Đã bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống rất nổi tiếng của người Thái miền Tây Nghệ An nói chung, huyện Tương Dương nói riêng. Từ khi có chủ trương di dời một số xã ở lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ về khu tái định cư ở huyện Thanh Chương, chỉ đếm trên đầu ngón tay một số bản còn duy trì được nghề của mình. Bản Mà thuộc xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương là một trong những bản còn duy trì được nghề của cha ông xưa để lại.
Phó bản Lương Văn Thắng cho biết: Bản Mà có 156 hộ với 620 khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm 97%. Không như những ngày còn ở trên quê, ngày cặm cụi trên nương rẫy, tối miệt mài bên khung dệt, từ ngày về đây, đời sống bà con dân bản Mà đã lắm đổi thay.
Những ngày đầu mới lên, chưa quen với phong tục tập quán lại thiếu đất sản xuất, chị em rơi vào cảnh không có việc làm. Nhờ nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà con đã biết phát triển kinh tế trang trại kết hợp với làm dịch vụ. Ngỡ rằng chị em đã “lãng quên” với cái nghề từng một thời nuôi sống gia đình mình.
Bà Vi Thị Cân hướng dẫn chị em trong bản cách thêu chân váy
Thế nhưng, ai đâu biết rằng, khung cửi như một người bạn tri kỷ không thể rời xa khỏi đôi bàn tay người phụ nữ Thái. Họ đưa từ trên quê về đây, mang theo bao nỗi niềm, gửi gắm vào đó như một sự tri ân đến người xưa đã khuất và mong mỏi con cháu mình sẽ giữ được nét đẹp văn hóa của cha ông xưa để lại. Hiện, trong bản có 4/9 tổ còn có người theo nghề dệt thổ cẩm.
Bên khung dệt, dặt dìu tiếng thoi đưa, dưới bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị, những chiếc váy, khăn choàng chít đầu đang dần được hiện hữu với đầy đủ những gam màu và họa tiết bắt mắt.
Theo chân Phó bản, chúng tôi có mặt tại nhà bà Vi Thị Cân (SN 1948), một người phụ nữ không những có kinh nghiệm trong dệt váy, dệt khăn choàng mà ngay từ nhỏ đã biết thêu thùa, vẽ họa tiết trên khăn, trên váy.
Ngừng tay hướng dẫn một chị trong bản, bà chia sẻ: “Năm 12 tuổi, mình đã theo mẹ học nghề. Gia đình đông con, nghèo khổ, dệt thêu được tấm váy nào là mình đem đi bán để lấy tiền đổi gạo ăn. Giờ không nghèo khổ như trước nhưng chị em vẫn thường bảo ban nhau phải giữ cho được cái gốc rễ của mình. Nó trở thành một phần máu thịt đối với người thiếu nữ Thái. Vào mùa cưới, thiếu nữ Thái tự dệt khăn, chân váy rồi thêu thùa, vẽ họa tiết tự trang trí cho mình một bộ đồ thật đẹp để về nhà chồng”.
Bà cũng cho biết: Hiện nay, khăn chít đầu và chân váy là hai mặt hàng rất được mọi người ưa chuộng. Sản phẩm làm ra được thêu với những họa tiết bắt mắt như hình đôi chim bồ câu, con hươu, con rồng, hình mặt trời... đang thu hút khách dưới xuôi.
Để dệt và thêu được một chiếc váy đẹp thì đối với những người thông thạo và điêu luyện cũng phải mất tới 3 - 4 ngày mới xong và bán với mức 250.000 đồng - 300.000 đồng, khăn chít đầu có giá từ 200.000 đồng - 250.000 đồng.
Sản phẩm làm ra, ngày trước tiêu thụ rất dễ dàng, giờ mỗi lần làm ra sản phẩm tự mở các dịch vụ nên người dân bán ngay tại cửa hàng nhà mình, nhưng mấy ai biết đến trừ những người dân trong bản hoặc phải gửi về tận Tương Dương rồi đưa sang chợ Biên, Nậm Cắn, hay sang Lào để tiêu thụ.
Mặc dù vẫn còn được duy trì nhưng cũng phải công nhận một điều là hiện nay, người Thái bắt đầu quen với những kiểu ăn mặc mới, dần bỏ sắc phục truyền thống của mình. Âu cũng là một điều dễ hiểu trong thời buổi làm ăn kinh tế như hiện nay. Chỉ có điều sự cạnh tranh về giá thành, mẫu mã và số lượng của những sản phẩm dệt công nghệ đã đẩy nghề dệt thổ cẩm truyền thống rơi vào bế tắc có lúc tưởng chừng như không tìm ra lối thoát.
Chị Lương Thị Loan - Hội trưởng Hội phụ nữ bản Mà cho hay: “Rất vui mừng khi bản chúng tôi còn giữ được nghề truyền thống của mình. Nhưng để thực sự bền vững và phát triển thì cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền như việc mời trung tâm dạy nghề về đào tạo một khóa học để chị em tiếp cận với những mẫu mã mới, đẹp hơn, bắt mắt hơn. Đồng thời, mong muốn của chị em bản Mà có thể đứng ra hình thành một hợp tác xã có quy mô. Từ đó, có điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ, đem sản phẩm của mình làm ra đến được với nhiều người là niềm vui của chị em bản Mà nói riêng và người phụ nữ dân tộc Thái nói chung”.
Ngọc - Tuyết
.