Với nhiều lí do khác nhau nhưng đa số các nạn nhân tìm đến đây tự tử đều là HS-SV suy nghĩ còn bồng bột, muốn giải thoát bế tắc trong cuộc sống. Chính vì vậy mà từ lâu cây cầu này đã nổi tiếng với tên gọi “cầu tự vẫn”.
Không biết từ khi nào, cây cầu này được người dân gắn cho cái tên rợn người đến vậy. Nhưng cứ đến kì thi CĐ, ĐH là tình trạng HS-SV tìm đến cầu Bến Thủy để quyên sinh ngày càng gia tăng, với số lượng năm sau lại nhiều hơn so năm trước. Những nạn nhân tự tử cũng ở nhiều nơi khác nhau như Hưng Nguyên, Anh Sơn, TP Hà Tĩnh…
Theo tìm hiểu được biết phần lớn những nạn nhân tìm đến đây để kết thúc đời mình vì áp lực trong học tập, thi cử hay tình yêu dang dở, gia đình bất hòa… Suy nghĩ bồng bột, thiếu chín chắn nên trong phút chốc đã tìm đến cái chết để lại nỗi đau lớn cho gia đình, người thân.
Cách đây ít lâu, những người dân sống ven sông Lam chợt giật mình giữa đêm khuya khi nghe tiếng la hét thất thanh trên cầu vọng đến. Phía trên bờ, hàng chục người dân đi đường khựng lại, đưa tay chỉ trỏ về phía dòng nước đen ngòm trong đêm, nơi một cô gái vừa nhảy cầu tự tử. Cô gái ấy chính là Lê, trú tại thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chuẩn bị thi đại học.
Tiếng khóc não nề của gia đình và người thân vừa hờn trách, vừa thảm thương cho đứa con gái nghĩ suy nông cạn. Lê từng 2 năm liền thi đại học đều rớt nhưng vẫn quyết tâm ôn thi và chờ cơ hội. Gần đến ngày thi, Lê xin phép gia đình từ Hà Tĩnh ra TP Vinh ôn thi. Do bị áp lực quá lớn của gia đình bằng mọi giá phải thi đậu, Lê đâm ra căng thẳng hơn.
Cô gái trẻ này từng uống thuốc ngủ để kết liễu cuộc đời nhưng có người phát hiện và kịp can ngăn nên đã từ bỏ ý định đó. Chỉ ít ngày sau, Lê bảo với mọi người là đi chơi, rồi lang thang đi bộ khắp nơi, đến tối thì tìm đến cầu quyên sinh.
Cầu Bến Thủy - nơi được nhiều người "chọn" làm nơi kết thúc cuộc sống
Cách đây không lâu, cũng tại cây cầu này lại đón nhận thêm một cái chết thương tâm khác. Theo nhiều người kể lại, vào hồi 20h30 ngày 17/4, nam sinh Nguyễn Văn Đức (SN 1992), trú tại khối 5, phường Cửa Nam, TP Vinh đi một mình ra giữa cầu rồi nhảy xuống dòng nước xiết trong tiếng kêu cứu vô vọng của người đi đường.
Chưa dừng lại ở đó, trong khi nỗi ám ảnh về những cái chết trẻ một cách thương tâm chưa vơi đi thì người dân sống tại đây lại chứng kiến thêm một nạn nhân xấu số nữa. Em là Phan Thị Thanh (20 tuổi), trú tại xóm 5B, xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, hiện là sinh viên một trường CĐ ở TP Vinh.
Hôm đó là ngày 10/5, nhiều người đi đường nhìn thấy một nữ sinh dắt xe đạp đi bộ trên cầu. Khi đi đến giữa cầu thì nữ sinh này để lại chiếc xe đạp rồi bất ngờ nhảy xuống dòng nước xiết. Thanh ở nhà là một cô gái ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ. Trước khi tìm đến cái chết, mọi sinh hoạt của em trong gia đình đều bình thường.
Theo người dân thì trước khi xảy ra sự việc, họ có nhìn thấy Thanh cãi nhau với một chàng trai, có thể vì buồn chuyện tình cảm nên Thanh mới có hành động dại dột như vậy.
Theo T.S Tâm lý học Nguyễn Bá Minh, giảng viên Trường ĐH Vinh cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tự tử là do các em thất bại trong tình cảm, trong cuộc sống. Căn bệnh này nếu phát hiện sớm, có tác động tích cực từ phía người thân, bạn bè, hoặc chuyên gia tâm lý tư vấn giúp đỡ thì người mắc bệnh nhanh chóng được chữa trị”.
Kì thi càng đến gần, áp lực tâm lý đối với các em lại nặng hơn bao giờ hết. Gia đình và nhà trường cần quan tâm động viên các em nhiều hơn, trang bị cho các em những kiến thức để ổn định tâm lý trước khi bước vào mùa thi. Ở tuổi này, tâm sinh lý của các em chưa ổn định, nên dễ dẫn đến những suy nghĩ bồng bột.
Đây là một hồi chuông báo động cho các bậc phụ huynh cần quan tâm để ý đến con em mình nhiều hơn, giúp các em có thêm động lực tinh thần học tốt, thi tốt, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Đức Chung
.