Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là bước vào mùa thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra nhưng đến thời điểm này, ở các thành phố lớn, các trung tâm luyện thi đại học bắt đầu nhộn nhịp mở lớp. Ở Nghệ An, tại nhiều trung tâm luyện thi và bồi dưỡng văn hóa cho các lớp 13, không khí "nóng" cũng không là ngoại lệ.
Dạo quanh các con đường Bạch Liêu, Phạm Kinh Vỹ, xung quanh khu vực trường Đại học Vinh... chúng tôi thấy nhan nhản các lò luyện thi, thi nhau căng biển quảng cáo với nội dung hấp dẫn, như luyện thi cấp tốc chất lượng cao, trung tâm bồi dưỡng văn hóa chất lượng cao với đội ngũ giáo viên có trình độ, giàu kinh nghiệm luyện thi... tại các trường đại học...
Đứng trước trung tâm với những tấm biển quảng cáo trông bắt mắt, nhiều sĩ tử dễ dàng bị thu hút. Trước cửa mỗi trung tâm luôn có người thường trực được xem là "tư vấn viên", đó là người thân của chủ lò luyện thi. Ngoài việc quảng cáo, giới thiệu tận tình, họ sẽ kiêm luôn việc “kiểm tra” chất lượng để xếp lớp, cùng với một người chuyên lo phát lịch học hàng tuần, kiêm luôn bán tài liệu là bộ đề thi đại học các năm, nhiều thể loại sách đầy đủ cho các khối thi.
Hàng loạt những tên tuổi giáo viên nổi tiếng, là thầy nọ, cô kia, tiến sỹ này, thạc sĩ nọ... đều dạy ở các trường đại học có tiếng. Trong khi chất lượng tại các trung tâm này vẫn còn là một dấu hỏi lớn, thì các chiêu thức quảng cáo lại được tung ra hết sức rầm rộ, khiến các sĩ tử phải đau đầu với những lựa chọn, đi kèm là nhiều hệ lụy phát sinh.
Sĩ tử sau mỗi ca học ở một trung tâm "bồi dưỡng văn hóa" trên đường Bạch Liêu
Theo chân một học sinh, chúng tôi vào Trung tâm luyện thi đại học trên đường Bạch Liêu. Lớp học đông, các em học sinh ngồi chật cứng. Mỗi phòng học khoảng từ 100 - 120 người/lớp. Thầy giáo cầm micrô giảng bài, các em ngồi dưới người chăm chú nghe, người thì ngủ gật. Phòng học không đủ ánh sáng và không khí... Với điều kiện thời tiết như hiện nay, các sĩ tử còn có thể chịu đựng được.
Nhưng có những hôm nhiệt độ lên cao, khó ai có thể đảm bảo rằng, với điều kiện phòng học như thế này, các sĩ tử có thể tập trung học được hay không. Em Phạm Đức Hoàn (SN 1991), đến từ xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), cho biết: Năm nay em đăng ký dự thi vào Khoa Điện tử - viễn thông, Đại học Vinh.
Đây là năm thứ 2 em theo lớp ôn thi tại các lò luyện thi ở thành phố Vinh. So với năm trước, năm nay số thí sinh theo các lò ôn thi "thưa thớt" hơn. Vào dịp này, các năm ở mỗi ca học số họ sinh phải từ 150 - 170 em, có môn gần 200 em. Năm nay con số học sinh đến các lò giảm hơn, trước kia mỗi bàn học dành cho 8 người ngồi, giờ chỉ khoảng 5 - 6 người.
Từ xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, em Nguyễn Thị Mai được bố mẹ đồng ý cho ôn thi từ ra Tết. Sau nhiều lần đi học thử tại các trung tâm, Mai quyết định theo học khối A tại trung tâm trên đường Phạm Kinh Vỹ. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, Mai và các bạn cũng phải trải qua các giờ học cấp tốc cho 120 phút mỗi ca (20.000 đồng), mỗi buổi học liền 2 ca, mỗi ca được nghỉ giải lao 5 - 10 phút.
Tốc độ học dày đặc khiến cho Mai cảm thấy mệt mỏi. Học ở trên lớp cả ngày như vậy khiến em về nhà không còn đủ sức dành thời gian ôn tập lại. Theo nhận xét của Mai, nhìn chung các giáo viên tham gia giảng dạy tại các lò luyện thi đều chú trọng bám sát chương trình, tuy nhiên để đảm bảo cho khả năng "tiếp thu" kiến thức đi cùng với giá cả cho mỗi ca học thì là điều chưa dám khẳng định.
Năm nay, vấn đề học phí luyện thi cũng làm “đau đầu” các “sĩ tử”, nhất là các em đến từ các huyện miền núi, vùng cao khó khăn. Theo ước tính tại các trung tâm hiện nay, nếu học đủ cả 3 môn Toán, Hoá, Lý khối A, mỗi tháng mỗi bạn sẽ mất khoản học phí trên dưới 1,2 triệu đồng. Ngoài việc tăng giá, chuyện "chạy sô" của các giáo viên từ các lò luyện thi này tới các lò luyện thi khác cũng không còn xa lạ.
Đáng buồn, điều đó lại tập trung ở một số lò luyện thi có "thương hiệu" về chất lượng. Lò luyện thi càng chất lượng thì việc dạy thêm của các thầy cô càng bận rộn. Có nhiều hôm vì giờ vào lớp không đúng như quy định, nên các thầy cô từ lò này tới các trung tâm khác cũng bị xê dịch khiến cho người học cũng phải chịu thiệt vì thời gian đó. Những ca dạy tất bật đó cũng là một nguyên nhân khiến cho chất lượng học không được đảm bảo.
Theo thông tin bên lề tuyển sinh của Bộ GD - ĐT, kỳ thi năm nay, tiếp tục khuyến cáo, thí sinh chỉ cần bám sát nắm chắc kiến thức cơ bản THPT, đặc biệt tập trung kiến thức lớp 12 là có thể đạt yêu cầu. Tuy nhiên, tâm lý đỗ - trượt khiến nhiều thí sinh dù gia đình khó khăn vẫn lên thành phố tìm lò luyện thi cho yên tâm.
Theo một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi cho các thí sinh, cho rằng: Việc các học sinh hằng năm tập trung về các lò luyện thi, trung tâm bồi dưỡng kiến thức là cần thiết. Đây là dịp để các em có điều kiện củng cố lại kiến thức, mở rộng, nâng cao thêm, hơn nữa các em được "trang bị” thêm ít nhiều kết cấu, dạng đề thi mà các giáo viên trực tiếp ôn luyện có điều kiện tham gia chấm thi ở nhiều năm.
Với quan điểm của mình, thầy khuyến khích các em không nên đặt nặng tâm lý là đi ôn sẽ tốt hơn ở nhà, bởi vì với các em có kiến thức cơ bản nhất định và sự tự tin khi làm bài thì tin chắc rằng, chỉ cần nắm chắc chương trình phổ thông, thí sinh đã có thể làm tốt bài thi.
Xuân Thống
.