Đây không chỉ là vấn đề cấp bách của ngành giáo dục Tương Dương mà cũng chính là mong ước của nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên hiện nay.
Mỗi sáng, khi ông mặt trời chưa kịp ló dạng trên đỉnh núi, khi con gà rừng vừa gáy gọi canh năm thì cậu bé Lữ Văn Vương ở bản Xốp Chạng, học sinh lớp 9B, Trường THCS Yên Hòa, huyện Tương Dương đã rời nhà đi đến trường. Nhà em cách trường 8km, lại đi qua nhiều khe suối, đồi núi gập ghềnh, phải mất ba tiếng đồng hồ mới đến được trường nhưng Vương vẫn luôn đều đặn đến lớp.
Hoàn cảnh gia đình Vương khó khăn lắm. Nhà có bốn anh em, hai người anh trai Vương chỉ học hết lớp 9 rồi phải nghỉ giữa chừng để phụ giúp bố mẹ đi nương rẫy. Chỉ có Vương và cô em gái Lữ Thị Bình năm nay lớp 3 là được đến trường để học cái chữ.
Trường không có khu nội trú vì vậy, năm học này, để tiện cho việc học hành, hai anh em đã phải đến ở nhờ nhà ông Lô Xuân Ngà ở bản Xốp Cháo. Mỗi tuần hai anh em lại về nhà một lần gùi gạo ra, tự nấu ăn. Thức ăn chẳng có gì ngoài nắm rau rừng kiếm được sau mỗi buổi học. Đối với Vương thế là đã may mắn lắm rồi, bởi vẫn còn có cơm trắng với rau dại để ăn.
Học sinh vùng sâu, vùng xa chịu cảnh thiếu thốn trong học tập...
Khi nghe cô bé Ốc Thị Vân lớp 8A ở bản Xốp Kha tâm sự, tôi không cầm được nước mắt. Từ mờ sáng, khi sương sớm vẫn đang giăng mờ những đỉnh núi, Vân đã phải một mình đi bộ tới trường. Em bảo nhiều khi đói hoa cả mắt vì hầu hết em phải nhịn ăn cả buổi sáng và buổi trưa. Mười một giờ trưa tan học, Vân phải đi bộ ba, bốn tiếng đồng hồ mới về đến nhà. Lúc này là đã hai giờ chiều, khi đó em mới có hạt cơm vào bụng. Thế nhưng đói khổ mấy em cũng chịu đựng được, bởi với em niềm vui lớn nhất đó là được đến trường.
Trước những năm 2009, Trường THCS Yên Hòa là Trường THCS Dân tộc nội trú nên các em học sinh ở xa được ở lại trường. Nhà trường có KTX cho học sinh và bếp ăn tập thể. Từ năm học 2009 - 2010, trường giải thể hình thức dân tộc nội trú chuyển sang trường THCS nên các em học sinh không được ở lại trường. Các em nhà ở các bản vùng sâu, cách xa trung tâm xã trên dưới 10km như Xốp Chạng, Xốp Kịt, Yên Hương, Xốp Khe… những ngày mưa lũ không đi lại được hầu hết phải bỏ học.
Để tạo điều kiện cho các em ở xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường có bố trí một số phòng học cũ cho các em ở. Song từ đầu năm học này, các học sinh thuộc diện này của nhà trường phải ở nhờ nhà dân, hoặc đi về, bởi những căn phòng này do lũ lụt phá hỏng đã xuống cấp có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Thầy giáo Nguyễn Đăng Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa cho hay: Các em học sinh ở xa, mùa mưa bão phải ở lại thì nhà trường hỗ trợ thêm gạo, còn thực phẩm thì hạn chế thôi, vì nhà trường còn khó khăn nên thỉnh thoảng mới có cung cấp thêm cho các em 1 số thực phẩm thông thường như cá khô thôi…
Cũng vất vả như Vân và các bạn ở Trường Yên Hòa là các bạn học sinh Trường THCS Nga My, một trường vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương. Hầu hết các bản đều cách trường tới 10 km đường đồi, núi như Xốp Kho, Na Khoi, Đình Tài… cá biệt có bản Na Ngân cách trường tới 19 km phải đi bộ mất tám tiếng đồng hồ. Đối với người lớn cũng là cả một quãng đường dài gian nan, vất vả huống chi các em đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
và cả trong sinh hoạt
Trường Nga My hiện có 455 học sinh thì trong đó có 167 em thuộc diện phải ở bán trú. Tuy nhiên, chỉ có 66 em thuộc diện ở xa, gia đình khó khăn được ưu tiên ở bán trú, số còn lại phải đi ở nhờ nhà dân. Hiện tại nhà trường có 9 phòng ở được “dựng tạm”. Gọi là khu nội trú cho oai chứ thực chất chỉ là dãy nhà lá ghép ván tạm bợ, phên nứa tềnh toàng, dột nát… Dù năm nào, phụ huynh học sinh và nhà trường cũng tu sửa phòng ở cho các em, song cũng chỉ mang tính tạm thời.
