Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201206/20630-sang-lai-uoc-mo-tu-noi-bat-hanh-397001/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201206/20630-sang-lai-uoc-mo-tu-noi-bat-hanh-397001/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sáng lại ước mơ từ nỗi bất hạnh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 02/06/2012, 07:00 [GMT+7]
20630

Sáng lại ước mơ từ nỗi bất hạnh

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa, nằm trên địa bàn xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), nơi cưu mang, dạy nghề cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, để được nghe và cảm nhận cuộc sống của các cháu với rất nhiều mong ước thật cao cả mà cũng thật giản dị.
 
Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ người tạo lập nên mái ấm tình thương đầy nhân văn này, đó là ông Phạm Công Ngụ. Từng là một người lính cụ Hồ, sau chiến tranh xuất ngũ trở về địa phương, cuộc sống dẫu còn bao khó khăn nhưng trong ông vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm khi nghĩ về những đồng đội không may ngã xuống nơi chiến trường, để lại gia đình, vợ con với biết bao hoàn cảnh thật đáng thương tâm.
 
Làm sao để giúp gia đình đồng đội vượt qua khó khăn là câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của người chiến sỹ từng vào sinh ra tử. Thế rồi, một ý tưởng hiện lên, đó là phải đưa các cháu, những đứa con tật nguyền của anh em đồng chí về chăm sóc, nuôi dưỡng, đào tạo nghề để các cháu có thể tự nuôi được bản thân. Vậy là Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa ra đời.
 
Nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo QK4 thăm,
trồng cây lưu niệm tại Trung tâm Dạy nghề Hoa sữa
 
 
Chính vì điều đó nên hầu hết các cháu đến với trung tâm là con của các đồng đội đã hy sinh hay bị hậu quả chất độc da cam. Các cháu đến đây, mỗi người một hoàn cảnh và những nỗi bất hạnh riêng, nhưng tất cả đều hòa làm một và cùng một ước mơ, đó là được sống, được học hành và vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
 
Với tình yêu thương bằng tấm lòng của người cha, anh bộ đội cụ Hồ năm xưa không quản ngại gian khổ, kiên trì dạy dỗ các con học nghề, sản xuất ra nhiều mặt hàng và lăn lộn đi khắp mọi nơi tìm cách tiêu thụ. Sự bền bỉ, không ngại gian khổ của anh đã đem lại cho các cháu ở đây có cuộc sống ngày một tốt hơn giúp các cháu có thêm niềm tin, niềm hy vọng về một tương lai mới.
 
“Với tâm niệm cưu mang các cháu là một cách để tỏ lòng tri ân với đồng đội, đồng chí của mình nên tôi luôn cố gắng hết sức và không hề có một chút nào suy nghĩ cho lợi ích bản thân. Cho đến bây giờ, tôi luôn tự hào rằng mình đã chọn con đường đúng và nơi suối vàng chắc hẳn các đồng đội tôi cũng được an lòng”. Lời tâm sự hết sức giản dị của ông nhưng ẩn chứa đằng sau đó là cả một tấm lòng, một tình yêu bao la rộng lớn của người lính cụ Hồ đã được minh chứng qua thời gian. Tình yêu đó không chỉ là cái cảm nhận khách quan bề ngoài mà nó được chính các cháu, những đứa con của cha Ngụ nói ra.
 
Với niềm vui được sống trong ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương, cháu Đậu Văn Hào mới 6 tuổi, ngày ngày quấn quýt bên cha Ngụ và luôn bi bô gọi cha ơi. Hào vốn quê ở xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, là một đứa trẻ có hoàn cảnh khá thương tâm, cha bị bệnh tâm thần, di chứng của chiến tranh để lại, mẹ bỏ theo người khác, bản thân lại bị bênh thiểu năng.
 
Do không có người nuôi dưỡng, Hào bỏ đi lang thang, hàng ngày tìm đến các đám ma, đám cưới xin ăn, đêm đến gặp đâu ngủ đấy. Thế rồi một ngày Hào được một người cũng từng là TNXP, tên Thủy đem về trung tâm nuôi dưỡng. Bây giờ Hào đã có một mái nhà thực sự, có một người cha yêu thương và có một cuộc sống hoàn toàn mới.
 
Đặc biệt hơn là trường hợp của cháu Phạm Công Ka Phong, người dân tộc K’Ho, một đứa bé bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ. Rất may mắn cho Phong là gặp được cha Ngụ, được cha mang về chăm sóc, nuôi dưỡng. Cho đến bây giờ, Phong cũng không nhớ mình quê ở đâu, ai là cha mẹ ruột.
 
Với Phong, quê hương cháu, gia đình cháu chính là mái ấm tình thương Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa này. “Nhờ có cha Ngụ mà cháu mới được như thế này. Cháu sẽ cố gắng học thật tốt để sau này làm bác sỹ chăm sóc cho cha Ngụ”, Phong hớn hở khoe với chúng tôi về ước mơ của mình.
 
Còn rất, rất nhiều trường hợp khác đã được cha Ngụ đưa về đây nuôi dưỡng. Và trong số đó có nhiều em vượt lên hoàn cảnh bản thân để trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều em lớn lên nay đã là giáo viên, kỹ sư, có em đã lập gia đình và đang có một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bằng sự tự lập hoàn toàn.
 
Cũng trong ngày trẻ em toàn thế giới háo hức chờ đón ngày Quốc tế thiếu nhi, tâm sự với chúng tôi, nhiều em không giấu được ánh mắt biểu lộ sự băn khoăn lo lắng, hỏi ra mới biết đó là việc trung tâm đang có nguy cơ bị giải thể do những việc làm tắc trách của người lớn.
 
“Mai mốt, nếu không có trung tâm nữa thì chúng cháu biết ở đâu hả chú, còn ai nuôi chúng cháu nữa không, sao họ không cho chúng cháu ở đây, sao lại thế hả chú?...”. Cháu Nguyễn Văn Bình buột miệng hỏi khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ và đành im lặng. Tìm hiểu được biết, sở dĩ các cháu lo lắng như vậy là do trong quá trình xây dựng trung tâm còn có một số thiếu sót về quy trình thủ tục hồ sơ đất đai.
 
Điều này dẫn đến việc các cấp chính quyền sở tại đang có ý định thu hồi số diện tích đất đã xây dựng, vì vậy nguy cơ không có chỗ ở và sự lo lắng của các cháu là hoàn toàn dễ hiểu. Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền ở Hà Tĩnh cần tạo điều kiện thuận lợi để giúp các cháu yên tâm sống và học tập, đây cũng chính là việc làm thể hiện trách nhiệm, tình thương và tính nhân văn cao cả đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này.

P.V
.