhóm đi, nhưng biết chọn ai vì các em đều xứng đáng, mà những người ở lại cũng sẽ buồn, thế nên tôi quyết định phải tổ chức cho các em đi bằng được”.
Trong thông báo mời các em ra Hà Nội lĩnh giải, Ban tổ chức cho biết không thể đài thọ chi phí đi lại, ăn ở cho người được giải vì cuộc thi không có nhà tài trợ. Cũng phải thông cảm thôi, thời buổi kinh tế khó khăn, cuộc thi nghiên cứu khoa học thì lấy đâu ra người đẹp với chân dài để mà dễ tìm tài trợ. Tất cả những cái nghèo, cái “eo” cứ cắn đuôi nhau mà tạo thành một vòng tròn hoàn hảo.
Tôi đương nhiên khâm phục vô cùng quyết định của thầy giáo. Ai cũng biết đồng lương giáo viên thì nghèo, vay 16 triệu đồng, biết đến bao giờ mới trả hết được, mà trông vào đâu để trả nếu câu chuyện này không được đưa lên một vài tờ báo, và tòa soạn mở cuộc kêu gọi lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa.
Trong mẩu tin bé xíu đầu tiên tôi đọc chỉ nói vắn tắt chuyện thầy giáo vay tiền cho trò đi nhận giải, cũng không phải đề tài “hot” đến mức phóng viên phải khai thác sâu thêm theo hướng “gia đình, người thân, bạn bè, dư luận xã hội nói gì về việc thầy giáo vay tiền cho trò đi lĩnh giải”. Thế nhưng câu chuyện ám ảnh tôi tới mức cứ phải nghĩ hoài về gia đình thầy giáo ấy.
Chắc chắn ở tầm tuổi ấy, thầy cũng đã có gia đình, một người vợ và một vài đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Thấy chồng mình, cha mình đứng ra đi vay một số tiền lớn như vậy với một gia đình thường thường bậc trung để đi lo chuyện “bao đồng” như thế, không biết họ có thái độ gì không. Họ sẽ đồng tình một cách nhanh chóng hay cắn đắng, chì chiết thầy? Cầu mong không ai chọn phương án thứ hai.
Hàng ngày trên mặt báo, tràn lan những chuyện trò chém thầy, thầy đánh trò, trò chửi thầy, thầy mạt sát trò, cá biệt còn có cả những vụ thầy lạm dụng, hãm hiếp trò. Thế nên cái tin một thầy giáo vay tiền cho trò đi lĩnh giải bé xíu bằng bao diêm bị chìm nghỉm trong biển thông tin hỗn độn đen tối hằng ngày. Nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thắp lên một đốm lửa ấm áp, gieo một hạt giống vững chãi của tình thương vào lòng người.
Tôi lại nghĩ hoài về 4 bạn học trò may mắn được nhận tình thương của người thầy đáng kính ấy. Các bạn sau này dù cho không thành “ông nọ, bà kia” thì chắc chắn cũng nên người tử tế. Bởi các bạn đã nhận được một món quà, một giải thưởng vô giá từ tình thương của người thầy mình. Thế nên cái món giải thưởng của cuộc thi được trao ở thủ đô chưa chắc đã có giá trị bằng giải thưởng mà người thầy đã trao cho các bạn, trên suốt dọc hành trình dài 1949 km từ Sóc Trăng ra Hà Nội.
Số tiền 16 triệu đồng thầy giáo đã vay cho một cuộc đi lĩnh niềm vui, bảo là to mà cũng không to, cho là nhỏ mà cũng không hề nhỏ. Bởi vì nhờ có số tiền ấy, một số bạn đọc, trong đó có tôi, có thêm được niềm tin vào tình nghĩa và đạo lý thầy trò. Có thêm niềm hy vọng rằng trong cái xã hội đang cuống cuồng kiếm tiền bằng mọi giá này, vẫn còn có những đồng tiền mà khi chạm vào, ta không thấy lạnh tanh nơi bàn tay.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên môn sinh học trường An Lạc Thôn cho biết, đây là lần thứ 8 liên tục ông hướng dẫn học sinh của mình thực hiện các đề tài khoa học dự thi. Những năm qua, trường đã nhận được 19 giải thưởng, trong đó hai đề tài được chọn đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi về môi trường cấp quốc tế tại Thụy Điển.