Phòng ở là vậy, các vật dụng phục vụ sinh hoạt lại càng thiếu thốn, đơn sơ. Mỗi phòng có 7 - 8 em học sinh ở. Không có bàn để học, chiếc giường được làm từ bốn, năm tấm ván ghép lại kê gạch, vừa là chỗ ngủ vừa là nơi học bài, 2 - 3 em phải nằm trên cùng chiếc giường để học bài.
Tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh các em ăn cơm, mỗi đứa một niêu, không có bát, chúng dùng thìa xúc cơm ăn ngay trong nồi, hầu hết ăn cơm không. Đứa nào siêng năng thì có thêm chút rau rừng mới hái. Ăn xong những chiếc nồi bám đầy nhọ đen nhẻm, cáu bẩn được vứt chỏng chơ dưới gầm giường.
Em Lộc Văn Viên lớp 7B cho biết, đi học về các em tự nấu ăn, cơm nấu ngày một lần cho cả buổi trưa và buổi tối, còn buổi sáng hầu hết các em đều nhịn. Mỗi tháng bố mẹ chu cấp cho vài kg gạo còn thức ăn rau rừng với củi nấu các em phải tự “cải thiện”.
Mặc dù, các em được trợ cấp theo Quyết định 142 của Chính phủ 120.000đ/tháng, song vẫn không đủ chi phí cho các em. Những nỗi lo thường nhật, gánh nặng về cơm áo hàng ngày đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của các học trò nơi đây. Vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường Nga My rất cao.
Riêng trong năm học này đã có tới 15 em bỏ học, trong đó số học sinh bỏ học ở bản Na Ngân chiếm đông nhất. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vì thế hoàn thành chương trình tiểu học xong là bỏ học, bởi bố mẹ chúng quan niệm học nhiều không no cái bụng được.
Tuy khó khăn, thiếu thốn còn nhiều, song học sinh trường Nga My còn may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa ở vùng khác. Rõ ràng, mô hình bán trú dân nuôi hiện nay rất phù hợp với những trường vùng cao, vùng sâu như ở Nga My.
Thầy giáo Trần Nhật Giao, Hiệu trưởng Trường THCS Nga My bày tỏ: Nhà trường mong ước sẽ xây dựng được khu nhà nội trú giúp các em có điều kiện học tập và nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường, nhất là trang bị nội thất bên trong phòng ở. Bảo đảm 4 cái đủ cho học sinh: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách giáo khoa và đủ chỗ ở…
Trong những năm qua, thông qua việc lồng ghép thực hiện các chương trình dự án, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của phụ huynh học sinh, một số trường THCS vùng sâu, vùng xa của Tương Dương như Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Yên Tĩnh… đã xây dựng được nhà ở bán trú dân nuôi cho học sinh.
Tuy nhiên, phần lớn học sinh vẫn đang phải ở trong những ngôi nhà tranh vách nứa tạm bợ do phụ huynh học sinh tự làm theo từng năm học. Mùa mưa bão thì dột ướt tứ tung, ngày hè thì nắng cháy, chưa kể các em còn nhỏ tuổi, nấu nướng chưa cẩn thận có thể gây ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào… Ông Vy Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết.
Thực tế cho thấy, mô hình nhà bán trú dân nuôi vừa giải quyết được quỹ thời gian đến trường cho học sinh vừa nâng cao chất lượng dạy học. Vì vậy, mong ước lớn nhất của người dân Tương Dương đó là trong thời gian tới Nhà nước có các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng và thực hiện có hiệu quả mô hình này, để cái chữ ngày càng “nảy mầm đơm hoa”, xua tan tăm tối cho bà con dân bản, đẩy đi cái đói nghèo lạc hậu nơi các bản làng vùng cao.
Hiến Chương
.