Chợ Tết ngày Xuân nơi sẻ chia niềm vui, bán đi nỗi buồn của năm cũ để háo hức sum vầy cùng nhau trong một năm mới sung túc hơn. Tết, mỗi miền quê cũng đều tổ chức họp chợ, có con gà, có nải chuối… bán đổi trao nhau. Xuân về, đi chợ biên giới, ở đó cũng là nơi trai gái trao nhau lời hẹn ước, anh em họ hàng có dịp tâm tình trao nhau những chén rượu ngô đượm nồng men lá sau một năm gặp lại...
Ngày tận của năm cũ, tôi đi chợ biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn trong sắc đào nở bung lưng chừng núi.
Nghe mọi người vẫn kháo nhau đi chợ vùng cao vào dịp cuối năm thường nhộn nhịp, đầy vẻ hoang sơ miền sơn cước, tôi háo hức vác ba lô xuyên đêm lên huyện biên giới Kỳ Sơn để đi chợ cuối năm. Dọc theo đường 7, khắp 2 bên sườn đồi nơi có những bản làng người Thái, người Mông… vẫn yên bình trong màn sương tê buốt giữa ngày Đông.
Chạm tới cửa phủ Tương Dương, sáng sớm, từng đoàn người đã dìu nhau vượt qua nhiều con dốc ngất ngưởng mang đủ thứ măng, khoai, sắn, gà, lợn để cùng hướng lên chợ biên giới Nậm Cắn. Háo hức nhất là những đứa trẻ chạm tuổi 9, lên 10 phong phanh chân trần theo bố mẹ đi bộ để được thoả thê phiên chợ cuối năm.
Sáng sớm những ngày cuối năm, sương trắng vẫn giăng dày trên các đỉnh đèo, sườn núi. Tới vùng đất cổ Bồn Man, cảnh người, cây cối và dòng sông Nậm Mộ chảy réo rắt qua góc nhỏ thị trấn Mường Xén như bản hoà tấu khiến núi rừng biên cương trở nên nhộn nhịp. Như bị hút hồn bởi dải nước trắng xoá của dòng Nậm Mộ thướt tha trong sương sớm, Nậm Cắn với mọi người vào thời khắc cuối năm trở nên gần gũi, thân thương và ấm áp đến lạ thường.
Chẳng thể đếm được bao nhiêu mặt người, nhưng khi đến với chợ Nậm Cắn, cảnh sắc váy đỏ chàm của người Thái, người Mông, chúng tôi thấy họ như gần gũi, rạng ngời. Thấp thoáng phía xa, những đàn ông người Mông đi sau các chú ngựa thồ xuống núi.
Những chàng trai, cô gái ríu rít nhau cùng tung tăng xuống chợ từ buổi chưa nhìn rõ mặt người. Ở chợ Nậm Cắn này, bình thường họp vào 2 ngày 14 và 29 (dương lịch) đã đông, nay vào thời điểm Tết đến Xuân về, người Lào, người Việt như chung một dòng tấp nập trở về đây họp chợ.
Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn ngày cuối năm đông đến lạ thường. Và, dĩ nhiên là tôi biết, phiên chợ của cả năm của những người dân vùng cao nơi miền biên ải này cũng trở thành nơi quây tụ, giao lưu. Đi chợ Nậm Cắn, phiên chợ đặc biệt của tình hữu nghị 2 nước Việt - Lào anh em, nhìn “no” cả con mắt với cơ man hàng hoá bày bán mang thương hiệu “made in miền núi” cùng với các hàng hoá gia dụng bày bán phong phú hôm nay lại nhớ tới những phiên chợ Tết xưa tiêu điều trong gian khó cả chục năm về trước. Ngoảnh lại, nghĩ về một thời xa xưa bỗng thấy Kỳ Sơn bây giờ cũng khác trước nhiều rồi.
Một góc chợ Nậm Cắn ngày cuối năm
Ngày ấy, nói đến Kỳ Sơn, nhiều người từ xuôi lên, huyện khác về đều “sởn cả da gà” bởi nơi đây vốn dĩ hoang vu, rừng thiêng nước độc. Theo sử sách cũ ghi lại, vùng đất huyện Kỳ Sơn cùng với huyện Tương Dương ở phía Đông xưa kia là lãnh thổ của Vương quốc Bồn Man (vương quốc này nằm trải dài phía Tây các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, một phần Sơn La ngày nay của Việt Nam và tỉnh Hủa Phăn của Lào ngày nay).
Sau đó, chính vương quốc này bị sáp nhập vào Đại Việt thời vua Lê Thánh Tông (1479). Những năm chiến tranh, cùng với nhân dân cả nước, bà con các dân tộc anh em ở Kỳ Sơn đã đoàn kết, vùng lên chống Pháp, đánh Mỹ và đuổi Phỉ. Cảnh xưa, với dãy hàng những vùng đất sắc màu loè loẹt của hoa anh túc.
Không ít bà con sống trong cảnh nghèo đói, những bản làng heo hút vẫn chẳng thể đứng dậy. Nay, thay vào đó là cuộc sống đang dần ấm no hơn trước, bà con đã một lòng thuỷ chung tin theo Đảng và Bác Hồ để xây dựng cuộc sống yên bình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cảnh Xuân về, dưới làn mây vắt lưng chừng núi như nàng tiên xoã tóc, tự bao giờ đã thấy thấp thoáng cánh hoa đào, hoa mơ khoe sắc cùng núi rừng.
Nhâm nhi bên chén rượu nồng men lá giữa chợ cuối năm Nậm Cắn, đồng chí Lầu Pá Bó, Trưởng Công an xã Nậm Cắn, người đưa đường cho tôi đến với chợ biên cương này cứ rót vào tai lữ khách những câu chuyện rất thân tình, cởi mở.
