Ngày nay, trước sự “bành trướng” của các phương tiện thông tin, truyền thông như ti vi, báo điện tử, đặc biệt là sự bùng nổ của internet cùng với sự phong phú của các hình thức giải trí như: xem ca nhạc, xem phim, chơi game.
Một số ý kiến cho rằng, văn hóa nghe, nhìn đang “đè bẹp” văn hóa đọc. Nhận định trên có phần cực đoan, bi quan. Song, cũng có thể nhận thấy, có ba điểm cốt yếu hình thành nên văn hóa đọc là: thói quen đọc sách, khả năng lựa chọn sách và cách đọc sách thì cả ba điểm đó ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đang thiếu và yếu.
Thói quen đọc sách (tìm hiểu tri thức ghi trên giấy qua kênh thị giác) của một bộ phận giới trẻ ngày nay đang bị các thú vui khác lấn lướt và làm mất dần vai trò độc tôn của nó. Nếu như trước đây muốn tìm hiểu các tác phẩm văn học kinh điển như: Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hòa bình… người ta thường tìm đến sách thì bây giờ phim truyện, phim hoạt hình, tranh ảnh đã làm thay. Bận rộn với công việc hàng ngày, áp lực lớn từ lịch học dày đặc, chương trình học quá tải đã “ngốn” phần lớn thời gian của học sinh.
Trong khi đọc sách là công việc yêu cầu cao độ sự tập trung, suy nghĩ, nghiền ngẫm, nhiều học sinh, sinh viên đã tìm cho mình một hình thức giải trí nhẹ nhàng hơn như: xem phim, nghe nhạc, chơi game thay vì đọc một cuốn sách để tích lũy tri thức.
Văn hóa đọc trong giới trẻ có bị lãng quên?
Khả năng lựa chọn sách vẫn luôn được xem là điểm yếu nhất trong việc xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ ngày nay. Điểm yếu này cũng là minh chứng cụ thể nhất cho việc thiếu sự giới thiệu, quảng bá, định hướng, “tiếp thị” chu đáo của các nhà xuất bản.
Trong một cuộc thăm dò dư luận trước đây, khi được hỏi về quyết định chọn mua sách, phần lớn bạn đọc trẻ tuổi cho biết: Chọn sách để mua thông qua việc giới thiệu trên báo chí hoặc nghe lời khuyên của bạn bè. Việc chủ động tham khảo, tự mình tìm hiểu tại các nhà sách rất ít.
Theo Nguyễn Hà Linh, sinh viên khoa Ngoại ngữ Trường CĐSP Nghệ An thì: “Em thường chọn sách qua các cách như: qua lời giới thiệu của bạn bè, qua chương trình “mỗi ngày một cuốn sách” trên tivi hoặc thấy nhiều người mua thì… mua cho biết”.
Việc chọn sách thiếu tính chủ động như vậy được lý giải là do sự bận rộn trong công việc, học tập đã chiếm hết quỹ thời gian. Điều này làm xuất hiện kiểu đọc sách theo “phong trào”. Hệ quả kéo theo là kiểu làm sách theo “phong trào”, quảng bá sách theo “phong trào”.
Cách đây không lâu, 2 cuốn nhật ký chiến trường của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành một hiện tượng và nhanh chóng trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của giới trẻ. Sau 2 cuốn nhật ký đó, trào lưu viết nhật ký, hồi ký của những người nổi tiếng, nhất là của tầng lớp văn nghệ sỹ rồi cho xuất bản bắt đầu “nở rộ” và tạo sức hút lớn đối với người đọc trẻ.
Không thể phủ nhận khi đã trở thành trào lưu thì những “cơn sốt” sách sẽ khiến cho giới trẻ tìm đến sách nhiều hơn và góp phần làm giảm căn bệnh lười đọc vẫn đang tồn tại bấy lâu nay trong giới trẻ. Nhưng điều đáng nói là sau dó, khi đọc xong nhiều người cảm thấy hụt hẫng, bực mình bởi sách chạy theo trào lưu phần lớn chẳng được hay ho như lời quảng cáo.
Bên cạnh đó, trong số những tác phẩm đã tạo nên “cơn sốt’ trên thị trường sách không phải tác phẩm nào cũng phù hợp. Nhất là khi yếu tố tình dục đang được nhiều tác giả lựa chọn, sử dụng như một thứ “gia vị” để tăng sức hút, gây sự hiếu kỳ, tò mò cho người đọc.
Có thể nhận thấy, bất chấp những tiến bộ vượt bậc của công nghệ giải trí nghe, nhìn, đọc sách vẫn được xem là một kênh tiếp nhận thông tin quan trọng được nhiều người ưa thích. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản trong thời gian qua chính là minh chứng cụ thể nhất của việc phát triển nhu cầu đọc của độc giả.
Mặc dù vậy, với những bất cập ở cả ba điểm mấu chốt: thói quen đọc sách, khả năng chọn sách và cách đọc sách thì những lo lắng về văn hóa đọc đang có phần sa sút dù lượng sách xuất bản và số lượng tăng cao không phải là không có căn cứ.
Cần phải hình thành văn hóa đọc ngay từ những ngày đang ngồi trên ghế nhà trường và chỉ khi người đọc xem việc đọc như một niềm say mê tự thân thì mới ham đọc và hiểu hết những tri thức nằm trong sách vở. Bởi, đọc xét cho cùng là một công việc gian nan, phải có kinh nghiệm và phải trang bị một tri thức nền cần có.
Không thực sự say sưa, không tạo cho mình một thói quen thực sự với việc đọc thì sớm hay muộn người đọc có thể bị cuốn vào những hình thức giải trí khác. Và khi đó, việc đọc có chăng chỉ là một sự “đọc xổi” hời hợt theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” không mang lại hiệu quả thiết thực gì cho bản thân.
Bùi Minh Tuấn
.