Khác với những dòng suối khác, dòng nước ở đây cứ như đội lên từ lòng đất, trong veo ùn chảy làm tan biến cái nóng thiêu đốt của mùa hè. Về mùa thu, dòng suối có vẻ mát dịu hơn cùng với khí trời.
Ngược lại, mùa đông, thiên nhiên ở đây lại ban tặng cho dòng suối một điều kỳ diệu: dòng nước ấm áp vô cùng trong những ngày lạnh giá. Suối Tạ Bó còn có một đặc điểm lạ, mặc dầu trời mưa to hay hạn hán kéo dài, mức nước ở đây vẫn không thay đổi, mặt nước luôn trong xanh.
Bao quanh dòng suối là một rừng cây cổ thụ và những tảng đá rêu phong được hình thành các cung bậc vừa thuận lợi cho người xuống suối, vừa hoang sơ, thơ mộng.
Chính vì sự kỳ bí về dòng suối nước Mọc này cho nên dân gian đã thêu dệt khá nhiều chuyện quanh suối nước Mọc, có chuyện gắn với tình yêu lứa đôi. Nhưng có chuyện kể lại rằng, Tạ Bó được mọc lên ở một nơi kín đáo như vậy là vì ngày xưa ở huyện Con Cuông có động Đào Nguyên nằm sát dòng sông Lam thuộc xã Bồng Khê.
Nơi đó là cổng trời, Ngọc hoàng thường cho những tiên nữ đẹp người, đẹp nết giáng trần xuống động Đào Nguyên để đón tiếp những chàng trai tài giỏi ở trần gian. Xuân về thường đến đó xin nhà trời cho lên chốn thiên thai, bồng lai thưởng ngoạn, Ngọc hoàng đã tạo thành một cái giếng tiên, để cho các tiên nữ hàng ngày đến đó tắm gội, dung nhan của mình vốn đã đẹp, ngày càng đẹp hơn…
Dù mùa hè hay mùa đông người dân nơi đây và du khách đều tìm đến suối nước Mọc
Giờ đây suối nước Mọc Yên Khê trở thành một “điểm hẹn” hấp dẫn: mỗi ngày, có hàng trăm du khách tìm đến suối nước Mọc ngâm mình trong dòng suối. Theo người dân nơi đây con gái Thái mà thường tắm suối nước Mọc thì da trắng.
Ngoài ra, hàng ngày người dân nơi đây còn lấy nguồn nước ở Tạ Bó về dùng, nhờ uống nước Mọc mà da dẻ hồng hào, cơ thể khỏe mạnh, tuổi cao vẫn gùi bó lúa băng rừng. Hy vọng trong thời gian tới, suối nước Mọc của Yên Khê sẽ là một địa chỉ hấp dẫn được nhiều du khách tới thăm khi đến Nghệ An.
Trường Khuyên
.