Nhóm học sinh đoạt giải cuộc thi với mô hình "Xử lý nước thải bằng hệ thống đa năng". Ảnh: Thiên Phước. |
Hai đề tài đoạt giải lần này do bốn học sinh lớp 11 và 12 nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy Hải, được các nhà khoa học đánh giá cao vì có thể giúp dân vùng sông nước miền Tây cải thiện nguồn nước ô nhiễm và phục vụ cho mô hình “Vườn - Ao - Chuồng - Biogas” khép kín.
Theo thầy Hải, miền Tây trồng rất nhiều gòn nhưng sau khi tách lấy bông, người dân quê vứt bỏ vỏ. Ông với học trò thu gom về để đốt lấy than đưa vào hệ thống lọc nước bị ô nhiễm tại các gia đình sử dụng giếng bơm tay. Nước giếng ở một óố nơi có màu vàng đục, bốc mùi tanh nhưng sau khi lọc bằng hệ thống gòn này đã cho ra nước trong vắt, không còn mùi, hàm lượng Fe và phốt pho giảm hàng trăm lần, đạt mức cho phép để nấu ăn.
Đề tài “Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc đa năng”, thầy trò ông Hải áp dụng tại các hộ chăn nuôi lợn. Phân lợn được đưa vào hệ thống ủ Biogas để tạo ra khí đốt sử dụng cho bếp ăn. Nước thải từ chuồng trại chảy xuống ao đầu tiên được nuôi hến kết hợp trồng lục bình, bởi hai loại này có khả năng hấp thụ kim loại nặng và phát triển tốt trong môi trường ô nhiễm.
Ao nuôi hến thông với ao nuôi cá bằng một ống được nhét đầy than, xơ dừa và bã mía. Nước từ ao nuôi cá thải ra sông cũng được lọc qua ống tương tự. Cạnh ống này là ống rỗng ruột có van để lấy nước sạch từ sông vào các ao nuôi cá, hến mỗi khi thủy triều lên.
Thầy Hải trong một lần hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài được đại diện Việt Nam dự thi cấp quốc tế tại Thủy Điển vào năm ngoái. Ảnh: Cao Long. |
“Mô hình này không chỉ giúp nước thải trong chăn nuôi không còn ô nhiễm khi thải ra sông rạch mà còn tận dụng được lục bình làm phân xanh. Hến kéo lên từ ao lọc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư cho nông dân”, thầy Hải cho biết thêm.
Dù nhiều lần được giải thưởng, lần nào nhận được thư mời ra Hà Nội, thầy trò Trường THPT An Lạc Thôn cũng đắn đo bởi chi phí đi lại, ăn uống dọc đường khá là tốn kém.
“Chúng tôi cố gắng góp tiền để cho một em đi Hà Nội nhận giải cũng được, nhưng như thế thì những học sinh cùng tham gia đề tài sẽ rất buồn. Nếu cả hai nhóm thực hiện đề tài cùng đi với tôi thì thú thật là không có tiền mua vé xe lửa, ăn uống dọc đường vì gia đình ai cũng nghèo”, thầy Hải nói.
Giấy mời gửi đến trường An Lạc Thôn có lời chúc mừng các em đã đoạt giải, mời các em và người thân ra nhận, nhưng cũng kèm thông báo sẽ không đài thọ chi phí đi lại và ăn ở. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, thành viên Ban tổ chức cuộc thi, cho biết ông rất thông cảm với tâm tư của thầy Hải và các trò ở trường An Lạc Thôn. Tuy nhiên, "do năm nay chúng tôi không có nhà tài trợ cho chi phí đi lại của người nhận giải, nên cũng khó mà xoay xở", ông nói.
Ông Trần Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc Thôn - cho biết, vì đam mê nghiên cứu khoa học nên thầy Hải thường nhờ bạn bè, đồng nghiệp cho mượn kinh phí để giúp học trò thực hiện nhiều đề tài bảo vệ môi trường. “Trường cũng không có kinh phí để giúp thầy Hải cùng học trò nghiên cứu khoa học nên chúng tôi chỉ ủng hộ các em về mặt tinh thần. Hy vọng rằng sớm có mạnh thường quân giúp đỡ thầy trò Hải đi nhận giải thưởng ngoài Hà Nội”, ông Tùng bộc bạch.
Có 500 bài dự thi Cải thiện sử dụng và bảo vệ nguồn nước, do Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục đào tạo, Tổng cục Môi trường tổ chức. Tổng cộng có 11 giải thưởng, trong đó giải nhất trị giá 5 triệu đồng; giải nhì 3 triệu đồng; giải ba 2 triệu đồng và giải khuyến khích trị giá 1 triệu đồng. Ngoài ra còn hai giải tập thể mỗi giải 1,5 triệu đồng.