Trời gần trưa, khi men rượu đã ngấm vào lòng người, cũng là lúc cái nắng mang hơi ấm mùa Xuân đã len lỏi soi rõ từng mặt người. Những chàng trai vẫn mải mê với chén rượu ở góc chợ như chưa dứt được nhau sau bao ngày xa vắng. Những cô gái lịu địu gùi trên mình nào cá, nào rau, củ quả… tíu tít trao nhau nụ cười rôm rả.
Nhộn nhịp cảnh mua bán những mặt hàng phục vụ Tết
Đến lúc này, Lầu Pá Bó mới kể lại cái chuyện có chợ “đoàn kết” này ở nơi đây. Chợ phiên cuối năm ở Nậm Cắn không còn là hoạt động giao thương buôn bán nữa mà là nơi giao lưu thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào. Có người vượt hàng chục km đường rừng đến chợ không phải để mua bán mà đơn giản chỉ muốn gặp bạn bè để giao lưu.
Sau những phiên chợ vùng biên, tình đoàn kết anh em đồng bào hai nước càng thêm gắn chặt. “Dù đây là chợ vùng biên nhưng tình hình ANTT luôn được đảm bảo, hàng tuần, lực lượng biên phòng, công an đều giao ban để nắm tình hình. Còn dịp Tết này, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch gìn giữ bình yên để giúp bà con các dân tộc anh em vui Xuân được lành mạnh” - Lầu Bá Pó cho biết thêm.
Khi cửa khẩu Nậm Cắn được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế, 5 năm nay, chợ di chuyển sang họp tại Noọng Héc, huyện Xiêng Khoảng (Lào) - cách cửa khẩu nước ta khoảng 500 mét. Hàng hoá ở chợ, bên cạnh các gian hàng vải thổ cẩm, sản vật từ rừng, vật nuôi cho đến cây thuốc quý, có cả băng đĩa ca nhạc Việt, Lào, Thái.
Rất nhiều loại hàng hóa từ nhiều vùng miền đã được đưa lên đây, trong đó phần lớn là thực phẩm chuẩn bị đón Tết. Mặt hàng chủ lực của người Việt ở phiên chợ chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Thịt bò giàng mang thương hiệu Kỳ Sơn cũng thơm phức cả một dãy chợ. Còn tiểu thương Lào lại cung ứng vải thổ cẩm, ẩm thực cho du khách đi chợ. Cải Mông, gà đen là những thực phẩm ưa thích của người Việt, trong khi đó bạn Lào lại chú ý muối, mực khô, cá biển, cá đồng...
Người mua lẫn người bán cùng ngắm nghía thật lâu những món hàng. Ở đây người ta có thể trả bằng tiền Lào hoặc tiền Việt. Chưa hết, cách khu vực chợ không xa là những bà, những chị đang thoăn thoắt chân đạp máy khâu dập những sợi chỉ phục vụ bà con có nhu cầu may mặc các bộ váy Thái, Mông, Khơ Mú.
Vài cụ già trầm tư bên đống giấy bản có công năng trang trí cho những gian nhà của người dân khi chuẩn bị đón chào năm mới. Những tiếng khèn Mông cũng réo rắt bên chợ thu hút cả những người trung niên quây tụ lại như muốn tìm kiếm lại một thời trai trẻ.
Năm nay, Lầu Y Tờ đã tròn tuổi 40 ở xã Phà Đánh, cách Nậm Cắn hàng chục km nhưng năm nào cũng đi chợ vào dịp cuối năm. Vừa bán xong mấy bó lá dong rừng, Tờ đã dành tiền mua ngay tấm áo mới cho đứa con gái của mình Lầu Y Sớ năm nay đã học lên lớp 8 để mặc vào những ngày Xuân. Lầu Y Tờ cho biết: “Mình đi chợ cũng để gặp người anh em họ hàng bên Noọng Hét, nước Lào đã lấy vợ sang bên đó. Cứ đến Tết, nhà mình lại dìu dắt nhau đến chợ biên giới để được gặp người anh em, vui lắm”.
Bốn giờ chiều, chợ vãn dần, mọi người tranh thủ chất hàng lên gùi, lên xe, lên ngựa để về nhà kẻo mặt trời khuất núi. Những cô gái Mông má đỏ hây hây trong nắng chiều đi thành từng nhóm mặt mày rạng rỡ sung sướng. Sau một ngày gặp gỡ bạn bè, trao nhau địa chỉ và số điện thoại giữa chợ, mặt ai cũng chứa đầy niềm vui, trên lưng chứa đầy hàng. Tiếng hát giao duyên vẫn còn luyến láy trên môi: Con người làm chủ núi/ Con người trồng cây/ Con người vùng cao/ Sống vui giữa những ngày chợ…
Chỉ tạm xa nhau vài ngày thôi, mọi người lại xuống chợ gặp nhau ở phiên chợ đầu năm mới. Lầu Pá Bó nói: Chợ Nậm Cắn sang năm họp ngày đầu Xuân nhu cầu mua, bán không cao như những ngày thường, nhưng cũng thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch đến chơi chợ và mua một vài món hàng lấy lộc đầu Xuân.
Với tôi, Nậm Cắn vẫn còn in đậm hình ảnh đâu đây khi đã vội vã rời xa để bắt chuyến xe cuối cùng trong ngày để về phố. Đi giữa sắc trời đang độ vào Xuân, giữa dòng người tấp nập, hối hả, tôi vẫn luôn nhắc mình nhất định sang Xuân sẽ lại lên với Nậm Cắn, để lại được giấu mình trong men rượu, được thả hồn trong những câu hát giao duyên của trai gái bản trong phiên chợ vùng cao.
Trần Ngọc Thái
.